Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng
(Baonghean) - Lươn là loài thủy đặc sản được người dân rất ưa chuộng, thịt thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện nay, phong trào nuôi lươn ngày càng phát triển ở nhiều địa phương với nhiều hình thức nuôi khác nhau. Phổ biến nhất vẫn là kiểu nuôi truyền thống trong bùn, mô hình này tuy mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nuôi nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế do lươn chui rúc trong bùn nên rất khó theo dõi số lượng, tốc độ tăng trưởng, tình hình bắt mồi, dịch bệnh... để có biện pháp xử lý kịp thời. Mô hình nuôi lươn không bùn đang là một hướng đi mới và nhận được sự quan tâm của người nuôi do khắc phục được những hạn chế của mô hình nuôi lươn truyền thống cũng như khả năng thâm canh cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Chúng tôi xin giới thiệu về mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng gồm các bước như sau:
1. Chuẩn bị bể:
- Mỗi bể xi măng có diện tích từ 5-10m2, độ dốc hơi nghiêng về phía cống thoát.
- Bể nuôi có hệ thống cấp và tháo nước thuận tiện.
- Dùng dây ni lon phủ trên 2/3 diện tích đáy bể làm chỗ trú cho lươn.
- Trên bể có mái che để mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
- Đối với bể cũ: Trước khi thả giống phải lau dọn sạch sẽ và sát trùng bể nuôi.
- Đối với bể mới: Sau khi xây bể xong phải ngâm nước tẩy rửa nhiều lần, ít nhất 20 ngày sau mới đưa lươn vào nuôi.
2. Chọn giống:
Chọn lươn đều cỡ, khỏe mạnh, không bị bệnh, màu sắc tươi sáng. Nguồn lươn giống đã được thuần hóa ở các cơ sở ương nuôi có uy tín.
3. Thả giống:
Giống cỡ nhỏ 1.500 con/kg nuôi với mật độ 1.000 -1.500 con/m2; lươn đạt trọng lượng 50-70 con/kg nuôi với mật độ 200-300con/m2.
Trước khi thả lươn vào bể nuôi, phải tắm lươn bằng nước muối 3%, thời gian 15-20 phút để phòng bệnh.
4. Chăm sóc và quản lý:
- Thức ăn giai đoạn lươn nhỏ: cá tạp xay nhỏ trộn với 20% thức ăn viên có độ đạm trên 35%, định lượng 7-10% khối lượng lươn/ngày, cho ăn 1 lần/ngày lúc chiều tối (18-19h).
- Thức ăn giai đoạn lươn lớn: cá tạp, ốc bươu vàng, phụ phẩm lò mổ nấu chín, định lượng 3-5% khối lượng lươn, ngày cho ăn 1 lần lúc chiều tối (18-19h). Mỗi ngày thay nước một lần (chú ý nước luôn sạch).
- Khi nuôi lươn, cứ 30 ngày phải chọn những con nhỏ để tách nuôi riêng (tách đàn kịp thời). Có như vậy lươn thịt mới đều cỡ, tỷ lệ hao hụt thấp và cho hiệu quả kinh tế cao nhất.
- Trong quá trình nuôi phải thường xuyên quan sát, nếu con nào bị xây xát phải tách riêng để chữa trị. Khi phát hiện lươn có dấu hiệu bất thường như lươn ăn ít, một số con bơi tách đàn hoặc ngóc đầu lên cần tìm nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời.
5. Thu hoạch:
Sau 6-7 tháng, lươn đạt trọng lượng 0,2-0,3kg/con (đạt giá trị thương phẩm) là có thể bán ra thị trường, tỷ lệ sống đạt trên 70%. Năng suất đạt 40-60 kg/m2 bể.
Khi lươn đạt kích cỡ thu hoạch, ngừng cho lươn ăn một ngày trước khi xuất bán. Khi đánh bắt, dùng vợt xúc nhẹ nhàng, tránh xây xát. Phải chuẩn bị thùng xốp chứa lươn.
Vũ Xuân Nam