Panama: “Đấu trường” mới của Mỹ và Trung Quốc?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Panama vào đầu tháng tới trong động thái tăng cường mối quan hệ đang đối mặt chỉ trích mạnh mẽ từ Mỹ.

Cảnh báo của Washington

Tuyên bố của văn phòng Tổng thống Panama cho biết Tổng thống Juan Carlos Varela và ông Tập sẽ ký khoảng 20 thỏa thuận hợp tác trong chuyến thăm "chưa từng có tiền lệ" vào ngày 2 và 3/12.

Trước đó, hồi tháng 7, hai nước này đã đàm phán về thương mại tự do, qua đó có thể biến quốc gia Trung Mỹ này thành trung tâm hàng hóa của Trung Quốc ở khắp châu Mỹ Latin.

Chuyến công du trên của ông Tập diễn ra sau khi Panama cắt quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ với Trung Quốc hồi tháng 6 năm ngoái. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang hôm 23/11 khẳng định chuyến thăm của ông Tập tái khẳng định sự gắn kết của Bắc Kinh với các nước Mỹ Latin và sự hợp tác giữa hai bên sẽ "không thay đổi" dù môi trường toàn cầu đang bất ổn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Panama ngay sau khi dự kiến có cuộc gặp với ông Donald Trump. Ảnh: AP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Panama ngay sau khi dự kiến có cuộc gặp với ông Donald Trump. Ảnh: AP
Với kênh đào Panama dài 80 km nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, quốc gia Trung Mỹ này đóng vai trò quan trọng trong sự thống trị của Mỹ ở Tây bán cầu.

Không có gì lạ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua không ngừng chỉ trích ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực và cảnh báo các nước láng giềng về những rủi ro tiềm ẩn từ chiến lược đầu tư của Trung Quốc.

Mới nhất, tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea vào tuần rồi, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khuyến cáo các nước không nên bị "cám dỗ" bởi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh.

Tranh cãi nói trên biến khu vực Trung Mỹ lần đầu tiên trở thành "chiến trường" tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc kể từ khi Mỹ đấu với Liên Xô tại đây thời Chiến tranh lạnh.

Đáng chú ý, ông Tập Cận Bình đến Panama ngay sau khi dự kiến có cuộc gặp với ông Donald Trump bên lề Hội nghị Cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina hôm 1/12.

Ý định của Bắc Kinh

Cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc Jorge Guajardo nhận định với tờ South China Morning Post rằng việc ông Tập đến Panama không lâu sau những chỉ trích của ông Mike Pence cho thấy Bắc Kinh không ngần ngại tranh giành ảnh hưởng ngay tại khu vực ảnh hưởng truyền thống của Mỹ.

Trong khi đó, chuyên gia Francisco Luis Perez tại Trường ĐH Tamkang (Đài Loan) cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách tăng ảnh hưởng tại châu Mỹ Latin để chống lại sự hiện diện của Mỹ và vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Mặt khác, các nhà ngoại giao ở Mỹ Latin cho rằng Washington chỉ nên tự trách mình do rút khỏi khu vực này, từ đó cho phép Bắc Kinh tiến vào và thiết lập các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao mạnh mẽ hơn.

Theo trang Tribune News Service, các nhà lãnh đạo tại khu vực này nhìn chung phớt lờ cảnh báo của Mỹ bởi họ cần tiền cho các dự án hạ tầng và Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng.

Nhiều nước châu Phi cũng đang mở cửa đón nhận đầu tư của Trung Quốc bất chấp nỗi lo BRI có thể tạo ra bẫy nợ, như câu chuyện của Sierra Leone.

Chính quyền Tổng thống Julius Maada Bio vào tháng rồi quyết định từ chối khoản vay 300 triệu USD từ Trung Quốc để xây sân bay quốc tế mới. Giới phân tích nhanh chóng hoan nghênh động thái này bởi nỗi lo dự án có thể khiến quốc gia thuộc loại nghèo nhất thế giới lún sâu vào nợ nần.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau thông báo trên, ông Bio cho biết vẫn đang tìm sự hỗ trợ của Bắc Kinh để xây một cây cầu trị giá hơn 1 tỉ USD và để ngỏ khả năng thương thảo lại khoản vay của dự án sân bay.

Theo tờ The New York Times, có không ít Chính phủ như Sierra Leone sẵn sàng bỏ qua những rủi ro đối với nền kinh tế khi vay mượn nhiều tiền của Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo 40% quốc gia thuộc châu Phi hạ Sahara tiến gần khủng hoảng nợ.

Cả châu Phi đang mắc nợ bên ngoài 417 tỉ USD, trong đó Trung Quốc là chủ của 20% khoản nợ này. Dù vậy, không ít quốc gia châu Phi đang tìm kiếm khoản cho vay từ Bắc Kinh để xây dựng sân bay, đường cao tốc, đường sắt, đập… Vấn đề ở đây là, theo những người chỉ trích, các dự án hạ tầng lớn do các công ty Trung Quốc thực hiện đang quá đắt đỏ!


tin mới

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.