Nuôi lươn, hướng đi bền vững ở Yên Thành

01/12/2014 08:33

(Baonghean) - Lươn Yên Thành từ lâu nổi tiếng thơm ngon, là mặt hàng được nhiều nơi ưa chuộng. Những năm gần đây, mặt hàng này không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong tỉnh mà còn được đưa ra các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Dương, Trung Quốc... Đạt được điều đó là nhờ sự liên kết chặt chẽ trong việc cung cấp giống, chăn nuôi, thu mua, chế biến và tiêu thụ của người dân trên địa bàn huyện.

Những năm trước đây, khi lươn đồng trở thành thực phẩm được ưa chuộng thì người dân Yên Thành ráo riết khai thác nguồn thực phẩm tự nhiên này. Không chỉ lươn trưởng thành mà lươn con với trọng lượng và kích thước bé cũng bị đánh bắt triệt để. Sau một thời gian, nguồn cung nguyên liệu đã bắt đầu suy cạn, đặc sản lươn Yên Thành đứng trước nguy cơ biến mất. Trước thực trạng đó, người dân đã cố gắng cải thiện tình hình bằng cách nuôi lươn đồng trong môi trường bùn, trong ao đất hoặc nuôi lươn đẻ để ươm giống. Tuy nhiên, các phương pháp này đều không đạt hiệu quả. Nguyên do là với môi trường bùn rất khó để chăm sóc, phòng bệnh khiến lươn chậm lớn, dễ bị nhiễm bệnh. Có những trường hợp sau khi nuôi thì tổng khối lượng lươn thịt thấp hơn cả khối lượng lươn giống trước khi thả. Sau một thời gian “loay hoay” tìm lối đi thì giờ đây trong cái khó người nông dân đã tìm được hướng phát triển riêng và mang lại lợi ích lớn. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi lươn ứng dụng khoa học kỹ thuật. Từ đây, người dân đã thiết lập vòng liên hoàn với sự liên kết giữa những người kinh doanh để duy trì được nguồn lươn thịt cung cấp cho thị trường mà không làm cạn kiệt nguồn giống.

Khách hàng nhập lươn tại cơ sở của anh Nguyễn Văn Khẩn (Long Thành, Yên Thành).
Khách hàng nhập lươn tại cơ sở của anh Nguyễn Văn Khẩn (Long Thành, Yên Thành).

Người dân Yên Thành đang ứng dụng phương pháp nuôi lươn không bùn. Đây là hình thức nuôi giản tiện và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách nuôi truyền thống của nhiều địa phương khác. Chính nhờ phương thức nuôi hiệu quả này, các hộ nuôi có thể xuất bán ra mỗi năm gần hàng tấn lươn. Anh Nguyễn Văn Chung (Mỹ Thành, Yên Thành) là chủ đầu tư của trang trại nuôi lươn gồm 5 bể, với diện tích mỗi bể gần 10m2. Qua tìm hiểu thực tế tại địa phương và các tỉnh khác nhận thấy việc phát triển mô hình nuôi lươn không bùn có thể đem lại hiệu quả về kinh tế lớn nên năm 2013 anh mạnh dạn đầu tư 90 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và hệ thống phụ trợ đi kèm. Bể nuôi phải ốp gạch men, có lỗ tiêu thoát nước dưới đáy. Sau khi khử trùng cẩn thận, trong bể nuôi anh thả 3 dàn tre tầm vông được bào tròn để làm chỗ cho lươn trú ngụ. Khi đã hoàn thành cơ sở vật chất, anh tận dụng nguồn cung cấp lươn giống từ các xã lân cận như Khánh Thành, Long Thành, Lý Thành… để xây dựng mạng lưới cung cấp giống với chất lượng đảm bảo.

Lươn giống với khối lượng 1 kg có từ 60 đến 70 con, sau thời gian chăm sóc 6 tháng có thể thu về gấp 80 lần khối lượng khi xuất bán. Anh tiến hành nuôi mỗi chuồng từ 5 đến 7 kg giống. Năm 2013, tổng 5 chuồng với 2 lần xuất bán ra gần 1,5 tấn thịt lươn. Anh Chung chia sẻ: “Đối với nghề nuôi lươn thì kỹ thuật là yếu tố quyết định sự thành bại. Nếu nắm chắc kỹ thuật thì người nuôi rất “nhàn” mà thu nhập lại cao do chi phí thấp. Việc tận dụng nguồn giống tại địa phương do người dân trong vùng cung cấp nên giá giống không cao, chỉ giao động từ 50 - 70 nghìn đồng/1kg. Mặt khác, lươn là giống ăn tạp nên nguồn thức ăn có thể tận dụng các loài cá nhỏ (chủ yếu là cá rô) với giá chỉ khoảng 5 nghìn đồng/1kg. Khi lươn đạt khối lượng mỗi con gần 5 lượng thì có thể xuất bán với giá từ 150 đến 180 nghìn đồng/1kg”. Khối lượng của lươn Yên Thành không cao, lươn trưởng thành đạt tối đa chỉ từ 5 đến 6 lượng. Trong khi ở các địa phương khác như Hưng Nguyên, Thanh Chương… thì một con lươn có cân nặng trên dưới 1 kg. Tuy nhiên, về độ ngon, dai và thơm của lươn Yên Thành được đánh giá là vượt trội. Đo đặc điểm nguồn gen giống cũng như điều kiện thổ nhương, tự nhiên mà giống lươn nơi đây mang những đặc tính riêng có.

Ngoài các hộ chuyên cấp giống và chăn nuôi lươn thịt thì trên địa bàn huyện còn có nhiều tư thương thu gom lươn để cung ứng cho các thị trường lớn. Đó là mắt xích quan trọng để phát triển nghề nuôi lươn của huyện. Anh Nguyễn Văn Khẩn (xóm Nam Lâm, xã Long Thành) là một trong những hộ thu gom lươn lớn trên địa bàn Yên Thành. Mỗi ngày cơ sở của anh nhập khoảng 1,5 tấn lươn trong và ngoài huyện và chuyên chở, xuất bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, chủ yếu là thị trường Hà Nội và một phần xuất sang Trung Quốc. Thời gian cao điểm trong năm từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch thì số lượng hàng tiêu thụ rất lớn, lúc này ngoài số nhân công cố định là 30 người của cơ sở anh còn phải thuê thêm từ 8 đến 10 người nữa mới hoàn thành công việc.

Ngoài thu gom, cơ sở của anh còn tiến hành sơ chế sản phẩm đối với các khách hàng có nhu cầu. Lươn sẽ được luộc qua, làm sạch và ướp đông. Theo phương pháp này việc vận chuyển và cung hàng sẽ tiện lợi và đảm bảo vệ sinh nhất. Bởi vì do lươn lớp nhớt bao bọc ngoài cơ thể nên không chuyển lươn với mật độ cao làm lớp lươn bên dưới bị đè dẹp dễ bị ngộp và chết. Ngoài ra khi vận chuyển lươn với quãng đường xa thì thịt lươn sẽ không còn chắc và ngon. Do đó phương pháp sơ chế này sẽ phù hợp với các đầu mối tiêu thụ ở khoảng cách trên 100 km. Lươn đồng thuần dưỡng có sức đề kháng tốt, ít bệnh dịch. Hơn nữa, mặt hàng này cũng dễ tiêu thụ vì ngoài nhà hàng, khách sạn, bà con đặt làm đám cưới, giỗ, tết thường xuyên. Nhiều thời điểm, khách ngoài huyện đưa xe đến mua, đặt cọc với khối lượng lên tới hàng tạ mỗi lần.

Qua tìm hiểu được biết, hiện toàn xã Long Thành có hơn 20 hộ nuôi lươn, đây được xem là một trong những mũi nhọn của ngành chăn nuôi của xã, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân. Có thể nói, việc tạo các mắt xích liên kết chặt chẽ của người dân trong việc cung cấp giống, nuôi trồng, thu gom và tiêu thụ đã tạo ra những bước tiến lớn trong việc đưa lươn Yên Thành ra với thị trường rộng lớn.

Bài, ảnh: Thanh Quỳnh

Mới nhất

x
Nuôi lươn, hướng đi bền vững ở Yên Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO