Ô nhiễm tiếng ồn: Khó xử lý vi phạm

25/10/2011 16:26

Ô nhiễm tiếng ồn là một trong những thành phần quan trọng trong hệ thống tiêu chuẩn đã được pháp luật về bảo vệ môi trường quy định rõ và có những quy tắc và chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ô nhiễm tiếng ồn là điều khó phân biệt được theo từng mức quy định cụ thể, vì thế mà hàng ngày người dân nhiều nơi vẫn phải hứng chịu vô số tiếng ồn đập vào tai mà không có hướng giải quyết nào khả thi.

(Baonghean.vn) Ô nhiễm tiếng ồn là một trong những thành phần quan trọng trong hệ thống tiêu chuẩn đã được pháp luật về bảo vệ môi trường quy định rõ và có những quy tắc và chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ô nhiễm tiếng ồn là điều khó phân biệt được theo từng mức quy định cụ thể, vì thế mà hàng ngày người dân nhiều nơi vẫn phải hứng chịu vô số tiếng ồn đập vào tai mà không có hướng giải quyết nào khả thi.


Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã có những quy định rõ tiêu chuẩn về tiếng ồn, độ rung đối với phương tiện giao thông, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hoạt động xây dựng... Bên cạnh đó Thông tư số 39/2010 của BộTN&MT cũng đã có những quy định về một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Trong đó, có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động gây ra tiếng ồn ảnh hưởng đến những khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.


Tiếng ồn phát ra từ xưởng mộc gây khó chịu cho những người xung quanh.

Theo đó, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn (theo mức âm tương đương) quy định rõ: Trong thời gian từ 6h-21h, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn ở khu vực đặc biệt là 55 DBA, ở khu vực thông thường là 70 DBA. Trong thời gian từ 21h-6h, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn ở khu vực đặc biệt là 45 DBA, ở khu vực thông thường là 55 DBA (khu vực đặc biệt là những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác; khu vực thông thường gồm: khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính...).

Cùng với việc đưa ra những quy chuẩn cụ thể, pháp luật cũng đã có những mức độ xử phạt cho các hành vi vi phạm pháp luật về ô nhiễm tiếng ồn. Nghị định 117/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2009 đã nêu rõ mức phạt từ 2 triệu -100 triệu đồng theo từng mức độ vi phạm khác nhau về tiếng ồn, đồng thời có thêm hình thức tăng nặng như tước giấy phép kinh doanh, giấy phép hành nghề.

Tuy đã có những chế tài quy định, và được xem là khá cứng rắn so với các quy chuẩn về ô nhiễm môi trường khác, thế nhưng thực tế lại cho thấy việc xử phạt là không hề đơn giản. Trên địa bàn Nghệ An, ô nhiễm tiếng ồn diễn ra mọi lúc, mọi nơi, tại khu vực thành phố nổi bật nhất là ô nhiễm tiếng ồn từ các phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường sắt, và các tụ điểm vui chơi giải trí.

Ngay trong khu vực TP.Vinh, người dân sống ven các trục đường chính có lưu lượng lớn xe cộ qua lại, hàng ngày đã nhức óc khi phải hứng chịu tiếng gầm rú của các phương tiện giao thông, thi thoảng lại bị chói tai bởi tiếng còi hơi của các xe tải hạng nặng, khiến ảnh hướng đến tâm sinh lý, nhiều khi làm mất giấc ngủ, gây căng thẳng, ức chế thần kinh.


Không chỉ có vậy, trên địa bàn Thành phố Vinh, khu vực quanh các quán bar, vũ trường, các trung tâm thương mại, người dân nhiều khi đã buộc phải quen với việc sống chung cùng ô nhiễm tiếng ồn, mà không biết rằng, chính bản thân mình mới được bảo vệ chính đáng theo những quy định của pháp luật về chống ô nhiễm tiếng ồn. Cách mà người dân làm chỉ là bịt tai, đóng chặt cửa ở trong nhà, chứ không biết kêu ai.


Theo Trung tá Trần Phúc Thịnh - Đội trưởng đội 2 Phòng CSMT Công an tỉnh: Việc xử lý vi phạm vì ô nhiễm tiếng ồn hiện nay là điều rất khó khăn, về phía lực lượng chức năng cũng đã nhiều lần nhận được đơn thư kiến nghị của người dân về một số trường hợp các xưởng mộc, xưởng cưa, xưởng cơ khí ở gần khu dân cư gây tiếng ồn, nhưng cũng chỉ xử lý được ở mức nhắc nhở họ để hạn chế được tiếng ồn, chứ chưa thể xử phạt.

Hiện nay CSMT chưa được trang bị thiết bị để theo dõi tiếng ồn, và nếu được trang bị thì cũng rất khó để xử lý các trường hợp bị phản ánh vi phạm, bởi nếu lực lượng chức năng có đến kiểm tra thì đối tượng vi phạm đã kịp thời tắt. Chính vì vậy giải pháp khả thi nhất hiện nay cũng chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở đối với những trường hợp gây bức xúc cho người dân, còn vấn đề ô nhiễm tiếng ồn từ phương tiện giao thông thì không thể kiểm soát được.


Đặng Nguyễn

Mới nhất
x
Ô nhiễm tiếng ồn: Khó xử lý vi phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO