Phải đồng bộ mới được!

19/10/2014 10:34

(Baonghean) - Quán nước chè vẫn đông đúc, ồn ã với những lời bàn ra, tán vào như mọi khi. Nhưng không khí hôm nay nhuốm màu học thuật, dính nhiều đến văn chương, chữ nghĩa. Ấy là bởi các “ẩm khách” đang luận bàn về vấn đề tuy không giật gân mà hơi lạ và đang được cả xã hội quan tâm: bác sỹ phải học Văn, thi Văn. Nghĩa là phải có khả năng cầm bút làm thơ, viết văn chứ không chỉ là dao, kéo và xơ-ranh.

Học thì ấm vào thân, học thêm được món gì thì tốt cho món đó. Là bà hàng nước bảo thế. Ít nhất là câu cú, chữ nghĩa không lủng củng khiến người đọc “rất dễ đứt mạch máu não” như bà Bộ trưởng Y tế nói. Có thêm tí “máu văn chương” trong người chắc hẳn người ta cũng nhuần nhụy, mềm mại hơn trong cư xử và có tình người, trách nhiệm với mạng người hơn khi cứu chữa bệnh nhân... Sở dĩ nói vậy là vì xưa nay, ở ta lưu hành một quan điểm coi “văn học là nhân học”. Mà nhân là người và đi kèm với đó là một loạt khái niệm dính đến con người, tính người như là nhân từ, nhân ái, nhân đạo, nhân văn, nhân nghĩa... Người được học Văn có điều kiện hiểu và cảm thông với con người hơn. Có thể nhờ thế mà chẳng cần dúi trước phong bì đến khi tiêm vẫn không bị làm cho đau chẳng hạn. Như thế, học Văn sẽ làm tăng nhân tính. Nhưng đó là khi người ta được tiếp cận với văn chương tử tế chứ nếu là loại văn chương đang thịnh hành trên mạng đầy rẫy ngôn từ, hình ảnh nặng về “sến, sốc, sex”, bạo lực thì chỉ tổ làm làm tăng thú tính. Mà rõ ra là xã hội đang phải trả giá cho những thứ rẻ tiền, độc hại như vậy đó thôi. Đáng lo ngại hơn cả là những loại văn chương phế phẩm đó lại đang tràn ngập khắp nơi. Cứ giở mạng ra là có, giở mấy tờ báo lá cải ra là thấy ngay. Ngày nào cũng như ngày nào. Và đang được lớp trẻ rất chào đón. Với lại, nếu cứ nghĩ học Văn là sẽ trở thành người hơn thì cũng là phiến diện. Vì không lẽ, người học Văn lại tốt bụng hơn người học Toán. Nhân loại đã kiểm chứng nhiều, nhưng chưa hề có ai đưa ra kết luận như vậy.

Nói hết ra thế để đi đến một sự nhất trí, học Văn là tốt, nhưng đó hoàn toàn không phải là yếu tố quyết định nhân tính với những khái niệm nhân từ, nhân ái, nhân đạo, nhân văn, nhân nghĩa... như đã liệt kê ở trên. Mà lòng nhân trong mỗi con người được gây dựng, bồi đắp từ tấm bé trong cung cách giáo dục, dạy dỗ của mỗi gia đình, sau đó là đến nhà trường, sách vở và xã hội. Từ sự làm gương của những người đi trước và những người có uy tín, có trọng trách trong xã hội... Nghĩa là, như bà hàng nước kết luận, xây dựng lòng nhân phải tiến hành đồng bộ nhiều phương án, giải pháp cùng lúc và không ngừng nghỉ thì mới được. Chứ không chỉ bắt học thêm Văn, thi thêm môn Văn là xong.

Người Lắm Chuyện

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Phải đồng bộ mới được!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO