Phạm Kiều Trang- Một giọng ca opera tuyệt kỹ ở nước Đức
Tất cả các quảng cáo chương trình của Kiều Trang trên nước Đức, người ta đều đề tiếp sau tên cô là hai từ "Việt Nam" được viết hoa
Một tài năng đặc biệt tại "UNICEF GALA" 2014
Tháng 11/2014, trong lễ hội "UNICEF GALA" diễn ra tại rạp hát Maritim Köln - nước Đức, một cô gái Việt Nam 15 tuổi được chọn biểu diễn mở màn lễ hội, trong một khán phòng mênh mông dạ tiệc với 1.000 khán giả.
Kiều Trang tại Gala UNICEF, Köln, 11/2014 |
Ngài Heribert Klein - Giám đốc chương trình Gala, đã có lời dẫn rất đặc biệt: “Tôi đề nghị mọi người tuyệt đối trật tự trong đúng 6 phút. Bù vào đó, tôi hứa với quý vị một điều mà tôi nghĩ, rằng quý vị sẽ rất thích thú. Đó là giọng hát của ca sĩ trẻ 15 tuổi, một giọng hát vượt qua cả 3 Oktaver, một sự thành công tuyệt đối trong chương trình Voice Kids và đã mang lại cho hơn 8 triệu khán giả truyền hình nhiều hơn cả sự khâm phục“.
Rồi một cô gái Việt rất trẻ lộng lẫy bước ra sân khấu, bằng giọng Opera tuyệt kĩ của mình, không Microfon và tăng âm, hoàn toàn chinh phục tất cả khán giả với nhạc phẩm " Hölle Rache Zauberflöte " của Mozart, dưới sự đệm đàn Piano của nghệ sỹ nổi tiếng John Florenzio. Kiều Trang tên nghệ sĩ trẻ ấy, đã không phụ lòng tin của vị Giám đốc, hát vượt qua cả thành tích của chính mình trước đó, đạt tới 4 Oktaver (theo báo Kölner Stadt-Anzeiger và UNICEF GALA Musikmanager).
Khi Kiều Trang kết thúc và cúi chào, lập tức ông Giám đốc âm nhạc của nhà hát nhạc kịch Paris cùng ba nghệ sỹ Opera Tenor nổi tiếng thế giới: Mikhail Agafonov - Nga, Eduardo Aladren – Tây Ban Nha đã lên sân kháu trao tặng hoa và chúc mừng và, đặc biệt nghệ sĩ Andrea Shin - Hàn Quốc, cũng lên ngay sân khấu quỳ gối, tặng hoa cho Kiều Trang trong tiếng vỗ tay vang dội của hơn ngàn người tham dự.
Kiều Trang, ca sĩ 15 tuổi ấy, là con anh Phạm Mạnh Cường, người Hà Nội và Chị Petra Pham, người Đức. Năm 2013, khi 14 tuổi, đang học lớp 8, Kiều Trang đã vượt qua 14.000 thí sinh trong cuộc thi danh giá dành cho lứa tuổi thiếu nhi “The voice Kids Gemany 2013“ do kênh truyền hình Pro7 và Sat1, Đức, tổ chức, để lọt vào top 12. Ngay trong năm đó, tại cuộc thi tài năng trẻ “You Berlin 2013“, Kiều Trang giành được cùng lúc hai giải thưởng lớn: Giải nhì tài năng trẻ Berlin 2013 và, giải nhất tài năng trẻ Berlin được khán giả yêu thích nhất.
Sau hai cuộc thi, Kiều Trang được mời tham dự đêm Gala tổng kết năm 2013 của Tổ chức cứu trợ thiếu niên nhi đồng Quốc tế UNICEF tại Düsseldorf, CHLB Đức, với tư cách ca sỹ khách mời. Đây là lần đầu tiên cô đứng trên sân khấu lớn, cùng biểu diễn với các nghệ sỹ khổng lồ của Thế giới trước hơn ngàn khán giả và quan khách Quốc tế. Vậy mà sau phần biểu diễn, với chất giọng Opera trong vắt và cao vút của cô bé mới 14 tuổi, cả hội trường đồng loạt bật dậy vỗ tay hết đợt này đến đợt khác, không ngớt tới vài phút.
Năm 2014, Kiều Trang liên tục được mời tham dự các Gala tiếp theo của UNICEF. Tháng 8 ở Filzmoos, Áo và tháng 11 ở Köln, Đức.
Giọng hát Opera trời phú, và những nỗ lực phi thường
Từ khi mới là cô bé lên 3, sống ở nước Đức với cha Việt, mẹ Đức nhưng Kiều Trang đã thuộc rất nhiều bài hát tiếng Việt, do bố mẹ dạy. Cứ mở mắt là cô bé líu lo ca hát cả ngày như chim non.
Lên 6 tuổi mẹ cho Kiều Trang đi học Balet và Piano. Nếu cứ miệt mài tập tành như thế cô bé có thể trở thành diễn viên Balet hay nhạc công đàn dương cầm. Nhưng như người ta hay nói, cuộc đời vốn có những ngã rẽ đột ngột làm thay đổi cả định hướng có khi cả một đời người.
Hôm đó kiều Trang và bạn bè lớp học Piano đang chờ tới giờ học. Chẳng có trò nào chơi, lũ trẻ kéo đến cửa lớp dạy thanh nhạc. Đúng lúc ấy thầy giáo đang ngồi bên đàn hướng dẫn học trò xướng âm. Lũ trẻ bên ngoài cũng ê a theo. Một tiết tấu, hai tiết tấu rồi ba tiết tấu... mỗi lúc một khó hơn như thách đố. Học sinh chính thức của thầy đến những tiết tấu cuối đã lệch lạc cả. Mấy đứa nhỏ ngoài cửa cũng hết ê a. Chỉ còn bé gái duy nhất đứng ngoài cửa, giọng vẫn lảnh lót hát theo tiếng piano dần một khó hơn của người thầy, đến hợp âm cuối cùng.
Thầy giáo lặng người rồi tiến về phía cửa. Lũ trẻ sợ chạy tán loạn. Cuối cùng thầy thanh nhạc cũng tìm ra được Kiều Trang. Thầy mang câu chuyện nói trên trao đổi với đồng nghiệp dạy Piano và quyết định gửi cô bé đến chỗ người bạn của mình, nghệ sỹ Opera nổi tiếng Thomas Seyfarth, nhà hát Komiker Oper Berlin. Các nghệ sỹ ở đây lập tức thẩm định giọng của cô học trò nhỏ. Quả nhiên ngay lần đầu, giọng hát thiên bẩm của Kiều Trang đã lọt vào các đôi tai lão luyện của các nghệ sỹ lớn. Ông Thomas Seyfarth chẳng những nhận Kiều Trang làm học trò mà còn muốn đào tạo cô bé trở thành một nghệ sỹ hát Opera Solo thật sự cho tương lai. Từ đó Kiều Trang theo ông luyện tập ở nhà hát mỗi chủ nhật hàng tuần.
Một đứa trẻ 11 tuổi đột ngột đổi hướng sang một con đường đầy thử thách là cực kì hiếm hoi, bởi người hát Opera ở châu Âu hàng năm được chọn đếm trên đầu ngón tay, cũng giống như ở Việt Nam hiếm khi chọn được một kỳ nương nhí theo nghiệp ả đào.
Năm 2013, khi Kiều Trang 14 tuổi, châu Âu mở cuộc thi tranh tài “The Voice Kids Gemany“ với dòng nhạc Pop. Vậy mà ngay từ đầu khi Kiều Trang mang chất giọng Opera của mình qua các ca khúc cổ điển đến với cuộc thi chẳng những được ban giám khảo đánh giá cao mà họ còn xem đó như điểm nổi bật của cuộc thi. Đến mức ở vòng giấu mặt, ban giám khảo đã thuyết phục Kiều Trang tiếp tục chọn hát Opera và xem đó như “Hight Light“ của vòng thi.
Khi đã lọt vào TOP 12, ở vòng tiếp theo, ban tổ chức yêu cầu Kiều Trang hát lại bài Opera mà cô đã thể hiện thành công ở vòng đấu loại. Nhưng Kiều Trang lại muốn hát một ca khúc nhạc Pop, chỉ hát nhạc Pop cô mới có cơ hội đi tiếp. Không được chấp nhận, cô bé hiểu, cuộc chơi với mình sẽ kết thúc ở đây. Quả nhiên, dù được khán giả vỗ tay nồng nhiệt, cô vẫn phải rời cuộc chơi. Đã không chiến thắng ở vòng cuối, nhưng trong lòng những người hâm mộ, những người tổ chức sự kiện và các nhà sản xuất âm nhạc, cái tên Kiều Trang như một nốt son gắn cô bé 14 tuổi với dòng nhạc cổ điển. Và Opera với Kiều Trang quả đã như một duyên nghiệp.
Sau lần biểu diễn thành công ở Gala của UNICEF tại Düsseldorf tháng 12/2013, Kiều Trang được nhiều người trong giới âm nhạc cổ điển để ý. Đặc biệt là Giáo sư Friedrich-Wilhelm Tebble, giảng viên thanh nhạc, nhạc viện Hanover. Cảm mến giọng hát của Kiều Trang, ông muốn giới thiệu Kiều Trang tại Hanover với đồng nghiệp, đồng thời cũng là cấp trên của mình.Thế là cả nhà lại lên đường đến Hanover để Kiều Trang được thẩm định lại giọng của mình thêm một lần nữa.
Tại đây Kiều Trang đã gặp Giáo sư Tiến sỹ Chalotte Lehmann. Bà là ca sỹ hát giọng cao Sopran nổi tiếng, đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế, đã lưu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bà còn thu hình, ghi băng cho nhiều chương trình nổi tiếng về ca nhạc cổ điển. Từ năm 1994 đến năm 2000 bà giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng giáo viên thanh nhạc của toàn liên bang Đức và cho đến nay bà vẫn giữ chức Chủ tịch danh dự của Hội đồng giáo viên thanh nhạc này. Ngoài ra bà còn là Chủ tịch Ban giám khảo hội đồng chấm thi các cuộc thi thanh nhạc toàn liên bang. Hiện nay bà mở các khóa đào tạo nâng cao cho các ca sỹ đã thành danh và bồi dưỡng các tài năng trẻ. Rất nhiều học sinh của bà đã trở thành những nghệ sỹ có tên tuổi .
Sau khi nghe Kiều Trang hát thử, Chalotte Lehmann nhận thấy ở những nốt trầm, Kiều Trang thể hiện vẫn còn đuối. Bà tranh thủ hướng dẫn cô bé một động tác kỹ thuật lấy hơi để từ từ có thể khắc phục khiếm khuyết đó. Rồi bà đi dạy tiếp một học sinh khác, hẹn 45 phút sau quay trở lại. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, Kiều Trang dồn tâm lực để tập. Khi bà giáo sư quay lại, yêu cầu Kiều Trang hát lại ca khúc mà lúc trước cô bé đã hát với sự vận dụng kỹ thuật mà bà vừa hướng dẫn. Thật không ngờ chỉ trong vòng 45 phút tự luyện tập, Kiều Trang đã thành thục kỹ thuật mới và khắc phục được những khiếm khuyết đã mắc lúc trước, điều mà lẽ ra phải luyện tập trong 3 tháng.
Bà ngạc nhiên hỏi, cháu có tập khí công không? Cô bé lúc đó mới bẽn lẽn khoe mình được tập Kung fu từ năm 6 tuổi, đến năm 12 tuổi cô đã đạt nhị đẳng huyền đai và đã hai lần vô địch châu Âu trong khuôn khổ độ tuổi và môn phái. Chính nhờ được luyện tập khí công mà cô đã rút ngắn tối đa thời gian luyện tập.
Khâm phục khả năng của cô bé, Chalotte Lehmann quyết định nhận Kiều Trang vào khóa học đặc biệt dành cho tài năng trẻ. Bắt đầu từ đó, mỗi tuần một lần, sau giờ học văn hóa ở trường, Kiều Trang lại một mình lặn lội tàu xe quãng đường 300 cây số từ Berlin đến Hanover và ngược lại, mất 7 tiếng đồng hồ, trong mọi điều kiện thời tiết, chỉ để được bà giáo sư luyện kỹ thuật thanh nhạc trong một tiết học, vẻn vẹn 45 phút đồng hồ.
Từ khi Kiều Trang học bà giáo sư Chalotte Lehmann đến nay, mới ngót nghét 5 tháng nhưng kỹ thuật và nội lực trong giọng hát của cô đã có những tiến bộ vượt bậc, để cô có dịp tỏa sáng trên sân khấu của Gala UNICEF tại Köln hồi tháng 11 vừa rồi. Quả nhiên những nỗ lực phi thường, những vất vả mà cô nếm trải cuối cùng cũng được đền bù xứng đáng bằng sự ngưỡng mộ cả ngàn khán giả.
Ngoài ca hát và học văn hóa tại trường chuyên, Kiều Trang còn tự sáng tác và phổ nhạc rất nhiều bài hát của mình, đưa lên Youtube và các mạng XH khác cho mọi người thưởng thức.
Cái nôi từ văn hóa gốc ở gia đình
Mẹ Kiều Trang là người Đức, vốn yêu âm nhạc. Giấc mơ thời con gái của chị là trở thành nghệ sỹ dương cầm. Nhưng do một tai nạn rủi ro những ngón tay của chị không thể lướt trên phím đàn như mong muốn, bao nhiêu khát vọng chị dồn hết vào con.
Là mẹ, lại là người nghiên cứu lịch sử Á đông và hiểu biết tiếng Việt, chị biết con mình có năng khiếu. Nhưng với tư cách là nhà giáo chị hiểu năng khiếu chỉ có thể trở thành tài năng nếu như con mình gặp được thầy giỏi và bản thân phải chăm chỉ rèn giũa. Chị quan tâm việc học hành, luyện tập của con ngay từ nhỏ. Và bây giờ dù con đã lớn, đã có tiếng tăm sau những cuộc thi nhưng chị vẫn bên con luyện tập hàng ngày. Kiều Trang giờ đã quen, dù bất luận trường hợp nào trước khi đi ngủ cô bé cũng phải hát tặng mẹ ba bài. Có thế mẹ mới ngủ ngon. Mẹ nói với cô như vậy và nhìn ánh mắt của mẹ hàng đêm khi nghe cô hát, cô cũng tin thế.
Bố Kiều Trang là người Hà Nội gốc, hơn hai mươi năm làm cho hãng Kinoton, Đức. Vì bố là kỹ sư âm thanh nên Kiều Trang luôn xem bố là người khán giả khó tính nhất, người giúp cô thẩm định những ca khúc mà cô mới tập. Kiều Trang luôn biết ơn bố mẹ vì họ chính là người chắp cánh cho những ước mơ ca hát của cô càng bay xa.
Còn một người nữa trong gia đình rất có ảnh hưởng đến cô bé mặc dù cô chỉ được gặp duy nhất một lần trong đời lúc 2 tuổi. Đấy là ông nội, NSƯT, nhà quay phim Phạm Ngọc Lan, người đã dành được rất nhiều giải thưởng trong nước và Quốc tế cho những phim mình quay như Mẹ vắng nhà, Ngọn đèn trong mơ, Khi đàn chim trở về... Lúc 2 tuổi cô bé theo bố mẹ về thăm ông. Trẻ lên 2 nào đã biết nói, chỉ ư a như trò chuyện mỗi khi được ông nội bế. Nhưng bằng linh cảm, chỉ qua những âm thanh vô nghĩa từ miệng trẻ lên 2, mà ông đã tiên đoán cháu nội mình, có tài năng thiên bẩm hơn người. Quả nhiên, những tiên lượng đầy linh cảm đó giờ đã thành sự thật. Còn cô bé cũng luôn nhớ đến người ông nội đã đi xa. Mỗi khi thành công hay mỗi lần có tâm sự, có điều mình mong muốn, cô đều thắp hương trước bàn thờ ông, rồi trò chuyện như ông nội đang hiển hiện trước mặt mình.
Vĩ thanh
Phạm Kiều Trang, một cái tên hoàn toàn thuần Việt dù cô mang trong mình chỉ nửa phần dòng máu Việt. Ở bất cứ chương trình biểu diễn dù tầm cỡ quốc gia hay quốc tế, cái tên thuần Việt đó khiến những người làm chương trình không thể không đề thêm dưới tên cô hai chữ Việt Nam. Cô đã làm rạng danh cho nước Việt, khi tất cả các quảng cáo của cô trên nước Đức phát hành, người ta đều đề tên cô tiếp sau là hai từ Việt Nam được viết hoa.
Khi viết đến những dòng cuối cho bài viết này, tôi bỗng nhớ đến hình ảnh của Kiều Trang trên sân khấu Lễ hội văn hóa Việt Nam được tổ chức năm ngoái trên một hòn đảo tuyệt đẹp tại Potsdam, Đức có tên đảo Hữu Nghị. Trên sân khấu hôm ấy đã vút lên thanh âm vời vợi, trong vắt của một cô gái 14 tuổi . Tất cả mọi hoạt động như đột ngột ngừng lại và tất cả ngước nhìn lên. Một thiếu nữ với hình hài châu Âu trong tà áo dài Việt Nam và mái tóc dài rất Việt Nam bay thướt tha trong gió. Cô đang hát với tất cả nội lực và trái tim. Hình ảnh ấy, thanh âm ấy là kết quả hai dòng máu Đức – Việt yêu thương hòa trộn tạo thành./.
Theo VOV