NXB Giáo dục bị “tố” tiếp tay cho hàng Trung Quốc

23/08/2012 08:25

Nhà xuất bản Giáo dục bị “tố” cản trở dùng bút chấm đọc của Việt Nam sản xuất nhưng lại tạo thuận lợi cho sản phẩm của Trung Quốc.


“Dìm hàng” bút chấm đọc Việt Nam?


Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại bút chấm đọc (loại bút chấm vào sách được mã hóa có thể phát ra tiếng Anh, để dạy thiếu nhi ngoại ngữ), trong đó, có nhiều loại xuất xứ từ Trung Quốc.


Theo khảo sát trên thị trường, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp đang phát hành 4 loại bút chấm đọc xuất xứ Trung Quốc.


Trong khi đó, Viện Vật lý, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tham gia đồng hành cùng Đề án ngoại ngữ 2020, đã nghiên cứu và sản xuất ra một loại bút chấm đọc là Robot Teacher.



Bút chấm đọc do Việt Nam sản xuất.

Theo TS Doãn Hà Thắng - Viện Vật lý, đây là sản phẩm duy nhất được Bộ GD&ĐT giới thiệu với các tỉnh thành để áp dụng công nghệ vào dạy tiếng Anh bậc phổ thông.


Theo điều tra của chúng tôi, Bộ GD&ĐT đã từng có cuộc họp kín để đánh giá các loại bút chấm đọc. Kết quả, các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng bút do Việt Nam sản xuất.


“Trong quá trình công tác cùng đoàn công tác của Bộ xuống các địa phương hướng dẫn mô hình dạy, luyện tập và kiểm tra, cũng như các báo cáo của lãnh đạo sở GD&ĐT các tỉnh tại Hội nghị tư vấn thiết bị dạy và học ngoại ngữ tại Cửa Lò (Nghệ An) ngày 19 và 20/7 vừa qua, chúng tôi có nhận được những thông tin phản hồi tốt.


Tuy nhiên, nhiều địa phương thông báo là không có sách tiếng Anh mã hóa để bút chấm đọc sử dụng được, có nơi mã hóa rất ít”, TS Doãn Hà Thắng - Tác giả của bút chấm đọc Robot Teacher, cho biết.


Để bút chấm đọc có thể dùng được, các sách phải được mã hóa. Việc mã hóa không làm tăng giá thành các cuốn sách. Việc mã hóa mở như vậy cũng làm cho tất cả các loại bút chấm đọc có thể đọc được, chứ không chỉ là bút của Việt Nam sản xuất.


Nguy hiểm nếu bút chấm đọc "nói những câu về chính trị”


TS Doãn Hà Thắng cảnh báo: “Cần phải quan tâm nhiều đến độ an toàn của sản phẩm do đã có tiền lệ về việc các sản phẩm nhựa xuất xứ từ Trung Quốc có chứa thành phần hóa chất độc hại đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.



Một sản phẩm được "đóng dấu" của NXB Giáo dục

Cũng cần quan tâm tới việc sản phẩm dễ vỡ, các mảnh vỡ sắc nhọn gây nguy hiểm cho học sinh, các nút bấm không nhạy, cổng USB sạc pin bị hỏng sau thời gian ngắn, pin bên trong chỉ sử dụng được thời gian ngắn là phải thay với giá rất đắt, hoặc pin tự nổ khi có sự thay đổi về nhiệt độ.


Các thiết bị đồ chơi không đảm bảo độ bền, độ an toàn, không có đủ các cấu tạo và tính năng thông dụng của thiết bị nhận dạng và đánh giá ngữ âm”.


Các loại bút chấm đọc muốn được nâng cấp phần mềm thì phải được kết nối internet, người dùng tải về các chương trình mới. TS Doãn Hà Thắng cảnh báo: “Nếu những chiếc bút ấy được “cài” nói các câu mang tính chính trị, ví dụ về Trường Sa, từ nguồn của nhà sản xuất ở Trung Quốc, thì sẽ rất nguy hiểm”.

Viện Vật lý làm việc phi lợi nhuận


Trao đổi với PV, TS Doãn Hà Thắng khẳng định, đề tài nghiên cứu về bút chấm đọc của ông do Nhà nước cấp kinh phí. Nếu được áp dụng đại trà, ông sẽ chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất, không thu bản quyền. Điều này khác với nhiều doanh nghiệp sản xuất bút chấm đọc của nước ngoài.

TS Doãn Hà Thắng cho hay, hiện nay, bút chấm đọc của Việt Nam sản xuất có nhiều ưu điểm hơn các nước khác. Vì thế, nếu NXB Giáo dục Việt Nam chậm trễ trong việc mã hóa thì sẽ tạo cơ hội cho bút của Trung Quốc có thời gian nâng cao tính năng, có cơ hội đuổi theo những công nghệ của viện Vật lý sáng tạo ra.


TS Doãn Hà Thắng mong muốn, Bộ GD&ĐT, NXB Giáo dục Việt Nam khẩn trương mã hóa các sách tiếng Anh bậc tiểu học, để việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy được thuận lợi.



NXB Giáo dục nói gì?


PV đã gửi câu hỏi trực tiếp đến ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch HĐQT NXB Giáo dục Việt Nam, về lý do chậm trễ mã hóa các sách tiếng Anh bậc tiểu học từ ngày 6/8, nhưng đến nay (21/8) chúng tôi vẫn chưa nhận

được câu trả lời chính thức.


Trước đó, một cán bộ từng phụ trách thiết bị của NXB Giáo dục Hà Nội cho biết, việc nhập các bút chấm đọc của Trung Quốc là do làm theo lệnh cấp trên. Ông từ chối trả lời về trách nhiệm khi kinh doanh các loại bút này, vì “bây giờ đã chuyển sang làm nhiệm vụ khác”.


Trong khi đó, một trợ lý của ông Ngô Trần Ái chiều 20/8 cho hay, việc này do ông Quốc Khánh - Giám đốc NXB Giáo dục tại Hà Nội, chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ông Khánh cho biết, việc đó thuộc về NXB Giáo dục Việt Nam, cụ thể là ông Phan Doãn Thoại - Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam.


Về việc đánh giá các bút chấm đọc, ông Ngô Trần Ái cho biết, có văn bản của Bộ GD&ĐT về kết quả đánh giá; nhưng ông từ chối cho phóng viên xem văn bản đó.


Vậy, vì sao NXB Giáo dục Việt Nam không mã hóa hết các sách tiếng Anh, đằng sau việc kinh doanh các thiết bị của Trung Quốc là gì? Nguồn gốc về sự độc quyền của NXB Giáo dục ra sao?...


Bộ GD&ĐT nói gì?

Trả lời về việc “loạn” bút chấm đọc, ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ tiểu học, cho hay Bộ GD&ĐT không can thiệp vào công việc kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất bút chấm đọc. Bộ GD&ĐT chỉ giới thiệu bút cho các địa phương, để các địa phương tự chọn.


Theo VietQ-M

Mới nhất

x
NXB Giáo dục bị “tố” tiếp tay cho hàng Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO