Ông chủ trẻ làng Vệ Nông

09/11/2014 16:38

(Baonghean) - Với sự chịu khó, ham học hỏi, anh Trần Bá Thuận (35 tuổi) trở thành người tiên phong trong việc đưa các giống cây, con về phát triển trên vùng đất đồi xã Vân Diên (Nam Đàn). Sau một thời gian phát triển, mô hình trang trại của anh được đánh giá thành đạt nhất trong vùng.

Dáng người dong dỏng cao, ăn nói lưu loát, anh Trần Bá Thuận được nhiều người ở làng Vệ Nông, xã Vân Diên nể phục bởi những suy nghĩ có phần khác người của mình. Từng đi Tây Nguyên, sang Lào làm ăn nhưng không thành công, anh Thuận quyết định về quê lập nghiệp. Với kinh nghiệm có được từ những ngày lam lũ ở Tây Nguyên, anh Thuận từng bước quy hoạch lại diện tích đất đồi và tìm hướng phát triển kinh tế VACR. Loại cây được anh chọn để “lấy ngắn nuôi dài” chính là bụi riềng trước ngõ. Khi thấy nhu cầu mua riềng ở chợ thị trấn lên cao, anh nhân rộng giống riềng địa phương. Một năm sau, hơn 1 sào riềng của gia đình bắt đầu cho thu hoạch. Ban đầu, hai vợ chồng đào riềng mang xuống tận chợ Sáo để bán cho thương lái đưa xuống Vinh. Sau đó, các tiểu thương đã về tận vườn để thu mua với giá ngày càng cao. Sản phẩm này có bao nhiêu đều được thu mua hết bấy nhiêu. Những đồng vốn có được từ cây riềng, anh Thuận đầu tư để cải tạo vườn tược, thuê người phát quang diện tích rừng thông nhận khoanh nuôi. Đồng thời thuê máy móc về múc đất, đào ao, hạ đồi lấy mặt bằng để tiếp tục trồng riềng và các loại cây khác. Khi thấy nhu cầu chơi hoa đào phai của người dân lên cao, anh cũng thử ươm giống đào trồng trước nhà. Khoảng hai năm, đào cho hoa. Mỗi dịp Tết, anh thu về cả chục triệu đồng từ đào phai trong vườn.

Anh Thuận chăm sóc đàn lợn.
Anh Thuận chăm sóc đàn lợn.

Thấy người dân thành phố thích nuôi chim cu gáy, một con chim gáy tốt có thể bán giá bạc triệu, anh Thuận đã mày mò, thuần dưỡng và nuôi đẻ, ấp nở thành công loài chim rừng. Hiện nay, anh đang có 4 cặp chim cu gáy bố mẹ, mỗi năm những đôi chim giống này cho anh nguồn thu gần 20 triệu đồng. Năm 2010, trong lúc xem chương trình khuyến nông trên ti vi, anh chú ý đến mô hình trồng mít. Sau khi đánh liều gọi điện vào đường dây nóng chương trình để xin tư vấn và tìm hiểu về giống cây, anh Thuận ra tận Hà Nội, mua 80 gốc mít giống về trồng. Không ngờ, một năm rưỡi sau, những gốc mít cao hơn thân người bắt đầu cho quả bói. Đến năm thứ 2, vườn mít cho thu hoạch, cây nào cũng trĩu quả. Điều đặc biệt, giống mít mới này ra quả quanh năm, quả sai từ gốc, không bị sâu bệnh và rất phù hợp với thổ những của vùng đất đồi Nam Đàn. Mít được thương lái mua tại vườn với giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Mùa mít 2014, anh Thuận thu được gần 70 triệu đồng. Hiện nay, lứa mít tiếp theo đang ra quả, dự kiến đến Tết Nguyên đán sẽ cho thu hoạch.

Từ thành công về cây riềng địa phương và sáng tạo trong nuôi chim gáy sinh sản và trồng mít, anh Thuận chia sẻ, hướng dẫn các hộ khác cùng trồng. Anh cho biết, đây không đơn thuần là những loại cây thoát nghèo mà là hướng đi mới, giúp nông dân làm giàu. Bên cạnh đưa các loại cây mới vào trồng hàng hóa, chàng trai trẻ đầu tư xây dựng trang trại lợn tập trung. Với mô hình chăn nuôi này, anh đã đầu tư xây hệ thống biogas vừa làm nhiên liệu nấu, sưởi ấm cho đàn lợn vào mùa Đông, vừa đảm bảo môi trường. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, đến nay, đàn lợn của anh phát triển tốt.

Từ đầu năm đến nay, anh đã xuất chuồng 2 lứa lợn, thu về gần 100 triệu đồng tiền lãi. Dự kiến, năm tới, anh sẽ mở rộng trại lợn, tự nuôi lợn nái để chủ động về nguồn giống trong chăn nuôi. Khi nói về những thành công của mình, anh Thuận khiêm tốn: “Mới đầu tôi cũng có những lúng túng trong phát triển kinh tế nhưng sau thời gian nghiên cứu, mày mò đã tìm được hướng đi phù hợp. Tôi nghĩ cuộc sống có những khó khăn nhất định nhưng cơ hội vẫn rất nhiều, vấn đề là chúng ta cần phải mạnh dạn bắt tay thực hiện. Sau thất bại, chắc chắn sẽ có bài học để thành công…”.

Sau gần 10 năm bám vùng đất đồi xã Vân Diên, anh Thuận phát huy tốt diện tích trang trại rộng 3ha. Cơ ngơi mà anh có được không đơn thuần là hệ thống vườn - ao - chuồng khép kín mà quan trọng hơn là sự tin tưởng của khách hàng, các thương lái. Anh được người dân trong vùng gọi là ông chủ trẻ của làng Vệ Nông, được huyện tuyên dương là nông dân sản xuất giỏi. Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Diên cho biết: “Mô hình kinh tế của anh Thuận đang từng bước được nhân rộng ở những vùng đất đồi vệ của xã và là một trong những hướng đi hiệu quả, được nhiều hộ dân làm theo...”.

Bài, ảnh: Thùy Linh

Mới nhất
x
Ông chủ trẻ làng Vệ Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO