Phân bón nhập từ Trung Quốc tăng cao

29/08/2013 16:43

Theo Bộ Công thương, hiện nay một số loại phân bón chúng ta đã chủ động sản xuất được như urê, NPK, các mặt hàng còn lại như kali, SA, MAP... chúng ta vẫn phải NK 100% để phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước.


Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, NK phân bón tháng 7 của cả nước với 505,5 ngàn tấn, trị giá 179 triệu USD, tăng 15,4% về lượng và tăng 7,5% về trị giá so với tháng 6/2013, nâng lượng phân bón NK trong 7 tháng đầu năm lên 2,4 triệu tấn, trị giá 968,1 triệu USD, tăng 25,27% về lượng và tăng 12,06% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012.




(ảnh minh họa)
Theo số liệu của Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công thương), trong những năm qua, mặt hàng phân bón được NK chủ yếu từ Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới Việt - Trung. Trong đó, cửa khẩu phụ Bản Vược (Bát Xát - Lào Cai) chiếm hơn 90% lượng phân bón NK theo đường biên mậu, chủ yếu là phân DAP, urê và một số loại trong nước chưa SX được như MAP, SA, Kali.


Lượng phân bón NK biên mậu qua từng năm cũng tăng đáng kể. Nếu như 2010 chỉ có 80.000 tấn thì 2011 tăng lên 362.000 tấn, sang đến 2012 đạt 560.000 tấn. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan thì 7 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã NK phân bón từ thị trường Trung Quốc 1,2 triệu tấn, chiếm 46,3% thị phần với trị giá 418,1 triệu USD, tăng 14,31% về lượng nhưng lại giảm 0,6% về trị giá.


Đứng thứ 2 sau Trung Quốc là Philippin, với 217,3 ngàn tấn, trị giá 102,8 triệu USD tăng 32,31% về lượng và tăng 29,45% về trị giá so cùng kỳ. Nhìn chung, 7 tháng đầu năm NK phân bón từ các thị trường đều tăng trưởng về lượng, số thị trường giảm chỉ chiếm 28,5%, bao gồm các thị trường: Nhật Bản (giảm 8,67%); Đài Loan (giảm 12,2%); Ấn Độ (giảm 7,96%) và Hoa Kỳ (giảm 9,65%).


Đáng chú ý, tuy NK phân bón từ thị trường Thái Lan chỉ 4,5 ngàn tấn, trị giá 4,6 triệu USD nhưng lại là thị trường có sự tăng trưởng vượt bậc, tăng 124,39% về lượng và tăng 104,87% về trị giá so với 7 tháng năm 2012.


Theo NNVN - HV

Mới nhất
x
Phân bón nhập từ Trung Quốc tăng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO