Phải đảm bảo quyền sử dụng nước sạch của người dân
(Baonghean.vn)- "Các nhà máy nước phải có trách nhiệm cung ứng nước đến tận nhà cho dân theo hợp đồng sử dụng nước, việc thất thoát, hư hỏng hay ô nhiễm nguồn nước, các nhà máy sản xuất nước phải chịu trách nhiệm", đồng chí Trần Hồng Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định tại phiên chất vấn giám đốc Sở Xây dựng chiều 12/12.
Đoàn chủ tịch điều hành phiên chất vấn. |
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu quan tâm đến nội dung chất vấn chiều 12/12. |
Chiều 12/12, Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh bước vào phiên chất vấn trực tiếp. Nội dung chất vấn liên quan đến vấn đề cung cấp nước sạch cho nhân dân.
Trước khi trả lời chất vấn, ông Hoàng Trọng Kim, Giám đốc Sở xây dựng báo cáo một số nội dung liên quan đến vấn đề chất vấn. Hiện nay, Nghệ An có 17 đầu mối cung cấp nước sạch đô thị với công suất 88000 mét khối/ngày, đêm. Trong thời gian qua, người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn có nhiều băn khoăn, lo lắng về các vấn đề như việc cấp nước chậm, yếu, không đảm bảo. Nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm. Một số chỉ tiêu chất lượng nước thô, nước sau xử lí vẫn chưa đạt chuẩn theo quy định,…
Đại biểu Đại biểu Nguyễn Chí Nhâm chất vấn. |
Ông Hoàng Trọng Kim - Giám đốc Sở xây dựng trả lời chất vấn. |
Theo ông Hoàng Trọng Kim, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do mạng lưới đường ống của thành phố Vinh được xây dựng từ lâu, theo nhiều giai đoạn. Một số khu vực xa nguồn, xa mạng lưới nên không đủ áp lực. Một số xã ngoại thành mạng lưới đường ống truyền tải cấp 2 còn thiếu. Về nguyên nhân dẫn đến chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo là do các cơ quan chức năng chưa làm tốt việc kiểm tra, giám sát các nguồn nước thải xuống dòng sông; các đơn vị cấp nước chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước. Người dân sống hai bên sông Đào còn có thói quen xả rác xuống sông, nước từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, hóa chất từ các cánh đồng lúa chảy vào,… là những nguyên nhân khiến nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm.
Bên cạnh đó, đường ống cấp nước đã cũ kỹ, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, thay thế, một số tuyến đường ống nằm chung trong mương nước thải, một số bị vỡ chưa được thay thế dẫn đến tình trạng nguồn nước trong các đường ống bị nhiễm bẩn, ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt của dân.
Trước thực trạng trên, người đứng đầu Sở xây dựng đưa ra 5 giải pháp gồm: tăng cường công tác quản lý nhà nước của các cấp, ngành liên quan; nâng cao nhận thức cộng đồng; nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho đơn vị cấp nước; thay đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách và phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống cấp nước.
Ngay sau khi báo cáo giải trình của ông Hoàng Trọng Kim, các đại biểu HĐND đã lần lượt đưa ra các ý kiến chất vấn.
Đại biểu Đỗ Đình Quang, đơn vị bầu cử thành phố Vinh đề nghị làm rõ: Trách nhiệm của Sở xây dựng ở đâu khi mà nguồn nước có vấn đề; Các đường ống cấp 1, 2, 3 hiện nay đều do nhà nước đầu tư nhưng vì sao người dân sử dụng nước vẫn phải đóng góp?. Đại biểu Nguyễn Chí Nhâm đặt câu hỏi, vì sao công ty nước xử lú đúng quy trình kỹ thuật nhưng nước vẫn bẩn; Trong số các giải pháp đưa ra thì chưa thấy có giải pháp nào khả thi để khắc phục được triệt để vấn đề này. Cần phải có các giải pháp thuyết phục để HĐND và cử tri yên tâm.
Đại biểu Trần Quốc Chung cho rằng, hiện nay, hai bên bờ sông đào có nhiều đồng ruộng, nhiều nhà máy, tàn dư của thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại theo mưa, đổ vào nước, các loại bệnh có thể xảy ra. Đề nghị phải sớm có hướng xử lí dứt điểm; Đại biểu Trần Văn Mão thắc mắc vì sao việc cung cấp nước chưa kịp thời, chưa đầy đủ nhưng các giải pháp đưa ra chưa thỏa đáng. Vì sao không cung cấp kịp thời nguồn nước và chất lượng nước thấp?,…
Trước những chất vấn thẳng thắn của các đại biểu Hội đồng nhân dân, ông Hoàng Trọng Kim khẳng định, hiện nay quy trình công nghệ xử lí nước sạch đang được thực hiện nghiêm. Các kết quả kiểm định của Trung tâm y tế dự phòng đang được làm căn cứ để đánh giá chất lượng nguồn nước. Trong thời gian tới, cần phải kiểm tra, kiểm định ở mức độ cao hơn, với các chỉ tiêu cụ thể hơn. Sau khi có kết quả, nếu như nguồn nước bị ô nhiễm, khi đó sẽ phải có 2 bộ giải pháp được thực hiện: hoặc phải thay đổi quy trình công nghệ hoặc phải thay đổi nguồn cấp nước.
Ông Kim cho rằng, Công ty TNHH 1 thành viên nước Nghệ An là một mô hình mới, do UBND tỉnh quản lý trực tiếp. Vấn đề trách nhiệm nước sạch liên quan đến nhiều ngành khác nhau: Ngành xây dựng có nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng mạng lưới nhà máy và đường ống nước, ngành y tế chịu trách nhiệm kiểm định về chất lượng nguồn nước, nguồn cung cấp nước đầu vào lại thuộc trách nhiệm của ngành tài nguyên môi trường. Chính vì vậy, các ngành phải có sự phối hợp với nhau một cách chặt chẽ.
Trước câu hỏi của đại biểu Thái Thị An Chung rằng: hiện nay Nghệ An đã đã thành lập Ban chỉ đạo cấp nước an toàn theo Thông tư 08, Bộ XD ngày 21/11/2012 hay chưa?. Ông Hoàng Trọng Kim cho biết, đến nay tỉnh vẫn chưa thành lập được ban này.
Không khí chất vấn diễn ra thẳng thắn, sôi nổi. Trước một số ý kiến của các đại biểu cho rằng, các giải trình của người đứng đầu ngành xây dựng chưa cụ thể, chưa đưa ra được các biện pháp khả thi và còn né tránh, đồng chí Trần Hồng Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị đại diện đơn vị quản lý trực tiếp Công ty TNHH 1 thành viên cấp nước Nghệ An là UBND tỉnh Nghệ An phải có ý kiến.
Đồng chí Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận lỗi trước cử tri và đại biểu HĐND về chất lượng nguồn nước sạch. |
Người dân xã Nghi Phú-TP Vinh theo dõi phiên chất vấn chiều 12/12 |
Đồng chí Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã ủy quyền cho các sở trực tiếp phụ trách, quản lý trong đó cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì là Sở xây dựng. "Trong quá trình cung cấp nước, có một số vấn đề tồn tại, chúng tôi xin nhận trách nhiệm trước cử tri và trước các đại biểu HĐND về những vấn đề đã xảy ra. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp nỗ lực hơn nữa, cố gắng cung cấp đủ nguồn nước và đảm bảo chất lượngn nước cho nhân dân”, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn thừa nhận.
Kết thúc thời gian chất vấn chiều 12/12, đồng chí chí Trần Hồng Châu khẳng định, quá trình chất vấn trực tiếp diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. Quá trình chất vấn đã phát hiện ra những lỗ hổng trong quản lý nhà nước. Nước sạch là loại mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của nhân dân. Trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh là đơn vị chủ quản tiếp tục quản lí và giám sát các nhà máy nước, không thể đùn đẩy trách nhiệm như hiện nay. Phải chú trọng việc kiểm tra, giám sát đối với các công ty sản xuất nước, với nguồn nước đầu vào. Đồng thời nâng cao trang thiết bị hiện đại để xử lí nguồn nước. Người dân là khách hàng sử dụng nước, phải được được cung ứng nước sạch đến tận từng hộ dân. Các lí do như đường ống cũ, hư hỏng dẫn đến nguồn nước yếu, chất lượng kém thì phải do cơ quan cung cấp nước chịu trách nhiệm.
“Bên cạnh đó, phải tiếp tục tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, địa phương và mọi người dân trong việc quản lý nguồn nước. Để có nguồn nước sạch cung cấp cho người dân, nhất định phải có nguồn nước cung sạch ngay từ đầu vào. Cần phải đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong việc sử dụng nước sạch”, đồng chí Trần Hồng Châu kết luận.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nguyên Khoa – Đào Tuấn