Nuôi lươn trong bể không bùn

06/03/2015 10:29

(Baonghean) - Nghề nuôi lươn trong bể xi măng không bùn đang được nhiều hộ dân áp dụng thành công, mở hướng phát triển mới ở các địa phương. Tuy nhiên, để tạo bước phát triển vững chắc, nghề nuôi lươn rất cần sự chung tay của các ngành chức năng trong việc thiết lập nguồn giống, kiểm soát dịch bệnh.

Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng không bùn của anh Trần Ngọc Duyên (Hưng Thắng, Hưng Nguyên) đang là điểm sáng được nhiều bà con biết đến. Từ đầu năm 2013, sau khi đã nắm rõ thị trường, tìm hiểu qua sách báo và lên mạng đọc các diễn đàn về cách thức mới để nuôi lươn mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh mạnh dạn xây dựng hệ thống chuồng trại với 4 bể xi măng trên diện tích ao gần 1 ha của trang trại. Qua đợt đầu nuôi thử nghiệm, cuối năm 2013 anh xuất được 4 tạ lươn với giá 165 ngàn đồng/kg. Sau thành công đó, năm 2014 anh tiến hành nuôi lươn trong 4 bể xi măng.

Anh Trần Ngọc Duyên (Hưng Thắng, Hưng Nguyên) kiểm tra đàn lươn nuôi.
Anh Trần Ngọc Duyên (Hưng Thắng, Hưng Nguyên) kiểm tra đàn lươn nuôi.

Anh Duyên cho biết, đầu tư bể nuôi phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định để bảo đảm vệ sinh cho lươn. Muốn vậy, bể nuôi thường được ốp gạch men, có chỗ thoát nước dưới đáy để vệ sinh hằng ngày, tuy nhiên bể phải được thiết kế phù hợp để không cho lươn thoát ra. Sau khi khử trùng cẩn thận, trong bể nuôi thả 3 dàn tre tầm vông được bào tròn để làm chỗ cho lươn trú ngụ. Bể bé với diện tích 4m2 anh tiến hành thả 30 kg giống và bể lớn 8m2 anh tiến hành nuôi 80 kg lươn giống. Lươn giống giá dao động từ 10 đến 12 triệu đồng/tạ, thường được nhập từ các tỉnh phía Nam. Sau 4 tháng nuôi là có thể xuất bán. Vì lươn là giống ăn tạp nên nguồn thức ăn có thể tận dụng các loài cá nhỏ (chủ yếu là cá rô) với giá chỉ khoảng 5 nghìn đồng/kg.

Không nuôi lươn thịt giống lai từ miền Nam như anh Duyên, hàng chục gia đình ở Yên Thành lại tiến hành nuôi giống lươn đồng vốn là đặc sản thịt thơm, dai và ngon nổi tiếng của huyện. Do đó đầu ra của lươn được khách hàng nhiều nơi tìm về thu mua. Giống lươn đồng nhỏ, được các hộ dân đánh bắt từ đồng về, nhập cho các gia đình có bể nuôi. Để nuôi lươn thành công, yếu tố kỹ thuật có vai trò quyết định. Nếu nắm chắc kỹ thuật thì người nuôi rất “nhàn” mà thu nhập lại cao do chi phí thấp…

Còn tại huyện Đô Lương - một trong những huyện có nhiều mô hình nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả cao của tỉnh ta, đến thời điểm này, toàn huyện có 51 hộ phát triển mô hình với tổng diện tích gần 1.400m2, dự kiến năm nay các hộ sẽ xuất ra thị trường khoảng 230 tấn lươn.

Anh Nguyễn Văn Chinh (xóm 1, Trung Sơn) là một hộ điển hình nuôi lươn theo hướng mới với tổng 5 bể xi măng rộng hơn 20m2. Anh chia sẻ: “Những năm trước đây, khi lươn đồng trở thành thực phẩm được ưa chuộng thì chúng bị khai thác một cách ráo riết. Không chỉ lươn trưởng thành mà lươn con với kích thước bé cũng bị đánh bắt. Nhiều hộ dân nảy ra sáng kiến nuôi lươn đồng trong môi trường bùn hay ao đất, tuy nhiên các phương pháp này đều không đạt hiệu quả. Nguyên do là với môi trường bùn rất khó chăm sóc, phòng bệnh khiến lươn chậm lớn, dễ bị nhiễm bệnh. Có những trường hợp sau khi nuôi, lượng lươn thu hoạch thấp hơn cả lượng lươn giống trước khi thả. Sau này, chúng tôi áp dụng nuôi lươn thương phẩm không bùn mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Nuôi lươn không khó, chỉ cần chú ý phòng bệnh cho chúng bởi đó là loài dễ mắc các bệnh ngoài da và đường tiêu hóa. Nếu làm tốt khâu phòng bệnh thì chắc chắn sẽ thành công”. Hiện xã Trung Sơn có 19 hộ nuôi, sản lượng trung bình của mỗi hộ dao động từ 350 - 400 kg lươn/năm.

Anh Nguyễn Hữu Minh - Phó phòng Chăn nuôi Sở Nông nghiệp tỉnh cho biết: “Phong trào nuôi lươn trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây phát triển khá, chủ yếu tập trung ở các huyện trung du, trong đó, nuôi lươn hàng hóa bằng bể không bùn có nhiều ưu điểm vượt trội, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn tỉnh có 70 hộ nuôi với diện tích gần 2.000m2, dao động mỗi hộ từ 4 đến 5 bể. Hiện có hai nguồn cung con giống chính là con giống được bắt từ tự nhiên, trải qua thời kỳ thuần dưỡng 2 tháng thì tiến hành phân loại và đưa vào nuôi thương phẩm. Nguồn còn lại là các giống lươn đã qua thuần dưỡng tại các cơ sở cung ứng giống từ các tỉnh miền Nam. Hiện tại, việc đảm bảo nguồn cung ứng giống cho các hộ nuôi cũng là vấn đề đáng quan tâm, ngành Nông nghiệp đang nỗ lực để hỗ trợ bà con cả về giống và kỹ thuật để phát triển chăn nuôi lươn bền vững, hiệu quả kinh tế cao…”.

Thanh Quỳnh

Mới nhất
x
Nuôi lươn trong bể không bùn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO