Ông B.Obama đã tự đánh mất mình

10/09/2013 18:03

(Baonghean) - 1. Ngày 20/1/2009, ông Barack Obama trở thành ông chủ Nhà Trắng ở Washington (Tổng thống Hoa Kỳ thứ 44).

Sau 8 năm cầm quyền (20/1/2001 - 20/1/2009), ông G.Bush (thường gọi là Bush (con)) để lại cho người kế nhiệm (ông Obama) một “gia sản” Hoa Kỳ đổ nát, suy sụp trên mọi phương diện, mọi lĩnh vực cả đối nội và đối ngoại.

Đến khi ông B.Obama nhận nhiệm vụ Tổng thống Mỹ, cuộc chiến tranh xâm lược Irắc do ông G.Bush tiến hành đã kéo dài 5 năm 10 tháng (20/3/2003 - 20/1/2009), tức là lâu hơn nội chiến 1861 - 1865 tới 4 năm, lâu hơn Chiến tranh thế giới thứ I (1914 - 1918) 4 năm, xấp xỉ Chiến tranh thế giới thứ II (1939 - 1945) 5 năm 11 tháng.

Tổn thất tính được của cuộc xâm lược Irắc sau 5 năm 10 tháng là: gần 4.500 binh sĩ Mỹ chết và hơn 30.000 binh sĩ mang thương tật suốt đời để lại hậu quả xã hội lâu dài; khoảng 100.000 thường dân Irắc chết và hàng trăm ngàn người mang thương tật suốt đời, hàng triệu người Irắc bỏ nhà cửa tha phương, mất hơn 600 tỷ USD và là một trong những nguyên nhân cơ bản đẩy nền kinh tế Mỹ vào cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái 1929 - 1933.

Tổn thất của Mỹ mà không thể cân, đo, đong, đếm được: 1. Mỹ mất uy tín trên thế giới, và nguy hiểm hơn là khoét sâu mâu thuẫn vốn có giữa thế giới Hồi giáo - Ảrập với Mỹ, thổi bùng ngọn lửa căm thù Mỹ trong hơn 1 tỷ người Hồi giáo trên thế giới; 2. Lợi dụng Mỹ sa lầy ở hai chiến trường Irắc và Afghanistan, Trung Quốc và Nga đã khôi phục, phát triển nhanh thách thức Mỹ cả về kinh tế, chính trị, an ninh, ngoại giao ngay tại sân sau của Mỹ (Mỹ Latinh) và tại nhiều khu vực chiến lược quan trọng trên thế giới (Đông Á, châu Phi, Trung Đông); 3. Hình thành cục diện thế giới mới bất lợi cho Mỹ, Mỹ đã qua thời kỳ đỉnh cao về sức mạnh và quyền lực (quyền lực toàn năng) và bắt đầu đi xuống.

Ông G.Bush tuyên bố: Tổng thống S.Hussen (Irắc) sở hữu vũ khí giết người hàng loạt (vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học) và có quan hệ chặt chẽ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda. Đó là lý do, là cái cớ “hợp lý” để Mỹ phát động chiến tranh xâm lược Irắc. Thực tế, chính giới Mỹ thừa nhận: Ông S.Hussen không sở hữu vũ khí giết người hàng loạt và cũng không có quan hệ với Al Qaeda. Điều đó đã lật tẩy thói quen lừa dối bịp bợm của những kẻ nắm quyền lực ở cường quốc luôn vỗ ngực tự cho mình là dân chủ, văn minh, tự do!

Trong quá trình vận động tranh cử (2008) và nhiệm kỳ I (2009 - 2012), ông B.Obama đã có nhiều lời nói và việc làm để cho hơn ba trăm triệu người Mỹ và cộng đồng quốc tế biết rằng: ông sẽ không đi theo vết xe đổ đầy tai tiếng của người tiền nhiệm.

Đặc trưng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Bush (2001 - 2008) là thiên về sức mạnh cứng - sức mạnh quân sự và sẵn sàng đơn phương hành động, không ngại đánh đòn phủ đầu bất chấp luật pháp quốc tế và qua mặt Liên Hợp Quốc.

Khác với ông Bush, Tổng thống B.Obama chú trọng đến sự đồng thuận, tận dụng mọi cơ hội có thể để đối thoại và cam kết hợp tác với các nước, kể cả với các đối thủ khó tính, khó chơi (Nga, Trung Quốc) để giải quyết những điểm nóng khu vực. Ông B.Obama thừa nhận Mỹ không thể “đơn thương độc mã” trong việc giải quyết những vấn đề trọng đại của thế giới và các điểm nóng khu vực.

Điểm nhấn trong chính sách đối ngoại mà ông B.Obama theo đuổi từ 2009 là: giảm sự cam kết và can dự của Hoa Kỳ ở Trung Đông để tập trung cho hai vấn đề chiến lược sống còn là: Tập trung cho việc giải quyết những vấn đề trong nước, trọng tâm là khôi phục, phát triển kinh tế và 2. Đối phó với thách thức từ sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc.

Ông B.Obama đã nhiều lần tuyên bố là Mỹ không muốn và không thể lao vào một cuộc chiến thứ ba ở Bắc Phi - Trung Đông (cuộc chiến thứ nhất ở Afghanistan, thứ hai ở Irắc). Tại Libi, Anh và Pháp là lực lượng xung kích, Mỹ chỉ đứng sau hỗ trợ. Hơn hai năm, kể từ tháng 3/2011, Obama luôn “đứng ngoài cuộc” đối với cuộc chiến ở Xyri.

Khi lực lượng đối lập tố cáo chính quyền Bashar al Assad sử dụng vũ khí hóa học ngày 21/8/2013 ở ngoại ô thủ đô Damascus, ông Obama và các cộng sự tại Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cũng chỉ có phản ứng rất dè dặt, thận trọng (không hung hăng như tháng 8/2012, khi đó quân nổi dậy cũng vu cáo chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học).

2. Từ sau ngày 23/8/2013, ông B.Obama lại quay ngoắt 180o với tuyên bố: đã chín muồi cho Mỹ và các đồng minh can thiệp quân sự vào Syria. Obama đã thuyết phục được Hạ viện (do Đảng Cộng hòa chi phối) ngày 4.9.2013 ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria.

Dư luận thế giới bị bất ngờ và ngạc nhiên khi biết một người quyền lực nhất hành tinh, vốn là người cẩn trọng, lại thay đổi nhanh chóng như trở bàn tay đối với một vấn đề cực kỳ hệ trọng đối với siêu cường Mỹ, đối với khu vực Trung Đông nóng bỏng, và đối với cả sự nghiệp chính trị của ông.

Đã có hàng trăm bài bình luận về việc này, nhưng chưa có ai đưa ra lý giải có sức thuyết phục.

Còn nhớ khi ông Obama, một người da màu, trở thành ông chủ Nhà Trắng ở Washington (20/1/2009), đâu đó trên thế giới và cả ở Việt Nam, không ít người vui thầm và hy vọng con người này (Obama) sẽ đứng về phía các nước đang phát triển, sẽ thúc đẩy hòa hợp cùng phát triển, sẽ tôn trọng con đường phát triển mà các quốc gia lựa chọn thay vì áp đặt cái gọi là “giá trị Mỹ” cho cả thế giới như những người tiền nhiệm.

Không mủi lòng sao được khi nghe những lời bộc bạch, “chân thành” của ông Obama. Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, ông Obama đã tuyên bố: “Công việc của tôi với thế giới Hồi giáo là thuyết phục các bạn rằng người Mỹ không phải là kẻ thù của bạn” (1).

Tại Cairô (Ai Cập), ngày 4/6/2009, ông Obama là Tổng thống đầu tiên của Mỹ chính thức gửi thông điệp hòa giải với thế giới Hồi giáo với những lời lẽ mềm mỏng, đẹp đẽ: “Tôi đến đây để tìm một sự khởi đầu mới giữa Mỹ và những người Hồi giáo khắp thế giới; một sự khởi đầu dựa trên những lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau, dựa trên sự thật rằng Mỹ và Hồi giáo không loại trừ nhau và không cần phải cạnh tranh”. (2)

Ông Obama còn tâm sự cởi mở: “Tôi là một tín đồ Cơ đốc giáo, nhưng bố tôi xuất thân trong một gia đình Kênia có nhiều thế hệ theo đạo Hồi. Khi còn nhỏ, tôi đã sống vài năm ở Indonexia và được nghe đọc kinh Koran vào mỗi sáng sớm và chiều tối. Khi còn thanh niên, tôi đã làm việc trong những cộng đồng Chicago, nơi nhiều người đã tìm thấy phẩm giá và bình yên trong đức tin Hồi giáo của họ” (3).

Người ta đặt ra nhiều vấn đề: Những lời nói trên là thật hay dối trá? Nói vậy sao vô cớ tấn công quân sự vào Syria - một quốc gia độc lập có chủ quyền? Như vậy ông B.Obama cũng chỉ là một người luôn nói một đàng làm một nẻo? Theo vết xe đổ của người tiền nhiệm (mà ông ta đã nhiều lần tuyên bố phản đối), ông Obama vẫn ngang nhiên qua mặt Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế?

Không thể lý giải được các vấn đề trên nếu không hiểu được con người Obama. Trong nhân vật này (Obama) có hai con người cùng tồn tại: 1. Con người thứ nhất là một công dân Mỹ da màu; 2. Con người thứ hai là ông chủ Nhà Trắng.

Những câu nói mềm mỏng, hợp lòng người ở trên là phản ánh đúng suy nghĩ của một người Mỹ da màu.

Còn những hành động hung hăng, hiếu chiến (vô cớ tấn công quân sự Syria…) là hành động của ông chủ Nhà Trắng, người đại diện cho lợi ích của các tập đoàn tài phiệt và các tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ.

Suy cho cùng, chính các tập đoàn tài phiệt và các tổ hợp công nghiệp quân sự khổng lồ của Mỹ đã dọn đường đưa ông Obama vào Nhà Trắng. Tục ngữ có câu “ăn cây nào, rào cây ấy”. Đến lượt, ông B.Obama muốn hay không, cũng phải hành động theo yêu cầu của các tập đoàn tài phiệt và các tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ, và mọi chính sách đối nội, chính sách đối ngoại của ông phải phục vụ nhóm lợi ích khổng lồ này. Đã “đi với ma thì phải mặc áo giấy” mà!

Như vậy, với việc tấn công quân sự Syria, một quốc gia độc lập, có chủ quyền, khi chưa có sự quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông B.Obama đã tự đánh mất mình với tư cách là một công dân Mỹ da màu.

3. Không cần đến sự đồng thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và không có lý do chính đáng nào, Tổng thống B.Obama vẫn cầm đầu liên minh can thiệp quân sự vào Syria. Có thể giải mã hành động can thiệp quân sự vào Syria của ông B.Obama như sau:

- Một là, bản chất “sẽ đầm quốc tế” của Nhà Trắng chưa thay đổi, cho dù Mỹ đã suy yếu. Các ông chủ Nhà Trắng, người của Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, là người da trắng hay da màu, đàn ông hay đàn bà, đều là các con tin của các tập đoàn tài phiệt và chính sách đối nội, chính sách đối ngoại của Tổng thống phải phục vụ lợi ích của các nhóm lợi ích khổng lồ này.

- Hai là, cuộc can thiệp quân sự vào Syria không làm cho Mỹ các đồng minh EU mạnh thêm; ngược lại đẩy Mỹ suy yếu nhanh hơn, EU sẽ khó khăn hơn. Trung Quốc là quốc gia được lợi nhất trước hành động can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây vào Syria.

- Ba là, Trung Đông sẽ rơi vào vòng xoáy bạo lực ngày càng khốc liệt, khó kiểm soát và còn kéo dài. Tại Trung Đông hội đủ (hợp lưu) của nhiều mâu thuẫn đối kháng gay gắt: mâu thuẫn tôn giáo, mâu thuẫn sắc tộc, mâu thuẫn giữa áp đặt và chống áp đặt, mâu thuẫn lực lượng thế tục và lực lượng tôn giáo bảo thủ, mâu thuẫn giữa các cường quốc khu vực với nhau, mâu thuẫn giữa các cường quốc thế giới (ngoài khu vực) với nhau.

- Bốn là, mâu thuẫn giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo ngày càng sâu sắc và không thể hàn gắn. Đây là môi trường, là điều kiện cho Al Qaeda và các phần tử thánh chiến Hồi giáo mở rộng địa bàn hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn mới nhằm vào lợi ích của Mỹ và phương Tây.

- Năm là, can thiệp quân sự vào Syria tương đối dễ, nhưng rút ra khỏi Syria thì rất khó, và ổn định Syria là không thể.

- Sáu là, với hành động can thiệp quân sự vào Syria khi không được sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chính ông B.Obama đã gián tiếp giữa một thông điệp đến các quốc gia dân tộc trên thế giới: bản chất sen đầm quốc tế của Mỹ không bao giờ thay đổi.

Can thiệp quân sự vào Syria, với bất kỳ quy mô nào và dùng phương tiện chiến tranh nào, cũng là một hành động sai lầm của những kẻ trí tuệ thiểu năng và nhân cách khuyết tật. Xét đến cùng, đó là hành động tự lấy đá ghè vào chân mình. Không ai không động lòng trước đau khổ, chết chóc của nhân dân Syria. Nhưng sẽ có nhiều người âm thầm vui mừng khi đối thủ của mình đang tự đánh mất mình, tự làm cho mình suy yếu. Không thể nói khác được, tự đánh mất mình và tự làm cho Mỹ tự suy yếu, đẩy nhanh sự suy vong của siêu cường, xét trên mọi phương diện, là một hành động ngu ngốc.

Lịch sử sẽ công minh đưa ra phán xét mọi điều, mọi hành động, mọi sự kiện diễn ra ngày hôm nay.
_________

Chú thích: 1,2,3. TTXVN (New York) 19/9/2012


Lê Văn Cương (Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an)

Ông B.Obama đã tự đánh mất mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO