Ô nhiễm cống Rào Đừng

07/07/2014 15:10

(Baonghean) - Thời gian gần đây, dư luận đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh ta. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn những điểm “đen” ô nhiễm diễn ra nhiều năm nay và kể cả những điểm ô nhiễm mới chưa được giải quyết triệt để.

Tình trạng ô nhiễm đang ảnh hưởng đến sản xuất của các hộ dân nuôi tôm khu vực cống Rào Đừng, xã Nghi Thái.
Tình trạng ô nhiễm đang ảnh hưởng đến sản xuất của các hộ dân nuôi tôm khu vực cống Rào Đừng, xã Nghi Thái.

Cách Thành phố Vinh chừng 6 km về phía Đông, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc hiện ra trước mắt chúng tôi một khung cảnh làng quê yên bình và phát triển. Thế nhưng, ẩn chứa bên trong đó là những bức xúc của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân, nhất là các hộ dân sống ở phía cuối làng, gồm các xóm Thái Cát, Thái Bình, Thái Hưng, Thái Học...

Theo chân ông Vương Đức Minh - Xóm trưởng xóm Thái Bình, chúng tôi tiếp cận khu vực Rào Đừng – tuyến cuối của kênh dẫn nước thải từ thành phố chảy về để dẫn ra cống xã Hưng Hòa (Thành phố Vinh) đổ ra sông Lam. Nước từ kênh chính dẫn vào Rào Đừng và các khu vực thấp trũng xung quanh có màu nước đen, mùi tanh lợm. Ông Minh cho biết: “Thái Bình là một trong hai xóm có diện tích sản xuất bị ảnh hưởng do ô nhiễm nước thải từ cống Rào Đừng nhiều nhất trong số 8 xóm bị ảnh hưởng trong xã. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại đây đã xảy ra mấy năm nay. Mùa mưa, nước mưa pha loãng nên ô nhiễm ít hơn, còn vào những ngày hè nắng nóng thế này thì ô nhiễm nặng hơn”. Theo một số người dân, nhiều người dân làm ruộng, đi chăn vịt, chăn trâu ở khu vực quanh đập và cống về chân tay đều ngứa; trâu bò, vịt thả ở đây về có lúc cũng lở loét. Có hôm, cá tràu, cá gáy chết trắng ngay đập tràn và miệng cống. Chưa hết, cách cống Rào Đừng chỉ có vài trăm mét có hàng trăm cái ao nuôi tôm của các hộ dân xã Nghi Thái cũng nhiều phen lao đao... tôm chết.

Ô nhiễm nguồn nước thải ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực nuôi tôm công nghiệp của xã Nghi Thái. Anh Nguyễn Ngọc Danh, xóm Thái Cát đang cho tôm ăn, cho biết: “Do mình đã theo đuôi nuôi tôm cả chục năm nay nên phải làm chứ mấy năm nay có đồng lời lãi nào đâu. Tháng 3 vừa qua, thả một lứa tôm thì chỉ sau gần 1 tháng đã chết hết, mất gần cả trăm triệu đồng tiền giống và tiền thức ăn”. Gần khu vực ao của anh Danh, anh Vương Đức Hòe (xóm Thái Bình) vừa rồi tôm cũng bị chết, thiệt hại 60 – 70 triệu đồng... Đó là 2 trong số hàng chục hộ nuôi tôm ở Nghi Thái gánh chịu thiệt hại do tôm chết trong quá trình nuôi. Ông Lê Ánh Sáng – cán bộ địa chính – môi trường xã Nghi Thái, cho biết: “Nguyên nhân nước ở cống Rào Đừng bị ô nhiễm chúng tôi cho rằng xuất phát từ 2 nguồn phát thải. Thứ nhất là nguồn nước thải sinh hoạt của Thành phố Vinh theo kênh dẫn đổ trực tiếp về; thứ hai là nước thải từ Nhà máy xử lý nước thải của Thành phố Vinh (đặt tại xã Hưng Hòa) xả ra môi trường chưa đạt tiêu chuẩn”.

Nằm gần cống Rào Đừng, phía nam là diện tích đất sản xuất lúa của nông dân HTX Phong Điền, xã Hưng Hòa (Thành phố Vinh) và nơi đây họ cũng phản ánh có tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của bà con. Biểu hiện rõ nhất là cây lúa trồng ở những thửa ngoài gần kênh dẫn nước thải thu hoạch muộn hơn so với các thửa ruộng khác cấy cùng thời điểm, năng suất rất thấp.

Ông Bạch Hưng Cử - Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh, cho biết: Tình trạng ô nhiễm diễn ra ở xã Nghi Thái và Hưng Hòa được người dân phản ánh thời gian gần đây là có thật. Hiện nay, do hệ thống thu gom nước thải của thành phố chưa hoàn thiện nên việc thu gom bao gồm nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất của thành phố chưa được thực hiện, mới chỉ thực hiện được một phần đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại xã Hưng Hòa.

Lượng lớn nước thải còn lại chưa qua xử lý đang thải trực tiếp ra môi trường, trong đó có nước thải ở khu vực phía bắc qua cầu Bàu, kênh Bắc dẫn ra sông Rào Đừng, gây ô nhiễm môi trường. Theo báo cáo kết quả quan trắc và phân tích môi trường tại ba ra cống Rào Đừng, xã Hưng Hòa vào hồi tháng 9 năm 2013, cho thấy một số chỉ tiêu môi trường nước vượt quy chuẩn cho phép, như Niken vượt 2,4 lần; Coliforms vượt 1,65 lần.... Cũng theo ông Bạch Hưng Cử, việc người dân cho rằng, nước thải đã qua xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Hưng Hòa ra môi trường chưa đạt tiêu chuẩn thì chưa có cơ sở. Bởi qua lấy mẫu nước sau xử lý của nhà máy vào ngày 20/6 vừa qua của chi cục, kết quả bước đầu cũng cho thấy các chỉ tiêu, thông số đều đạt quy chuẩn Việt Nam về chất lượng nước thải ra môi trường.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta có nhiều điểm ô nhiễm tồn tại nhiều năm như Nhà máy bia Sài Gòn, Trại lợn Thái Dương đang từng bước được khắc phục ô nhiễm, tạo những chuyển biến tích cực về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm ô nhiễm vẫn tiếp tục ô nhiễm, gây bức xúc trong nhân dân như ô nhiễm từ hoạt động một số cơ sở sản xuất trong KCN Nam Cấm; Cụm công nghiệp nhỏ Diễn Hồng; các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh... Để có thể giải quyết và xử lý các điểm ô nhiễm, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng thì vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hết sức quan trọng nhằm thay đổi tư tưởng, hành động để bảo vệ môi trường sống chung.

Rõ ràng, dù là nguyên nhân gì thì tình trạng ô nhiễm môi trường ở Nghi Thái và Hưng Hòa vẫn đang diễn ra, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đe dọa sức khỏe của nhân dân. Để kịp thời giải quyết tình trạng ô nhiễm này, theo các cơ quan chức năng, Thành phố Vinh cần tăng cường thực hiện việc cải tạo, nâng cấp hệ thống mương thoát nước của thành phố để thu gom triệt để nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn.

Trước mắt là đẩy nhanh dự án cải tạo kênh Bắc, bởi khi nào dự án này hoàn thành đưa vào sử dụng thì lượng nước thải sẽ được thu gom theo 2 hệ thống mương 2 bên kênh Bắc dẫn về hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Hưng Hòa để xử lý, còn kênh Bắc trở thành kênh tiêu thoát nước bề mặt cho thành phố. Một mặt tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế tối đa nước thải công nghiệp chưa qua xử lý đổ vào nguồn nước sinh hoạt.

Mai Hoa

Mới nhất
x
Ô nhiễm cống Rào Đừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO