Phải thay đổi tư duy để di sản văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế

Thành Chung - Thành Cường 08/05/2019 13:21

(Baonghean.vn) - Di sản văn hóa là tài sản, động lực để kinh tế - xã hội phát triển. Điều cần thiết để di sản văn hóa có giá trị tăng trưởng là phải thay đổi tư duy. Những vấn đề này được đề cập tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế di sản tỉnh Nghệ An” do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức vào sáng 8/5.

Hội thảo khoa học có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Ảnh: Thành Cường

Hội thảo khoa học có sự tham gia của đồng chí Trương Đình Tuyển -Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Tổ trưởng tổ tư vấn của tỉnh; PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; các nhà khoa học đầu ngành trong nước.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh.


Biến di sản thành động lực phát triển kinh tế

Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu). Ảnh: Cảnh Hùng

Xưa nay, Nghệ An luôn được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, là địa phương có mật độ di sản văn hóa đậm đặc, trải rộng khắp từ khu vực đồng bằng đến miền núi. Các di sản ở Nghệ An gồm có nhiều loại hình như di sản văn hóa - lịch sử, bảo tàng, nông thôn - nông nghiệp, đô thị, kiến trúc - nghệ thuật, công nghiệp, thiên nhiên cảnh quan và di sản văn hóa phi vật thể.

Số lượng các di sản lớn nhỏ do các địa phương và chuyên gia đề xuất ở Nghệ An lên tới 2.327 di sản, trong tương lai con số này không dừng lại... Và theo kết quả kiểm kê, đến năm 2017, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2.602 di tích - danh thắng với 439 di tích đã được xếp hạng, với 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 239 di tích cấp tỉnh.

Bình yên Thành cổ Vinh. Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó, mỗi năm Nghệ An còn có tới 29 lễ hội truyền thống và lễ hội mới gắn với các nghi lễ tâm linh, hoạt động văn hóa ở các di tích. Nghệ An cũng là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên, danh lam, thắng cảnh có tiềm năng phát triển du lịch.

Xác định rõ di sản văn hóa là yếu tố quan trọng, có tính quyết định làm nên diện mạo, bản sắc riêng của vùng văn hóa xứ Nghệ; có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Nghệ An đã không ngừng cố gắng thực hiện chiến lược được đề ra trong Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Điểm đến đảo chè - đập Cầu Cau (huyện Thanh Chương). Ảnh: Thành Cường

Đó là: “Hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử - văn hóa Kim Liên, Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và một số di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu khác gắn với phát triển du lịch. Khai thác, phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống”.

Tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo ngành văn hóa - thể thao triển khai xây dựng và đã phê duyệt Đề án "Quy hoạch hệ thống di tích tỉnh Nghệ An định hướng đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050", và đang triển khai xây dựng đề án các giải pháp phát triển kinh tế di sản tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Đinh Viết Hồng phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: Thành Cường

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Viết Hồng nêu rõ: Hội thảo khoa học nhằm góp phần nhận diện, đánh giá đúng tầm giá trị, điểm mạnh, điểm yếu của hệ thống di sản tỉnh Nghệ An; đưa ra những định hướng, giải pháp khả thi cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển kinh tế di sản, góp phần phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh nhà.

Đồng chí mong muốn: Với tinh thần trách nhiệm cao, các nhà khoa học có nhiều ý tưởng, sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp giúp tỉnh Nghệ An hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án “Nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế di sản tỉnh Nghệ An”, đưa đề án vào cuộc sống, từng bước xóa bỏ gánh nặng đầu tư của ngân sách Nhà nước cho bảo tồn di sản, từng bước phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Phải đối mới tư duy, nhận thức

Toàn cảnh Khu Di tích Kim Liên. Ảnh tư liệu

Hội thảo khoa học lần này đã nhận được 37 tham luận của các nhà khoa học hàng đầu trong nước. Tại hội thảo, các nhà khoa lần lượt làm rõ các khái niệm “kinh tế di sản”. Đồng thời nêu rõ nghịch lý đang diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Nghệ An như: Cái nghèo luôn gắn với các vùng đất giàu truyền thống. Điệp khúc di sản kêu cứu, xin tiền kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Đồng chí Trương Đình Tuyển nêu rõ sự cần thiết của việc đổi mới tư duy trong công tác quản lý di sản văn hóa. Ảnh Thành Cường

Các nhà khoa học đã nêu rõ những giải pháp để biến di sản trở thành động lực tăng trưởng mới. Rất nhiều tham luận có giá trị được nêu ra tại hội thảo mang tính hiến kế cho Nghệ An. Đơn cử, đồng chí Trương Đình Tuyển nêu rõ sự cần thiết của việc đổi mới tư duy, trách nhiệm của người lãnh đạo, người làm công tác quản lý di sản, ngành công nghiệp văn hóa. Khu Di tích lịch sử - văn hóa Kim Liên cần xây dựng thêm Hội trường chiếu phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PGS.TS Trần Đình Thiên gợi ý đến việc kiến tạo lại các giá trị văn hóa đã mất đi, sáng tạo các giá trị mới. Ảnh: Thành Cường

Hay PGS.TS Trần Đình Thiên nêu ra cách tiếp cận, giải quyết xung đột giữa văn hóa di sản và kinh tế; đưa ra những gợi ý đến việc kiến tạo các giá trị di sản văn hóa đã mất đi và biến cái không có thành cái có. Với Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng Kim Liên phải có những giá trị khác biệt, đặc biệt hơn so với những làng quê Việt Nam khác; cần cách điệu hóa, nghệ thuật hóa để đạt được giá trị nghệ thuật và tính linh thiêng cao hơn... Có như vậy, kinh tế di sản của Nghệ An mới đi sâu hơn, đi nhanh hơn.

Tiến sĩ Hà Hữu Nga (Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch) đề nghị phát triển kinh tế di sản trên nền tảng hệ giá trị chung, giá trị độc đáo nhất, nhân văn vô giá của di sản văn hóa xứ Nghệ, của vùng văn hóa sông Lam. Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản hóa Việt Nam nêu ra cách thức để Nghệ An có giá trị gia tăng từ các di sản văn hóa phi vật thể.

Ở Khu Di tích Kim Liên (Nam Đàn) thường tổ chức các buổi biểu diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh rất đặc sắc để phục vụ du khách. Ảnh: Thành Cường
PGS.TS Dương Văn Sáu (Đại học Văn hóa Hà Nội) đề xuất ý tưởng xây dựng một làng quê xứ Nghệ thuần chất Nghệ ngay tại Làng Sen và làng Hoàng Trù quê Bác... Thạc sĩ Nguyễn Văn Cường (Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) đã đề xuất cách thức khai thác giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong bối cảnh thời kỳ cách mạng 4.0.

Thạc sĩ Phạm Xuân Cần nêu giá trị di sản đô thị ở thành phố Vinh như các công trình văn hóa tín ngưỡng, chợ Vinh, Thành cổ Nghệ An, các công trình kiến trúc Pháp, tiểu văn hóa Trung Hoa khu vực Cửa Tiền - chợ Vinh, Ga Vinh, Trường Tiểu học Pháp Việt và Quốc học Vinh, Trường Thi - Bến Thủy, khu chung cư Quang Trung... và nêu những kiến nghị về định hướng, giải pháp bảo tồn, phát triển các di sản này.

PGS.TS Đặng Văn Bài bế mạc hội thảo khoa học. Ảnh: Thành Cường
Bế mạc hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Bài đánh giá cao những tham luận, ý kiến phát biểu của các đại biểu. Các ý kiến, tham luận này đều là những ý tưởng mới; các giải pháp đề ra đều thiết thực, tính khả thi cao với những bước đi cụ thể... PGS.TS Đặng Văn Bài bày tỏ tin tưởng các cơ quan liên ngành tỉnh Nghệ An sẽ có sự phối hợp khăng khít để phát triển kinh tế di sản, góp phần đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh và bền vững./.

Mới nhất

x
Phải thay đổi tư duy để di sản văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO