Phác thảo bức tranh Chính trị - An ninh Thế giới năm 2013

29/01/2014 18:08

(Baonghean) - Vào những ngày cuối cùng của năm 2013 và đầu năm 2014, không một ai có khả năng vẽ hoàn chỉnh bức tranh chính trị - an ninh thế giới năm 2013. Tất cả chỉ ở dạng phác thảo. Tùy theo quan điểm chính trị, cách tiếp cận và khả năng thu thập, xử lý thông tin, mà mỗi “họa sĩ” đưa ra một phác thảo mang đậm dấu ấn của mình. Nghĩa là sẽ có nhiều cách nhận diện, đánh giá khác nhau về tình hình chính trị - an ninh thế giới năm 2013. 

(Baonghean) - Vào những ngày cuối cùng của năm 2013 và đầu năm 2014, không một ai có khả năng vẽ hoàn chỉnh bức tranh chính trị - an ninh thế giới năm 2013. Tất cả chỉ ở dạng phác thảo. Tùy theo quan điểm chính trị, cách tiếp cận và khả năng thu thập, xử lý thông tin, mà mỗi “họa sĩ” đưa ra một phác thảo mang đậm dấu ấn của mình. Nghĩa là sẽ có nhiều cách nhận diện, đánh giá khác nhau về tình hình chính trị - an ninh thế giới năm 2013.

Tác giả bài viết lựa chọn việc nhận diện, đánh giá tình hình chính trị - an ninh thế giới năm 2013 theo hai cấp độ: 1. Toàn cầu; 2. Những vấn đề khu vực.

Toàn cảnh Trái đất nhìn từ vũ trụ
Toàn cảnh Trái đất nhìn từ vũ trụ

1. cấp độ toàn cầu

Do quy luật phát triển không đều chi phối, mỗi giai đoạn lịch sử (ngắn, dài khác nhau) có một hoặc một số quốc gia phát triển vượt lên với sức mạnh tổng hợp quốc gia to lớn, hùng mạnh và có khả năng tác động mang tính quyết định đến tiến trình phát triển của thế giới. Vì thế, người ta đã khái quát (có thể là chưa hoàn toàn chính xác):

Thế kỷ XIII là thế kỷ của người Mông Cổ.

Thế kỷ XV là thế kỷ Phục hưng.

Thế kỷ XVI là thế kỷ của người Tây Ban Nha.

Thế kỷ XVII là thế kỷ của người Hà Lan

Thế kỷ XVIII - XIX là thế kỷ của người Anh

Thế kỷ XX là thế kỷ Mỹ.

Thế kỷ XXI là thế kỷ gì và của ai?

Một số học giả Trung Quốc như Tống Thái Khánh, Lưu Minh Phúc cho rằng thế kỷ XXI là thế kỷ của người Trung Quốc.

Nhà kinh tế Pháp Erik Izraelewicz và nhà nghiên cứu địa - chính trị nổi tiếng Jean - Francois Suslielle (người Pháp) cũng dự báo Trung Quốc sẽ thống trị thế giới sau khi loại Mỹ ra khỏi vị trí siêu cường vào giữa thế kỷ XXI.

Tất nhiên, các dự báo trên làm cho người Mỹ khó chấp nhận, còn cộng đồng quốc tế có phần hoang mang, lo lắng.

Tình hình thế giới đang biến đổi hết sức nhanh chóng và luôn ẩn chứa nhiều đột biến, bất ngờ, khó lường. Do đó, không một học giả nào dám liều lĩnh đưa ra dự báo cho năm bảy chục năm sau, thậm chí không thể dự báo được hai ba chục năm.

Xin lưu ý: 1986 không một học giả macxit nào dự báo được 5 năm sau (1991) Liên Xô tan rã kéo theo hệ thống XHCN sụp đổ. Đến cuối 1996, không một nhà kinh tế nào dự báo được cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra ở Đông Á 7 tháng sau đó (bắt đầu 3/7/1997 ở Thái Lan rồi lan sang các nước Đông Á). Cuối năm1998 không ai dự báo được 4 tháng sau (tháng 3/1999), Mỹ và các đồng minh Tây Âu lại phát động một cuộc tấn công quân sự có tính hủy diệt đối với Cộng hòa Xecbia (đồng minh duy nhất của Nga ở bán đảo Ban Căng). Không một ai dự báo được cuộc tấn công khủng bố của Al-Quaeda ngày 11/9/2001 vào siêu cường Mỹ (tạo ra bước ngoặt của tình hình thế giới). Giới tinh hoa ở Nhà Trắng (Hoa Kỳ) hoàn toàn không dự báo được họ sẽ bị sa lầy và thất bại thảm hại trong hai cuộc chiến ở Irắc và Apganixtan…

Trở lại vấn đề ai là “thủ lĩnh” của thế giới trong thế kỷ XXI? Mỹ? Trung Quốc? Nga?...

Như đã trình bày ở trên, hoàn toàn không thể biết được thế giới sẽ thế nào vào cuối thế kỷ XXI, ngay cả đến 2050 cũng rất mơ hồ, không xác định. Người ta chỉ có thể dự báo khái quát (các nét chấm phá) thế giới đến 2025, cùng lắm là 2030.

Từ nay đến 2025 - 2030, cục diện chính trị sẽ dịch chuyển (từ từ) từ đơn cực sang đa cực với nhiều trung tâm sức mạnh, trong đó Mỹ, Nga, Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo và quan hệ giữa ba cường quốc hàng đầu thế giới sẽ định hình tình hình thế giới về chính trị - an ninh.

Do đó, khi nhận định, đánh giá về tình hình chính trị - an ninh thế giới, trước hết và chủ yếu cần xem các mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nga, Nga - Trung Quốc trong năm 2013 đã diễn ra như thế nào.

- Về quan hệ Nga - Trung Quốc.

Mối quan hệ Nga - Trung có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới. Là hai Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, lại có sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự thứ hai thế giới, có số dân chiếm khoảng 18% tổng số người trên hành tinh có không gian sinh tồn liên tục từ lục địa châu Á sang châu Âu - Địa Trung Hải. Khi Nga và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với nhau thì hai cường quốc này có khả năng ngăn chặn mọi hành động hiếu chiến đơn phương và duy trì xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Năm 2013, quan hệ Nga - Trung có bước phát triển mới về chất. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Nga vào đầu tháng 3/2013 đã đánh dấu một bước phát triển mới có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ Nga - Trung. Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận nhiều hợp đồng kinh tế với trị giá hàng chục tỷ đô la. Quan trọng hơn là Nga và Trung Quốc đã tạo được bước tiến mang tính đột phá trong việc thắt chặt quan hệ chính trị - an ninh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Lần đầu tiên Nga đã thỏa thuận cung cấp cho Trung Quốc bộ ba vũ khí chiến lược hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay: 24 máy bay SU.35; 4 tàu ngầm LADA và tên lửa S.400.

Để hiểu thêm tầm vóc lịch sử của thỏa thuận Nga cung cấp vũ khí hiện đại cho Trung Quốc được ký vào tháng 3/2013, xin dẫn ra một số thông tin về bộ ba vũ khí nói trên. Máy bay SU.35 là loại máy bay tiêm kích hiện đại bậc nhất trên thế giới hiện nay (các tính năng cơ bản hơn hẳn loại máy bay tàng hình F.22 của Mỹ). SU.35 có động cơ lớn với lực đẩy gia tốc lên tới 14.500kg cho phép SU.35 nhanh chóng đạt được tốc độ siêu âm thanh. SU.35 được trang bị hệ thống rada IRBIS.E với cự ly hoạt động lớn gấp 4 lần rada của SU.30 MKR của không quân Trung Quốc hiện nay. SU.35 có khả năng theo dõi đồng thời 30 mục tiêu và tấn công đồng thời vào 8 mục tiêu.

Tàu ngầm lớp LADA (Nga cung cấp cho Trung Quốc) có một số tính năng vượt trội hơn các tàu ngầm SORYU của Nhật Bản: 1. Khả năng tàng hình, độ tĩnh lặng và ít tiếng ồn - nhỏ hơn 8 lần so với tàu ngầm lớp Kilo; 2. Năng lực tấn công lớn với hỏa lực mạnh; 3. Có thể hoạt động dưới nước liên tục (không cần nổi lên) đến 2 - 3 tuần, lớn hơn hai lần so với tàu ngầm SORYU của Nhật.

Tên lửa S.400 là tên lửa tầm trung hiện đại nhất hiện nay trên thế giới. Đây là loại đất đối không (SAM) hiện đại có chức năng chống máy bay và tên lửa tầm thấp, tên lửa đạn đạo của đối phương. S.400 là thế hệ sau của tên lửa S.300 và hiện đại hơn S.300. Xin lưu ý rada của S.300 có thể theo dõi cùng một lúc 100 mục tiêu và có thể đồng thời nhắm bắn tới 12 mục tiêu. S.300 có thể được triển khai (từ trạng thái bình thường đến lúc phóng) chỉ trong 5 phút. Tên lửa S.300 đặt trong hộp kín và không cần bảo dưỡng trong suốt vòng đời của nó (các tên lửa khác phải bảo dưỡng định kỳ).

Với bộ ba vũ khí Nga cấp cho Trung Quốc, sức mạnh quân sự ở Đông Bắc Á nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Phải chăng đó là hành động phối hợp Nga - Trung ứng phó với việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu - Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương?

- Về quan hệ Mỹ - Trung Quốc năm 2013.

Mỹ - Trung là một trong những mối quan hệ quan trọng bậc nhất trên thế giới. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ - Trung là quan hệ trục - quan hệ chủ đạo với ý nghĩa Mỹ - Trung ổn định thì Thái Bình Dương “sóng yên biển lặng”. Ngược lại, Mỹ - Trung căng thẳng, đối đầu thì Thái Bình Dương sẽ có bão tố nổi lên.

Điểm nổi bật trong quan hệ Mỹ - Trung năm 2013 là cuộc gặp không chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ B.Obama đầu tháng 6/2013 tại Annenberg (California, Mỹ). Dù là không chính thức, tại cuộc gặp này, Trung Quốc và Mỹ đã thỏa thuận xây dựng mối quan hệ Trung - Mỹ là mối quan hệ nước lớn kiểu mới dựa trên nguyên tắc: tránh xung đột, tránh đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Đây là khuôn khổ cho phát triển quan hệ Trung - Mỹ từ nay đến 2020, có thể đến 2030 và những giai đoạn sau. Dư luận Mỹ, Trung Quốc và thế giới cho rằng thỏa thuận Mỹ - Trung tháng 6/2013 có ý nghĩa lịch sử.

Ông Douglas Paal, Phó Giám đốc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, đánh giá thỏa thuận Trung - Mỹ 7/6/2013 là “Quyết định lịch sử của cả hai nhà lãnh đạo nhằm chớp lấy cơ hội chiến lược quan trọng để tạo tiền đề cho việc củng cố quan hệ song phương trong ngắn và trung hạn”.

Thông qua một loạt cuộc gặp gỡ, đối thoại cấp cao diễn ra trong 6 tháng cuối 2013, Mỹ và Trung Quốc đã từng bước hiện thực hóa thỏa thuận cấp cao 7/6/2013.

Tháng 7/2013, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì đã cùng Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew và Ngoại trưởng John Kerry tiến hành vòng đàm phán thứ 5 của cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược (S&ED). Tháng 9/2013, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Mỹ và đàm phán với người đồng cấp John Kerry về những vấn đề song phương, đa phương mà hai bên còn có nhận thức khác nhau. Tháng 11/2013, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông đã tới Washingtơn cùng với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chủ trì Hội nghị tham vấn cấp cao Mỹ - Trung về Trao đổi Nhân lực (CPE).

Trao đổi Mỹ - Trung về kinh tế là quan trọng, nhưng quan trọng và có ý nghĩa hơn là hợp tác quân sự giữa siêu cường với cường quốc đang lên và có tham vọng trở thành siêu cường số một. Năm 2013, Trung Quốc và Mỹ đã tăng cường ngoại giao quân sự hướng tới việc xây dựng mô hình quan hệ quân sự kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc trong khuôn khổ thỏa thuận cấp cao 7/6/2013 ở Annenberg.

Vào tháng 11 và tháng 12/2013, có hai sự kiện làm dậy sóng trong quan hệ Trung - Mỹ: 1. Ngày 23/11/2013, Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không xâm phạm chủ quyền không phận của Nhật Bản, Hàn Quốc và vi phạm luật pháp, thông lệ quốc tế; 2. Tháng 12/2013, tàu chiến Trung Quốc cản tàu chiến Mỹ khi tàu chiến Mỹ đang hoạt động trong vùng biển quốc tế (theo luật pháp quốc tế Trung Quốc không có quyền ngăn chặn, gây khó dễ). Nhưng về tổng thể, hai sự kiện trên (đều do Trung Quốc gây ra) không ảnh hưởng lớn đến bức tranh quan hệ Trung - Mỹ 2013 là ổn định, có bước phát triển mới tích cực và tạo ra khung khổ cho quan hệ Mỹ - Trung trong 10 năm tới.

Tất nhiên, không nên quá lạc quan về quan hệ Trung - Mỹ. Giữa hai cường quốc này là một vực thẳm ngờ vực và thiếu lòng tin đối với nhau. Tại bàn đàm phán, thương thảo, họ trao cho nhau nhiều từ ngữ đẹp như “đối tác hợp tác xây dựng”, “tôn trọng lẫn nhau”, “hai bên cùng có lợi”, Trung - Mỹ “cùng thắng”… Tại phòng Bầu Dục (Washingtơn) và Trung Nam Hải (Bắc Kinh), họ âm thầm bày mưu tính kế để đối phó với nhau như với kẻ thù.

- Quan hệ Mỹ - Nga trong năm 2013.

Đây là cặp quan hệ đặc biệt quan trọng và có vai trò to lớn đối với đảm bảo xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Về sức mạnh tổng thể, Nga chưa bằng Mỹ, nhất là kinh tế. Nhưng Nga là một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới (một vài điểm còn thua kém Mỹ nhưng vượt xa Trung Quốc). Trên thế giới, duy nhất chỉ Nga có khả năng hủy diệt Mỹ, Trung Quốc thì không (nếu Trung Quốc hung hăng gây chiến với Mỹ thì sẽ bị Mỹ hủy diệt và giấc mộng trở thành siêu cường sẽ tan như bọt xà phòng!).

Nga cần ổn định quan hệ với Mỹ và thông qua Mỹ ổn định quan hệ với Tây Âu để tập trung cho phát triển kinh tế, nhanh chóng nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ của Nga trên thị trường quốc tế.

Trên lĩnh vực chính trị - an ninh, Nga quyết không để Mỹ qua mặt và lấn ép (như thời Ensin 1991 - 1999). Tổng thống V.Putin luôn đặt lợi ích an ninh quốc gia của Nga ở vị trí tối thượng và toàn tâm, toàn ý vì sự phục hưng của Nga. Không khiêu khích Mỹ, nhưng Putin luôn cứng rắn, quyết đoán và sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp, kể cả biện pháp quân sự, để bảo vệ lợi ích của Nga. Trong giới tinh hoa Mỹ, kể cả trong Hạ viện và Thượng viện, nhiều người không thích Putin, không ít người luôn thù ghét ông chủ Điện Kremli. Nhưng không một ai trong số họ dám “đùa” với Putin. Hơn nữa, trong hầu hết các vấn đề trọng đại của thế giới và giải quyết tranh chấp, điểm nóng khu vực, Mỹ cần Nga hơn cần Trung Quốc. Các vấn đề lớn mà Mỹ ưu tiên là không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế… Nga luôn có vai trò lớn hơn Trung Quốc.

Đối với việc giải quyết các tranh chấp, điểm nóng khu vực, ngoại trừ điểm nóng Đông Bắc Á (Trung Quốc có vai trò lớn hơn Nga), giải quyết cuộc xung đột đẫm máu ở Xyri, chương trình hạt nhân bị nghi ngờ của Iran, quan hệ Ixraen - Palextin, cuộc chiến ở Apganixtan…, Mỹ luôn cần Nga hơn Trung Quốc

- Nếu không có sự hợp tác và hỗ trợ của Nga thì Mỹ không thể đương đầu và giải quyết được các điểm nóng nói trên.

Trong năm 2013, quan hệ Nga - Mỹ nóng, lạnh xen kẽ, nhưng có bản là ổn định, vào cuối năm có bước tiến triển tích cực.

Ngày 1/8/2013, Tổng thống V.Putin quyết định cho Edward Snowden - nhân viên cơ quan tình báo CIA Mỹ đào tẩu - cư trú chính trị 1 năm với điều kiện không được tiết lộ thêm các thông tin ảnh hưởng đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Washingtơn kịch liệt phản đối Matxcơva và Tổng thống B.Obama quyết định hủy bỏ cuộc gặp cấp cao chính thức với Tổng thống V.Putin vào tháng 9/2013.

Việc hủy bỏ cuộc gặp cấp cao đã có kế hoạch hàng năm trước đối với các cường quốc là việc cực kỳ hệ trọng. Tháng 8/2013, quan hệ Mỹ - Nga rơi xuống mức thấp nhất trong 5 năm cầm quyền của Tổng thống B.Obama (2009 - 2013).

Như đã trình bày ở trên, Nga cần Mỹ và Mỹ cũng rất cần Nga, làm sao mà họ có thể “li dị” hay đối đầu với nhau được! Và lợi ích an ninh quốc gia đã là động lực thúc đẩy Washingtơn và Matxcơva hợp tác với nhau trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Xyri và chương trình hạt nhân bị nghi ngờ của Iran - hai vấn đề nóng bỏng nhất, hệ trọng nhất ở Trung Đông.

Ngày 21/8/2013, lực lượng nổi dậy vu cáo chính quyền của Tổng thống Bashar al -Assad sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Thủ đô Damascus. Đây là cái cớ để Mỹ và các đồng minh có thể tấn công quân sự Xyri. Những ngày cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9/2013, cỗ máy chiến tranh của Mỹ và các đồng minh Tây Âu, đồng minh Trung Đông của Mỹ đã vận hành hết tốc lực chờ giờ G khai hỏa. Cả thế giới phấp phỏng lo âu trước bão tố chiến tranh.

Lúc tình hình căng thẳng đến đỉnh điểm cận kề chiến tranh, Tổng thống Nga V.Putin đưa ra sáng kiến “đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình” với nguyên tắc Chính quyền Bashar al Assad phải giao nộp toàn bộ vũ khí hóa học, đổi lại Mỹ và đồng minh không tấn công quân sự Xyri.

Tổng thống B.Obama và các mưu sĩ ở Nhà Trắng đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ sáng kiến của Nga. Nga và Mỹ bắt tay nhau thỏa thuận mở lối hòa bình - chính trị đi đến giải quyết cuộc xung đột lâu dài và đẫm máu nhất trong 13 năm đầu của thế kỷ XXI. Từ thỏa thuận Nga - Mỹ đi đến Nghị quyết số 2118 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thứ 68 ngày 26/9/2013 về việc giải giáp vũ khí hóa học của Xyri và mở ra giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này. Đây là điểm đột phá có tính bước ngoặt và mang tầm vóc lịch sử, và Nga, trực tiếp là Tổng thống V.Putin, là người khởi xướng và giữ vai trò quyết định.

Nga và Mỹ làm nòng cốt trong cuộc thương thảo giữa P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức) với Iran và đi đến Thỏa thuận tạm thời giữa nhóm các nước P5+1 với Iran trong việc giải quyết tranh chấp về chương trình hạt nhân bị nghi ngờ của Iran vào ngày 24/11/2013. Suốt 34 năm (1979 - 2013), cùng chung bầu trời nhưng Mỹ và Iran luôn coi nhau là kẻ thù và không bao giờ họ đối thoại trực tiếp với nhau ở cấp cao. Vì thế, dư luận quốc tế cho rằng Thỏa thuận tạm thời giữa P5 + 1 với Iran ngày 24/11/2013 mang tính đột phá và có ý nghĩa lịch sử.

Tương tự như quan hệ Mỹ - Trung, quan hệ Mỹ - Nga cũng đầy trắc trở, sóng gió vì giữa họ vẫn tồn tại một vực thẳm thiếu lòng tin đối với nhau. Nhưng Nga cần Mỹ và Mỹ cũng cần Nga. Trong năm 2013, nhất là 4 tháng cuối năm, Mỹ và Nga đã hợp tác với nhau để tạo ra bước phát triển có tính đột phá mang dấu ấn lịch sử đối với hai điểm nóng ở Trung Đông là Xyri và Iran.

Tóm lại, ở cấp độ toàn cầu, trong năm 2013, các cặp quan hệ Nga - Trung, Mỹ - Trung và Mỹ - Nga cơ bản ổn định và có bước phát triển tích cực, chính điều đó đã thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trên thế giới.

2. cấp khu vực

Trong khi cấp độ toàn cầu khá ổn định, tình hình chính trị - an ninh ở cấp độ khu vực lại loang lổ các mảng sáng tối rất phức tạp, có điểm rất nóng bỏng cận kề xung đột, chiến tranh.

Có thể khái quát như sau:

- Bán đảo Triều Tiên nói riêng, Đông Bắc Á nói chung là khu vực nóng bỏng nhất trong năm 2013.

Xin nhắc lại các sự kiện“động trời” ở khu vực này. Ngày 12/12/2012, CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh. Ngày 12/2/2013, CHDCND Triều Tiên thử bom nguyên tử lần thứ ba.

Ngày 7/3/2013, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra Nghị quyết 2094 với sự nhất trí cao (100%) của 15 thành viên quyết định áp đặt các hình phạt bổ sung đối với CHDCND Triều Tiên và đối với một số cán bộ cấp cao và doanh nghiệp Triều Tiên liên quan đến phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân gồm: 1. Đóng băng mọi quan hệ tài chính nếu các giao dịch này có liên quan đến phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo; 2. Tiến hành kiểm tra bắt buộc đối với các hoạt động vận tải hàng hóa bị tình nghi đến hoặc đi từ CHDCND Triều Tiên; 3. Bổ sung danh sách các cá nhân và doanh nghiệp bị đóng băng tài sản và bị nghiêm cấm công du…

Ngày 11/3/2013, CHDCND Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ Hiệp định đình chiến 1953 (4 bên ký là Trung Quốc, Mỹ, CHDCND Triều Tiên và Liên Hợp Quốc) và hủy bỏ thỏa thuận về sự hòa giải, không tấn công, trao đổi và hợp tác mà cấp cao Bắc - Nam đã ký 1991, bao gồm cả việc thiết lập khu vực không có vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Ngày 17/3/2013, CHDCND Triều Tiên ra lời kêu gọi quân và dân Triều Tiên chuẩn bị “sẵn sàng cho chiến tranh tổng lực hủy diệt kẻ thù” (ám chỉ Mỹ và Hàn Quốc).

Ngày 26/3/2013, CHDCND Triều Tiên cắt đường dây nóng nối Xơun với Bình Nhưỡng (thiết lập 1972).

Ngày 28/3/2013, CHDCND Triều Tiên tuyên bố tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc.

Trước sự đe dọa của CHDCND Triều Tiên, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phối hợp thực hiện các biện pháp đáp trả mạnh mẽ. Bốn tháng đầu năm 2013, tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên nói riêng, khu vực Đông Bắc Á nói chung căng như dây đàn và cận kề một cuộc chiến tranh tổng lực ở cấp độ khu vực.

Xin lưu ý, không ở đâu trên hành tinh như khu vực Đông Bắc Á. Tại đây đồng thời tồn tại bốn mâu thuẫn lớn của thế giới đương đại: 1. Mâu thuẫn giữa siêu cường Mỹ (đang xuống dốc) đang thực hiện chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu - Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương với cường quốc trỗi dậy mạnh mẽ (Trung Quốc) đang thách thức vai trò của Mỹ ở khu vực Đông Á nói riêng, trên thế giới nói chung; 2. Mâu thuẫn đối kháng về ý thức hệ (trực tiếp giữa hai miền Bắc - Nam Triều Tiên); 3. Mâu thuẫn giữa các nước trong tranh chấp chủ quyền biển đảo; 4. Mâu thuẫn giữa các quốc gia trong quá khứ nhưng cho tới nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, và bóng ma hận thù trong quá khứ (Trung Quốc với Nhật Bản, Bắc và Nam Triều Tiên với Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc với Mỹ…) vẫn ám ảnh và tác động mạnh mẽ đến tình hình chính trị - an ninh khu vực Đông Bắc Á.

Bốn mâu thuẫn trên đồng thời tồn tại và tác động vào nhau, “cộng hưởng” với nhau làm cho Đông Bắc Á trở thành điểm nóng về chính trị - an ninh phức tạp nhất, dai dẳng nhất và khó giải quyết nhất trên thế giới.

- Khu vực Bắc Phi nói riêng, châu Phi nói chung trong năm 2013 phát triển theo chiều hướng xấu hơn trong năm 2012, đúng hơn là bước thụt lùi của lịch sử.

Các sự kiện sau đây minh chứng cho nhận định trên.

Đầu năm 2013, Mali xẩy ra xung đột đẫm máu và nếu Pháp không vào hỗ trợ, can thiệp thì chắc chắn sẽ sụp đổ hoàn toàn.

Cuộc đảo chính quân sự ngày 3/7/2013 lật đổ chính quyền của tổ chức Anh em Hồi giáo do ông M.Morsi đứng đầu sau một năm ba ngày nắm quyền lực đã đẩy Ai Cập, quốc gia lớn nhất trong thế giới Ả rập và là đồng minh số một của nước Mỹ ở châu Phi, vào cuộc khủng hoảng chính trị đến nay chưa rõ lối thoát.

Sau gần ba năm các chính quyền Ben Ali ở Tuynidi và M.Gaddfi ở Libi bị lật đổ, hai quốc gia Bắc Phi này chìm đắm trong cuộc khủng hoảng chính trị, thậm chí có lúc là hỗn loạn.

Năm 2013 cũng là một năm khá đen tối về chính trị - an ninh tại Cộng hòa Trung Phi - quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng ở châu Phi.

Vào những tháng cuối cùng của năm 2013, tại quốc gia non trẻ Nam Xu Đăng diễn ra xung đột đẫm máu làm gần 10.000 người chết, gần trăm ngàn người phải rời bỏ quê hương, nơi cư trú.

Như vậy, bức tranh chính trị - an ninh Bắc Phi nói riêng, châu Phi nói chung năm 2013 mảng tối lấn át mảng sáng.

- Hai điểm nóng Xyri và Iran tại Trung Đông năm 2013 có bước phát triển tích cực mang tính đột phá.

Nghị quyết 2118 ngày 26/9/2013 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã hiện thực hóa sáng kiến “đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình” của Nga và thỏa thuận tạm thời giữa P5+1 với Iran ngày 24/11/2013 tạo ra bước xoay chuyển tình thế và mở ra khả năng thông qua giải pháp chính trị để giải quyết hai điểm nóng bỏng nhất ở Trung Đông.

Hồ sơ Xyri và Iran trong năm 2013 chứng tỏ: nếu các quốc gia, nhất là các cường quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế và có thiện chí hợp tác với nhau thì có thể giải quyết được các điểm nóng khu vực thông qua đối thoại và tìm được giải pháp chính trị.

- Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan và Ucraina.

Đây là hai điểm nóng mới phát sinh trong năm 2013. Nên hiểu rằng tại hai quốc gia này đã tích dồn âm ỷ mâu thuẫn, xung đột giữa các nhóm lợi ích, các lực lượng chính trị hàng chục năm nay, 2013 vượt quá giới hạn và cái gì phải đến cũng đã đến.

Cũng cần phân biệt sự khác nhau giữa Thái Lan và Ucraina. Tại Thái Lan, mâu thuẫn giữa hai nhóm lợi ích cơ bản trong xã hội phản ánh vào mâu thuẫn giữa hai đảng phái chính trị đại diện cho các nhóm lợi ích: Mâu thuẫn giữa Đảng Vì người Thái cầm quyền thực hiện chính sách dân túy với Đảng Dân chủ đối lập đại diện cho tầng lớp trung lưu, thị dân, trí thức.

Tại Thái Lan, chủ yếu là khủng hoảng chính trị nội bộ.

Ngược lại, tại Ucraina, mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích trong nước “cộng hưởng” với sự tranh giành giữa Bruxell với Matcơva đối với Ucraina - quốc gia có vị trí địa chính trị, địa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với cả hai phía Đông và Tây. Do đó, dưới góc nhìn địa chính trị, cuộc khủng hoảng chính trị ở Ucraina phức tạp hơn, dai dẳng hơn và khó giải quyết hơn cuộc khủng hoảng ở Thái Lan.

Ở phía Tây Bán cầu, sự ra đi của ông Hugo Chavez để lại một khoảng trống trong phong trào cánh tả tại Mỹ Latinh. Về cơ bản, năm 2013, Mỹ Latinh khá ổn định. Mỹ đã lợi dụng “khoảng trống” trong phong trào cánh tả do ông Chavez để lại để tìm mọi cách gia tăng ảnh hưởng tại sân sau của mình.

Tóm lại, năm 2013, trên phạm vi toàn cầu khá ổn định và có phần sáng sủa hơn năm 2012; ở cấp độ khu vực, tình hình chính trị - an ninh có vẻ như bất ổn hơn 2012, nhưng đã có bước tiến đột phá đối với hai điểm nóng Xyri và Iran.

3. nói gì về năm 2014?

Sơ bộ xin nêu vài nét chấm phá như sau:

- Về kinh tế:

Ba trung tâm Mỹ, Nhật, EU và các nước mới nổi BRICS, về cơ bản, vượt qua đáy suy thoái và bắt đầu có bước phát triển với quy mô, tốc độ khác nhau.

- Về chính trị - an ninh trên phạm vi toàn cầu:

Các cặp quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung, Trung - Nga tiếp tục ổn định góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trên thế giới.

- Tranh chấp và điểm nóng ở các khu vực.

Khó đoán định nhất, bất thường nhất là bán đảo Triều Tiên nói riêng, Đông Bắc Á nói chung.

Bán đảo Triều Tiên vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nghĩa là không xảy ra chiến tranh, nhưng luôn ở trong trạng thái căng thẳng, chiến tranh ngoại giao, thậm chí không loại trừ xung đột nhỏ (tương tự tháng 3/2010 và tháng 11/2010).

Quan hệ Trung - Nhật ẩn chứa nhiều bất trắc trong năm 2014. Không loại trừ có đụng độ quân sự hạn chế (về không gian và thời gian) giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Kết thúc cuộc chiến hạn chế này có thể Trung Quốc sẽ dành quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc thắng lợi, thậm chí xét trên một phương diện nào đó, là thất bại và “Giấc mộng phục hưng Trung Hoa” sẽ bị đẩy xa hơn.

Bắc Phi nói riêng, châu Phi nói chung sẽ thoát ra khỏi đáy khủng hoảng, xung đột, nhưng khủng hoảng chính trị còn kéo dài.

Xyri và Iran chậm chạp, trắc trở, tiến lùi trên lộ trình chính trị đã vạch ra trong năm 2013.

Quan hệ Ixraen - Palextin sẽ khá hơn chút ít so với 2013.

Cuối 2014, Mỹ và đồng minh sẽ rút lực lượng trực tiếp chiến đấu khỏi Apganistan. Xung đột, đánh bom liều chết xảy ra hàng ngày đẩy quốc gia Nam Á này vào vòng xoáy bạo lực không có hồi kết. Apganistan sẽ là điểm nóng nhất tại Nam Á trong năm 2014.

Xét trên mọi phương diện, cả ở tầm toàn cầu và khu vực, 2014 là một năm có nhiều thuận lợi đối với Việt Nam. Việt Nam cần tận dụng để đẩy nhanh sự phát triển nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các nước phát triển trung bình trong khu vực. Giai đoạn 2014 - 2020 là cơ hội cuối cùng và nếu không tận dụng được để đẩy nhanh sự phát triển thì sau 2020 Việt Nam sẽ tồn tại ở toa sau cùng của con tàu lịch sử, chủ quyền quốc gia sẽ bị nước ngoài xâm phạm, độc lập chỉ là hình thức.

Hà Nội, 31/12/2013

Thiếu tướng, PGS, TS:

Lê Văn Cương

(Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học - Bộ Công an )

Mới nhất
x
Phác thảo bức tranh Chính trị - An ninh Thế giới năm 2013
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO