Phải truy cứu!
(Baonghean) - Có những sai phạm xảy ra do những sai sót, sơ suất tức thời. Nhưng có những sai phạm xảy ra là hệ quả tất yếu của cả một quá trình với sự tham gia có chủ đích của nhiều cá nhân và tổ chức; mà điển hình là những sai phạm trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Để một cán bộ yếu kém cả về năng lực lẫn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống liên tục được luân chuyển, đề bạt, thăng chức chắc chắn là có sự thông đồng, tiếp tay của nhiều người trong bộ máy tổ chức.
Sở dĩ nói như vậy là vì công tác cán bộ gồm những khâu chặt chẽ và có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trước hết là đánh giá cán bộ, lựa chọn những người tốt để đưa vào quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng họ, cất nhắc họ lên những vị trí phù hợp với yêu cầu công tác và khả năng của cán bộ; khen thưởng nếu cán bộ có thành tích; xử lý cán bộ nếu có khuyết điểm.
Nếu tuân thủ đúng các quy trình đó thì rõ ràng không có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” được. Cho nên việc để một cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác làm ăn thua lỗ nặng nề, gây hậu quả nghiêm trọng không những không được kiểm điểm, làm rõ, mà còn được đề bạt, thăng tiến một cách chóng mặt là việc vô cùng khó hiểu. Đó chính là chuyện ông cán bộ “đổi trắng thay xanh” đang làm nóng dư luận cả nước trong suốt tuần qua.
Rõ ràng trong chuyện này đã có sự sắp đặt theo một kế hoạch rất bài bản và theo những trình tự nhất định, để khi được luân chuyển đến nơi nào cũng đều trót lọt cả. Cho dù, người này đi đến đâu là gây hậu quả đến đấy. Thế nên trong quá trình đánh giá, nhận xét, luân chuyển, đề bạt, cất nhắc con người này chắc chắn có những bàn tay đã nhúng chàm.
Vậy thì vấn đề quan trọng lúc này là phải làm rõ ra tay những ai đã nhúng chàm và nhúng đến đâu. Làm rõ để phát hiện những “nhân tố” suy thoái trong đội ngũ để kịp thời loại bỏ. Làm rõ để phát hiện những lỗ hổng trong quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đã bị người ta lợi dụng để có biện pháp khắc phục, ngăn chặn. Làm rõ để cho những ai đang rắp ranh nhúng chàm để e sợ mà dừng lại, vì đừng nghĩ xong việc, hạ cánh là an toàn tuyệt đối. Và làm rõ để những ai đang có ý định tiến thân theo kiểu “đi tắt, đón đầu” cũng tỉnh ngộ ra mà dừng lại.
Như thế, nhất thiết phải điều tra, phải làm rõ, mà nói theo thuật ngữ chuyên ngành là phải truy cứu. Phải tìm hiểu đầy đủ các cứ liệu, tình tiết cụ thể để xử lý rốt ráo và đúng người, đúng trách nhiệm. Đó cũng chính là một trong những cách để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.
Duy Hương
TIN LIÊN QUAN |
---|