Phạm Bá Thái Tâm: Nỗi day dứt của "một người lỗi hẹn"

28/07/2014 15:56

(Baonghean) - Trong hàng trăm câu thơ của Phạm Bá Thái Tâm, không hiểu sao tôi lại bị ám ảnh bởi câu thơ ấy: "Tôi sống như một người lỗi hẹn". Nó nằm trong một bài thơ rất giản dị của ông, giản dị từ cái tên bài: "Tháng 12 năm 1973 ở Trà Vinh", giản dị đến mức giống như những dòng nhật ký hơn là những dòng thơ. Thế nhưng, có lẽ, điều ám ảnh mà nó mang lại, chính là niềm day dứt được gọi tên, được thú nhận của nhà thơ thương binh, người may mắn trở về sau bao nhiêu trận chiến ác liệt, mang cảm giác mắc nợ với đồng đội nằm xuống...

Phạm Bá Thái Tâm hẹn tôi bên quán cóc vỉa hè với vẻ trầm tư. Nhìn dáng người chắc đậm của ông, sức làm việc dẻo dai đến mức về hưu rồi vẫn nhận lời mời làm thêm, không ai nghĩ ông đã để lại 41% sức khỏe ở chiến trường, mất một quả thận trái do mảnh đạn phạt đứt. Tôi hỏi ông, điều gì đã khiến ông có được nhiều sức lực đến thế, ông mỉm cười: “Nhờ văn chương”. Nhờ văn chương, nhưng ông không chọn nghiệp văn. Ông xem đó là một góc đam mê riêng có và vô cùng thiêng liêng. Thế đấy, ông nói, và mình cũng chưa bao giờ có “tuyên ngôn” về văn chương như nhiều người làm văn khác. Nếu để chọn một câu tâm đắc trong những bài thơ mình làm, ông lắc đầu, có lẽ là không thể…

Phạm Bá Thái Tâm (SN 1953) tên thật là Phạm Bá Tám. Ông được thầy giáo cấp 3 của mình đặt cho bút danh Thái Tâm với ngụ ý tấm lòng tựa như núi Thái (Thái Sơn), vì ngày đi học, ông đã hay viết văn, làm thơ và từng có bài đăng báo Thiếu Niên. Bút danh ấy được ông sử dụng đến giờ và giới văn nghệ tỉnh nhà không mấy người biết tên thật của ông, chỉ gọi ông bằng tên bút danh như vậy.

17 tuổi, khi đang học dở lớp 9 (hệ 10 năm), cậu học trò giỏi của làng Nồi, Trù Sơn, Đô Lương xung phong vào bộ đội. “Ngày ấy, thế hệ chúng tôi chuyền tay nhau những bài thơ sôi sục khí thế giục thanh niên lên đường. Văn chương quả có sức lay động ghê gớm. Tôi là con út trong gia đình 8 người, lẽ ra cũng chưa đến lượt gọi bộ đội, nhưng những câu thơ đã dẫn tôi đi. Là thơ của Chế Lan Viên, Bùi Minh Quốc, Lưu Trùng Dương…” Những câu thơ đã buộc người trai trẻ nghĩ về lý tưởng và khao khát được góp sức mình trong trận chiến chống xâm lăng. Ông đã có mặt trong đoàn quân ra trận, khi lòng ông ngân lên những “Tiếng hát con tàu”, “Lên miền Tây”, “Bài thơ về hạnh phúc”…? Thái Tâm được biên chế vào Đại đội Trinh sát C101, Trung đoàn 3, Quân khu 9 chiến đấu ở Trà Vinh, Vĩnh Long. Suốt chặng hành quân, những phút dừng chân, ông lại ghi nhật ký.

Những sáng tác của Thái Tâm nhiều dần trên những chặng đường như vậy, khi người lính trẻ mở rộng lòng mình đón những hương gió lạ cuộc đời. Thái Tâm nhớ, trong chặng hành quân ra chiến trường năm ấy, đơn vị ông dừng chân ở dốc Kỳ Lợn (Đô Lương). Khi ấy khoảng 4 giờ chiều ngày cuối đông đầy sương mù. Đồng chí đại đội trưởng chỉ một nấm đất vun cao, cỏ mọc xanh rì: “Đây là khu mộ tập thể của 13 anh chị em TNXP Truông Bồn. Các đồng chí hãy đứng nghiêm, mặc niệm một phút”. Cả đại đội nghiêm trang đứng trong chiều sương giá. Trong giờ khắc ấy, những dòng thơ rưng rưng đã hiện lên trong anh lính trẻ: “…Sâu trong nấm mộ cỏ xanh/ Là nơi các chị, các anh đang nằm/ Hố bom thành vũng trâu đằm/ Hồn thiêng ở phía xa xăm cõi trời/ Một làn mây mỏng mảnh rơi/ Đủ đau rưng rức với lời người xa/ Ngỡ như là mới hôm qua/ Các anh các chị còn ra mặt đường…” (Phút dừng chân ở dốc Kỳ Lợn).

Phạm Bá Thái Tâm cùng đồng đội đến thăm viếng các TNXP hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc.
Phạm Bá Thái Tâm cùng đồng đội đến thăm viếng các TNXP hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc.

Những trang nhật ký dày thêm. Trong đó, không chỉ là nỗi nhớ làng Nồi, nhớ những sáng tinh sương lặn lội cùng anh trai xuống mua đất nặn nồi ở Nghi Văn, nhớ những chiều vào núi lấy lá bổi, nhớ cái nghèo, cái đói và mái tranh lam lũ mà còn bao nhiêu mộng mơ, bao nhiêu trầm lắng, bao nhiêu nghĩ suy về đời lính, về chiến tranh, về giấc mơ hòa bình; bao nhiêu trận đánh, bao nhiêu gương mặt, những bờ kênh, con rạch đã băng qua… Thái Tâm viết thơ, viết truyện trên những mặt trận vừa im tiếng súng. Có rất nhiều khi, ông “viết trong đầu”, lẩm nhẩm cả khi đi đánh công đồn. Mỗi một dòng thơ, mỗi một câu chuyện được viết ra, nó gần như ghi dấu một kỷ niệm chiến trường. Những kỷ niệm, mà giờ nhắc đến, trái tim ông vẫn nhói đau…

Khoảng những năm 1977-1978, báo Tiền phong có đăng truyện ngắn của tác giả Thái Tâm mang tên “Anh Ba Dự”. Câu chuyện cảm động về sự hy sinh của một người lính qua con mắt, tình cảm của người đồng đội. Thái Tâm kể rằng, truyện ngắn ấy ông viết vào năm 1974, ngay sau trận đánh ngày 23/11 mà anh Ba Dự - người đồng đội ông vừa kịp biết mặt, hỏi tên hy sinh. “Anh ấy nguyên là du kích, rồi là bộ đội địa phương của tỉnh Vĩnh Long, bị địch bắt đày ra Phú Quốc. Năm 1973, sau đợt trao trả tù binh, anh Ba Dự được ta đưa ra Bắc một thời gian an dưỡng và học tập. Năm 1974, anh được bổ sung quay trở lại chiến trường miền Nam. Gần trưa 22/11, anh được giới thiệu đến chiến đấu trong tiểu đội của tôi. Vừa kịp ra mắt, 2 giờ chiều tiểu đội lên đường đi đánh trận. Trên đường đi, 2 anh em mới kịp hỏi han chuyện trò, sáng mai, trong trận chiến, anh ấy đã hy sinh. Chúng tôi ở với nhau chưa đầy 24 tiếng đồng hồ”- Thái Tâm kể rồi bỗng dưng thinh lặng…

Và đâu chỉ có “Anh Ba Dự”, còn nhiều đồng đội khác đã được gọi tên trong nhật ký anh lính trẻ Thái Tâm. Những người lính đã mãi mãi nằm lại, bình dị như đất, như cây. Bài thơ “Tháng 12 năm 1973 ở Trà Vinh” đã kể về một con người như vậỵ. Nó khiến cho người đọc phải dừng lại, bởi những nỗi nghẹn ngào: “…Sau trận đánh này/ Có thể trong số chúng mình có thằng vắng mặt/ Nghe Trường nói/ Cả tiểu đội lặng im…”. Trường là tên người tiểu đội trưởng. Anh vừa kịp phổ biến trận đánh đêm nay. Trong 30 phút chờ lên đường, một bàn cờ tướng được bày ra: “Thằng Đạo trọng tài/ Trường cầm quân bên trắng/ Lượng cầm quân bên đen/ Cả tiểu đội thành hội cờ ngày Tết/ 30 phút đã hết/ Vẫn chưa phân biệt thắng thua/ Hai “địch thủ” lại cùng chung đội ngũ/ Cả hai “phe” cùng hướng phía đồn thù…”. Thế rồi, pháo lệnh nổ, cả tiểu đội ào lên. Ngập giữa mịt mù đạn lửa. Tiếng Trường, người tiểu đội trưởng vẫn sang sảng vang lên: “Còn hỏa điểm cuối cùng/ Phải tiêu diệt! Xung phong!”. Và lúc lô cốt địch sụp đổ cũng là lúc cả tiểu đội nhận ra: người tiểu đội trưởng của mình lảo đảo gục xuống. Vượt qua ấp chiến lược, Trường về trên lưng đồng đội. Đồng đội chọn mảnh đất dưới bóng hàng dừa xiêm để anh nằm lại. Giở ba lô, đồng đội tìm địa chỉ quê anh để hẹn dịp tìm về… Hơn 30 năm, lời hẹn đau đáu trong trái tim người lính Phạm Bá Tám…

Đó còn là ký ức trận đánh công đồn tháng chạp năm 1974, chỉ sau sự hy sinh của anh Ba Dự vừa 1 tháng. Tiểu đội của ông nhận lệnh đánh đồn Cống Đá, Trà Ôn. Ông và đồng đội ngồi dưới mương nước bắn lên lô cốt địch. Một quả lựu đạn nổ ngay dưới mương, ông và 3 đồng đội khác đều bị thương, phải rút. Khi chạy ra, gặp được y tế tiền phương thì ông ngất lịm. Đến khi ông tỉnh lại thì đó đã là Rằm tháng Giêng. Gần 1 tháng trời hôn mê, khi tỉnh dậy ông thấy mình nằm trong Bệnh viện Trung đoàn tại cù lao ở Sóc Trăng. Một thận trái phải cắt bỏ, trong người vẫn còn găm mảnh đạn gần cột sống, vết thương luôn hành hạ khi trái gió trở trời. “Vậy là lại những đêm không ngủ. Không ngủ được, lại dậy làm thơ…”

Thái Tâm nói vậy, với một nụ cười. “Đúng là tôi đã vịn vào thơ mà đứng dậy, mà tin. Bao nhiêu gian lao, bao nhiêu đói khổ, bao nhiêu hoang mang, bao nhiêu đổ vỡ, cũng may có thơ làm chỗ dựa ấm áp, tin cậy”.

Rồi ông kể thêm rằng, sau khi ở chiến trường ra, ông đi học tiếp, rồi thi đậu vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Lấy vợ năm 1978, mãi 5 năm sau mới có con đầu lòng. Lần lượt sau đó 2 người con nữa ra đời. Ông làm việc tại Công ty xây dựng 7 Nghĩa Đàn gần 20 năm, rồi về Sở Xây dựng làm việc cho tới ngày về hưu năm 2013. Chưa lúc nào, người lính, người cán bộ xây dựng ấy quên thơ. Ông nói mình có 40 năm làm thơ, có hơn 30 năm là hội viên Hội VHNT tỉnh, vậy mà có lẽ là hội viên duy nhất chưa xuất bản một tập thơ nào. Ông dự định, mình sẽ in luôn một tuyển tập trong những năm sắp tới với số lượng lên tới hơn 300 bài… “để làm kỷ niệm chứ”. Cũng mong là: “Gạn buồn tìm lấy cái vui/ Ghép đau mong được nụ cười yêu thương” như trong bài thơ “Nỗi niềm Tháng Bảy” của ông. Và may ra, trong đó, ông cũng nói được biết bao day dứt cuộc đời mình - nỗi day dứt của “một người mắc nợ” với những người ngã xuống hôm qua…

Thùy Vinh

Mới nhất
x
Phạm Bá Thái Tâm: Nỗi day dứt của "một người lỗi hẹn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO