"Ô tô" của trẻ em người Mông
(Baonghean.vn) - Không có điều kiện được bố mẹ mua đồ chơi như trẻ em ở miền xuôi, thành thị, những đứa trẻ người Mông trên đỉnh Trường Sơn (thuộc bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) phải tự chế tạo những món đồ chơi cho mình.
Bản Huồi mới 1 cheo leo giữa đại ngàn. |
Độc đáo và thú vị nhất có lẽ là chiếc xe gỗ mà các em gọi là “ô tô” ba bánh. Nhìn chiếc xe khá đơn giản, đó là bốn thanh gỗ ghép vào nhau theo hình chữ nhật, phía trước được gắn 1 bánh gỗ tròn, sau có hai bánh, trên “xe” đặt một tấm ván để ngồi lái bằng chân.
Vào những buổi chiều sau giờ lên lớp, trẻ em trong bản lại rủ nhau lên một quả đồi gần trường chơi trò đua xe, trượt dốc. Với độ nghiêng vừa phải, các em mang “ô tô” lên đỉnh đồi, ngồi lên và từ từ trượt xuống dốc. Mỗi lần “đua” có 3 em, hết một lượt lại đưa cho các em khác. Cung đường khá ngoằn nghèo nhưng các em “lái” bằng chân hết sức điệu nghệ, chạy bon bon không bao giờ bị trượt ra khỏi đường đua. Chơi đông vui nhưng các em rất trật tự, chẳng có cảnh tranh giành, nạnh hẹ. Giữa mây mù sương núi, cái lạnh giá của miền biên viễn, tiếng cười của các em giòn tan, trong sáng mà ấm áp đến lạ lùng.
Đưa “ô tô” để chuẩn bị đua xuống dốc. |
Vác “ô tô” lên vai. |
Cuộc đua hết sức gay cấn, kịch tính. |
“Tài xế” sữa chữa khi xe bị hỏng. |
Bản Huồi Mới 1 là một bản lâu đời của người Mông, nằm tách biệt với trung tâm xã Tri Lễ hàng chục km đường rừng gập ghềnh, khúc khủyu. Vào mùa mưa, lũ, vùng đất này hoàn toàn bị cô lập, cắt đứt với thế giới bên ngoài. Đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng trẻ em nơi đây rất ngoan ngoãn, chăm học, không còn tình trạng bỏ học như trước. Ngoài giờ chơi vui và học tập trên lớp, các em còn biết phụ giúp cha mẹ làm nhiều việc như giữ em, kiếm củi hay đi hái măng rừng.
Triều Dương – Thành Duy