Ông Năm "xích lô"

30/07/2015 17:38

(Baonghean) - 85 tuổi, tôi đồ rằng ông Bùi Văn Năm là người cao tuổi nhất hiện còn đang sống bằng nghề đạp xích lô và không chỉ ở Vinh này. Ông ngồi đó, ngả người trên chiếc ghế nhựa, mái tóc ngắn trắng xóa, trên gương mặt những nếp nhăn xô nhau như tạo ra muôn vạn lớp sóng. Đôi bàn tay to, ngón tay dài, thô ráp như chợt nhớ, chợt quên thi thoảng lại cố cài lại tấm áo chỉ còn vài hạt khuy. Từ con người ông toát lên cái dáng vẻ phong trần pha chút cam phận. Nheo nheo đôi mắt đục nhìn tôi, ông cười nhẹ tênh: “Cuộc đời có người là bác sỹ thì cũng cần có người đạp xích lô”.

Ông Năm chuyển xi măng lên xích lô chở cho khách.
Ông Năm chuyển xi măng lên xích lô chở cho khách.

Ấy là ông tự nói về mình, về cái công việc ông đã gắn bó ngót 35 năm nay. Nghề đạp xích lô. Chính vì thế ở khối 24, phường Hưng Bình mọi người đều gọi ông là “ông Năm xích lô”. Ông nói rằng cũng chẳng phải người ta “xếch mé” chi mình, âu cũng là cái nghề nghiệp gắn liền với phận số. Ngay bản thân ông lắm khi còn không nhớ nổi cái tên đầy đủ cha mẹ đã chọn ngày, chọn tháng đặt cho mình. Nhưng điều đó có quan trọng gì so với nỗi lo áo cơm giữa phố thị chật hẹp với muôn mặt người vụt đến, ào đi. Ông cụ đã tự hào rằng, mình cũng có một thời trai tráng đầy sôi nổi, cũng ra Bắc vào Nam, cũng chiến trường gần, chiến trường xa. Và trong buổi sáng ở cái cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên đường Lê Hồng Phong, tôi đã bị ông cuốn hút bằng sự hoài cảm của người đã nếm trải đủ ngọt - đắng của thời gian.

Chàng lính pháo binh quê biển

Năm 1952, gã trai Bùi Văn Năm bước vào tuổi 22. Cũng như hàng trăm thanh niên, tráng đinh của vùng quê biển Diễn Lộc (Diễn Châu) Bùi Văn Năm hăm hở tòng quân theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Lúc bấy giờ cả miền Bắc sục sôi như chảo lửa, được ra trận đánh giặc cứu nước trở thành lý tưởng sống của thế hệ tuổi trẻ. Từ quê hương Nghệ An, chàng trai Bùi Văn Năm theo đơn vị hành quân sang chiến trường Bắc Lào với mục tiêu ngăn chặn đường tiếp ứng, chi viện của thực dân Pháp từ hướng Tây Bắc cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Chốn núi rừng thâm sâu vô cùng gian khổ. Những trận đánh chớp nhoáng, những đêm luồn rừng, cắt đường, sự sống và cái chết chỉ là ranh giới rất mong manh. Có nhiều người đạn bom chưa chạm đến thân thì đã bỏ mạng giữa rừng thiêng nước độc. Những “đoàn quân xanh màu lá” có lẽ là sự khắc họa rõ nét về sự thiếu thốn, vất vả nhưng cũng rất đỗi bi tráng của người chiến sĩ Vệ quốc đoàn trên chiến trường Bắc Lào. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi vang dội, Bùi Văn Năm được điều động vào Quảng Trị, biên chế vào Đội chủ lực của Tiểu đoàn 15 - Trung đoàn 270 bảo vệ khu vực giới tuyến. Đối với Trung sỹ Bùi Văn Năm, đó cũng có thể coi là thời gian đẹp nhất khi được tham gia bảo vệ việc thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ tại Vĩ tuyến 17.

Bất cứ lúc nào Hiệp định cũng có thể bị phá vỡ bởi những kẻ dã tâm, hiếu chiến đến từ phía bên kia giới tuyến. Chỉ riêng việc giữ cho lá cờ Tổ quốc không ngừng tung bay bên dòng sông Bến Hải đã là một câu chuyện dài. Những tháng ngày đó Bùi Văn Năm là lính pháo binh với cương vị Tiểu đội phó. “Căng thẳng lắm. Một ngày 5 lần báo động, ngày mô cũng rứa” – ông Năm bồi hồi kể. Ở giới tuyến suốt 5 năm, đến tháng 3 năm 1959 theo sự điều động của đơn vị Bùi Văn Năm chuyển về địa phương làm trong ngành xây dựng. Đó cũng là yêu cầu của Đảng và Nhà nước trong việc kiến thiết quê hương và tập trung lao động sản xuất phục vụ tiền tuyến lớn miền Nam. Công trình đầu tiên Trung sỹ chuyển ngành Bùi Văn Năm tham gia xây dựng là Nhà máy đường Sông Lam, tiếp đến là hàng loạt công trình, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Thành phố Vinh. Trước khi xin về hưu năm 1981, ông Năm là công nhân của Công ty xây dựng số 2 và cuộc đời ông lúc này chuyển sang bước ngoặt mới.

Giây phút nghỉ ngơi của ông Năm “xích lô”.
Giây phút nghỉ ngơi của ông Năm “xích lô”.

Ông Năm “ba gác, xích lô”

Gia đình 7 miệng ăn, giữa chốn phố phường bụi bặm sau chiến tranh thật khó sống với đồng lương hưu còm cõi của một công nhân xây dựng. Sức vẫn còn nhưng cái nghề cầm tay không có. Vậy nên ông Năm chọn mưu sinh bằng điều khiển “phương tiện 2 càng” - tức là kéo xe ba gác. “Hồi nớ Vinh mần chi có công nông, ô tô. Phương tiện vận chuyển hàng hóa sang thì có xe ngựa, còn lại xích lô ba gác là chủ yếu” - ông Năm cười đôn hậu. Mọi người gọi ông là Năm “ba gác”. “Chẳng hề chi, họ nhớ được ‘nghệ danh’ của mình là tốt lắm rồi. Vợ con mình còn có cái mà bỏ mồm”. Ở người đàn ông 85 tuổi ấy, triết lý sống thật đơn giản. Không bao giờ ông xấu hổ hay tự ti về công việc và cách mưu sinh của mình. Quả có vậy, việc gì phải mặc cảm, tự ti khi kiếm sống bằng khả năng và sức lao động của mình.

Ông kéo ba gác, con ông cũng kéo ba gác, hàng chục người ở cái đất Hưng Bình này đã chẳng gắn bó với nghề này đấy thôi. Điều quan trọng hơn nữa, đó lại là manh áo cho vợ, cây bút cho con. Ròng rã gần 10 năm liền ông Năm nuôi gia đình mình bằng những cuốc ba gác xuyên khắp nẻo phố xá. Tôi đồ rằng nếu cộng lại quãng đường của non 1 thập niên kéo ba gác có khi bước chân ông Năm đã làm mấy vòng trái đất chứ chẳng phải chơi. Nhưng sao thế ông Năm, cụ Năm ơi! Sao không chọn lấy một nghề nhẹ nhàng hơn mà dưỡng tấm thân già. Ông cụ lại cười phô mấy chiếc răng còn lại chênh hênh bên vòm lợi: “Nỏ biết được, cái số hắn rứa. Tui cũng ưng công việc ni. Hợp với mình”.

Đất nước đổi mới. Xã hội phát triển. Thành phố Vinh cũng phát triển. Ông Năm “ba gác” cũng “lên đời”. Cái xe ba gác xem ra không còn phù hợp với thời cuộc nữa. Năm 1990, ông Năm chuyển từ nghề ba gác sang đạp xích lô. Cũng là nghề lao lực cả nhưng chở hàng hóa bằng xích lô có nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn. Và ông chẳng bao giờ chở người, chỉ chở hàng. Chắc hẳn ở trong thẳm sâu lòng mình ông không muốn bị người đời miệt thị thêm nữa hoặc cũng có thể ông không để mọi người phải day dứt khi ngồi xe trước mặt một lão già. Và thi thoảng ông Năm lại nghe người ta nói với nhau, rằng người này có thâm niên 30 năm trong ngành Y tế, kẻ kia 40 năm ngành Giáo dục.

Ông cũng hóm hỉnh: “Tui cũng có thâm niên 25 năm trong nghề đạp xích lô, cộng cả nghề ba gác là tròn 35 năm”. Ông Năm có 5 người con, gồm 2 trai, 3 gái. Các con ông đều được nuôi lớn bằng đôi chân bã bời của cha. Ông cũng không may mắn có con cái trưởng thành, phú quý như nhiều người khác. 2 con trai ông Năm trước cũng hành nghề xích lô nay đều chuyển sang làm nghề xây dựng, chỉ làm công nhật kiếm sống chứ chẳng cơ quan đoàn thể gì. “Con cái hắn ra riêng cả, đứa mô cũng phải lo cho gia đình của mình. Mình nỏ có cơ mà giúp con. Trách chi!” – ông nói điều này mà ánh mắt như phủ một màn sương bạc. Vì không trách ai, giận ai nên ông Năm “xích lô” vẫn lặng lẽ oằn mình với những cuốc xích lô suốt một phần tư thế kỷ.

Những chuyến hàng ngược Hưng Đông, xuôi Hưng Lộc trong bấy nhiêu năm qua đã giúp ông giữ cho tổ ấm của mình không bị chao nghiêng trước muôn vàn xô đẩy của thời cuộc. Dẫu vậy ông cũng không thể giữ cho người bạn đời sống bên mình lâu hơn. Vợ ông, bà Phạm Thị Hồng đã ra đi trong một ngày trời nổi gió mưa cách đây hơn 1 năm. Ra đi ở tuổi 77 hẳn bà Hồng chẳng có gì phải hối tiếc khi gắn chặt cuộc đời mình với người đàn ông đã chọn vợ con, gia đình làm niềm tin và lẽ sống. Sinh thời chưa khi nào người ta thấy bà Hồng phải làm một việc gì nặng nhọc. Tất cả đều một tay chồng lo toan gánh vác. Người không hiểu chuyện cho rằng: ông bị cuộc sống đày ải nhưng ít ai biết rằng vợ ông bị tim mạch và nhiều bệnh khác. Và ông Năm xem việc chăm sóc người bạn đời là niềm vui, niềm hạnh phúc của mình.

Vợ mất, ông cụ càng trở nên lặng lẽ hơn. Bẵng đi mấy tháng người ta không thấy ông Năm “xích lô” chờ khách ở số 80, đường Lê Hồng Phong – vị trí ông gắn bó hơn 2 thập kỷ. Khách hàng gọi điện cũng không thấy ông bốc máy trả lời. Và mọi người đã nghĩ ông Năm bỏ nghề. Nhưng rồi đầu năm nay ông lại xuất hiện ở vị trí cũ, già nua hơn, móm mém hơn. “Trước đây mình chở 7, 8 tạ xi măng, giờ chỉ chở được dăm tạ trở lại” – ông cho biết. Ông Năm ơi! 85 tuổi rồi sao cực thế! “Tui vẫn làm được. Còn phải nuôi đứa con gái tật nguyền và đứa cháu ngoại năm nay lên lớp 9. Thằng rể thì đã chết do tai nạn giao thông. Đồng lương hưu không đủ”. Vậy là ngày này qua ngày khác người ta lại thấy ông cụ gò lưng, căng sức đạp xích lô giữa phố xá với inh ỏi tiếng còi xe. Ông chủ yếu chở vật liệu xây dựng cho khách quen. Ông nói rằng, người ta có thể vù một cái, gác sau yên xe máy vài bao xi măng, nhưng họ đã không làm vậy. Họ gọi cho ông Năm “xích lô” vì quý ông, giúp ông. Đó cũng là tình người.

Đối diện chỗ ông Năm “xích lô” chờ khách là ngôi nhà 3 tầng cao lớn, sang trọng. Chủ nhân của ngôi nhà ấy là một người bạn thời vong niên của ông Năm. 2 người cùng quê, vào bộ đội cùng ngày, cùng tham gia chiến trường Bắc Lào. Thế nhưng cuộc đời đã đưa họ đến 2 ngã rẽ khác nhau. Kết thúc chiến tranh, bạn ông theo học để thành y sỹ, được làm việc ở một bệnh viện lớn của tỉnh, con cái đều phương trưởng, thành đạt. Còn trung sỹ pháo binh năm nào giờ đây được gọi là Năm “xích lô”. “Nỏ can chi, thỉnh thoảng tui có vào nhà nớ uống nước, chuyện trò. Cuộc đời có người là bác sỹ thì cũng cần có kẻ đạp xích lô” – ông cười nhẹ tênh rồi ngồi lên chiếc xe đạp 3 bánh. Trời nam nắng, Vinh hun hút gió.

Bài, ảnh: Đào Tuấn

Mới nhất

x
Ông Năm "xích lô"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO