Nuôi giấc mơ con chữ
(Baonghean) - Chồng mất, không được nhà nội thừa nhận, chị Việt mang con ra sông Cửa Tiền cắm đò mưu sinh. Không nhà cửa, không công việc, đã có lúc chị định cho con nghỉ học. Nhưng rồi một người tốt đều đặn mỗi năm 2 kỳ gửi học bổng về để Lợi (con gái chị) tiếp tục nuôi giấc mơ con chữ...
Trưa tháng 10, nắng vẫn chói chang như giữa mùa hạ, chúng tôi tìm đến nơi mưu sinh của mẹ con chị Ngô Thị Việt (SN 1964, trú tại phường Vinh Tân, TP. Vinh). Dưới bóng ô ngổn ngang giày dép cũ, Ngô Thị Lợi (SN 1997) vẫn mặc nguyên bộ đồng phục học sinh ngồi ăn cơm. Một bát cơm, một bát canh, vài miếng thịt mỡ. Chị Việt phân trần: “Lợi vừa đi học về, tôi mang cơm ra đây cho nó ăn luôn để chiều đi học thêm. Học hành vất vả nên cũng phải chắt bóp để cho con tý chất tươi. Nếu không có suất học bổng của một Việt kiều Pháp thì giờ có lẽ Lợi cũng đang ngồi trước sạp giày cũ, hay bốc vác ở trong chợ Vinh rồi”.
Quê ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh), chị Việt ra chợ Vinh mưu sinh bằng nghề bốc vác. Tại đây chị quen một người đàn ông làm nghề khâu giày, dép. Anh sớm mất vợ, sống cảnh góa bụa nuôi con. Chị thương rồi yêu lúc nào chẳng hay. Khi hai người quyết định nương tựa vào nhau để sống thì gia đình anh phản đối quyết liệt. Không thuyết phục được gia đình, anh dọn ra sống với chị. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi anh đột ngột qua đời, để lại mẹ con chị côi cút.
Chị một mình nuôi con trong thiếu thốn, tủi hổ và cơ cực đủ bề. Ngày mang con lên chợ, vừa làm việc, vừa trông con. Tối hai mẹ con dắt nhau về chiếc thuyền con cắm trên dòng Cửa Tiền để ngủ. Rau cháo lần hồi, bé Lợi cũng lớn lên và đến tuổi đi học. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bé Lợi cũng được đến trường như bao trẻ khác. Nhìn con tung tăng tới trường, vô lo vô nghĩ, chị lại nặng trĩu âu lo: Tiền đâu mà cho con đi học? “Năm Lợi lên lớp 6, quả thật tui không biết lấy đâu ra tiền để nộp học cho con. Không còn cách nào khác, tui đành bảo con nghỉ học, nhưng nó khóc, nhất định không chịu. Cơm còn không có mà ăn, một mái nhà trên bờ để tá túc cũng không có, biết làm thế nào?”, chị Việt nói tiếp. Rồi một lần tình cờ, hoàn cảnh của chị được một đăng tải trên báo chí. Ước mơ được đến trường của cô bé mồ côi vạn đò đã lay động một người Việt xa xứ. Người Việt kiều này quyết định sẽ trao cho Lợi một suất học bổng trị giá 4 triệu đồng/năm để em tiếp tục được đến trường. Có sự giúp đỡ của người tốt bụng này, bé Lợi tiếp tục được đến lớp. Mức học bổng đủ để cháu trang trải các khoản đóng góp ở trường, còn lại, chị Việt cũng phải cố gắng lo cho con. “Họ là người ngoài mà lo lắng cho cháu như thế, mình là mẹ, chẳng lẽ không cố gắng cho con được đến trường” - chị tự nhủ. Chị quyết định dời từ đò lên thuê một phòng trọ trên bờ để con có chỗ ở ổn định. Ngày con đi học, chị ra cổng chợ Vinh khâu giày, dép mưu sinh. Mỗi ngày, nếu có việc, chị Việt cũng kiếm được dăm chục nghìn, nếu tằn tiện, hai mẹ con có thể chi tiêu đủ trong ngày. Những lúc vắng khách, chị Việt đi vác hàng thuê cho các chủ hàng, mỗi chuyện như thế cũng kiếm được vài chục nghìn, nhưng việc không phải lúc nào cũng có.
![]() |
Chị Ngô Thị Việt cùng con gái. |
Từ khi có nguồn học bổng của “người tốt không quen biết”, bé Lợi yên tâm đến trường hơn. Năm nay Lợi đã lên lớp 12, Trường THPT VTC. “Nếu không có người Việt kiều ấy thì em có lẽ không được học đến bây giờ. Em muốn nói lời cảm ơn với người ấy, nhưng không biết làm thế nào cả, chỉ biết tự mình cố gắng không phải nghỉ học giữa chừng để không phụ lòng yêu thương, chia sẻ và tin tưởng ấy”. Cuối cấp, Lợi gần như không có thời gian rảnh rỗi. Sáng, chiều - ngày hai buổi học ở trường, tối đi học thêm. Em bảo, ước mơ trở thành nhân viên bán thuốc nên đang cố học để thi đậu vào khoa Dược, Trường ĐH Y Vinh. Giữa các ca học, Lợi về giúp mẹ khâu giày cho khách. “Mỗi tháng, riêng tiền trọ là 1 triệu đồng, tiền học thêm của Lợi là 400 nghìn đồng, chưa kể tiền ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Bản thân chị bị bệnh cao huyết áp, có khi đang làm cũng xây xẩm mặt mày, mọi người phải chở đi truyền nước. Nhưng khó khăn đến mấy, chị cũng phải lo cho Lợi học hành đến nơi, đến chốn. Chị khổ nhiều rồi, không thể để đời nó cũng như đời chị được. Giờ Lợi cũng học sắp hết chương trình phổ thông, nếu không cho con thi đại học thì tội con, mà nếu cho thi, “nhỡ” nó đậu chị cũng không biết làm sao nuôi con học. Làm mẹ mà không lo nổi cho con thì đau lòng lắm nhưng...”, chị Việt buồn bã.
Người Việt kiều đã giữ đúng lời hứa tặng học bổng cho đến khi Lợi học hết lớp 12. Nhờ những đồng tiền nghĩa tình và thấm đẫm nhân văn này, cô bé vạn đò Ngô Thị Lợi đã được tiếp thêm sức mạnh trên con đường đến trường để nuôi ước mơ thay đổi số phận. Nhưng giấc mơ của em vẫn cần được tiếp sức từ những tấm lòng...
Lam Anh