Phân cấp quản lý tài chính nhà nước

28/09/2015 14:07

(Baonghean) - LTS: Ở nước ta, việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc lại tài chính nhà nước (TCNN) và đầu tư từ TCNN đóng vai trò quan trọng. Nền tài chính quốc gia cũng đã và đang đổi mới khá sâu sắc, đặt ra yêu cầu tiếp tục phân cấp quản lý, phân cấp trách nhiệm. PGS,TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam trao đổi với Báo Nghệ An xung quanh vấn đề này.

Giao dịch tại Kho bạc Nhà nước Quỳ Hợp. Ảnh: Đặng Cường
Giao dịch tại Kho bạc Nhà nước Quỳ Hợp. Ảnh: Đặng Cường

P.V: Thưa PGS.TS Đặng Văn Thanh, theo ông, tại sao chúng ta phải tiếp tục đổi mới phân cấp quản lý TCNN và NSNN?

PGS.TS Đặng Văn Thanh: Trước hết, cần phải khẳng định rằng, chính thực tế hoạt động KT - XH đã đặt ra đòi hỏi phải đổi mới, tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về TCNN, về NSNN, về quản lý NS, nhằm phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý, thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách (TC-NS) trong lĩnh vực và trên địa bàn. Những năm qua, chúng ta đã có nhiều giải pháp tích cực, cụ thể để đổi mới, tăng cường phân cấp quản lý TCNN giữa các cấp, giữa Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, quá trình đổi mới, phân cấp quản lý TC - NS xét về tổng thể vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi bức xúc của thực tiễn và còn nhiều hạn chế, bất hợp lý. Theo đó, sự phân cấp nhưng chưa bảo đảm quản lý thống nhất, còn có biểu hiện phân tán. Thẩm quyền quyết định NS còn chồng chéo, chưa tạo điều kiện cho địa phương thực sự làm chủ NS của mình.

Hai là, chúng ta chưa phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ thẩm quyền trách nhiệm của mỗi cấp trong ban hành chế độ chính sách, tiêu chuẩn, định mức chi NSNN. Theo quy định, việc ban hành các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do các cơ quan có thẩm quyền thuộc cấp Trung ương ban hành. Nhưng trong thực tế, quy định của các cơ quan Trung ương lại không đầy đủ về nội dung, nhiều quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn chưa bao quát được tất cả các lĩnh vực, không thật sát thực tế, tính khả thi không cao, địa phương khó thực hiện; có quy định phù hợp với địa phương này nhưng lại không phù hợp với địa phương khác.

Ba là, phân cấp về nguồn thu, nhiệm vụ chi còn nhiều hạn chế. Giữa các cấp NS hiện có trên 10 khoản thu phân chia. Nhìn chung, nguồn thu của phần lớn các địa phương nhỏ và thấp so với nhiệm vụ chi, nên chưa phát huy được quyền chủ động, tính sáng tạo của các địa phương. Bên cạnh đó, nguồn thu và nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương (NSĐP) được xác định và giao ổn định từ 3 - 5 năm, song thực tế chưa đạt được sự ổn định này.

Về nhiệm vụ chi, trong điều kiện nguồn lực tài chính quốc gia còn hạn chế, việc tập trung nguồn lực về ngân sách Trung ương (NSTW) là cần thiết, song vẫn thể hiện sự ôm đồm, bao biện, gây hạn chế sự năng động, tích cực của địa phương. Nhiều địa phương có điều kiện khó khăn, chưa phát huy mạnh nội lực, các tiềm năng phát triển kinh tế, phát triển nguồn thu nhưng chưa tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng, chưa chủ động bố trí NS, còn trông chờ sự hỗ trợ từ NS cấp trên. Tình trạng sử dụng ngân sách vượt quá khả năng, lãng phí còn lớn.

Bốn là, thẩm quyền quyết định tỷ lệ phân chia và số bổ sung NSNN chưa rõ ràng, rành mạch. Có nhiều tiêu chí và tiêu thức phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển cho địa phương chưa thật sự hợp lý. Hơn nữa tình trạng chạy dự án từ các nguồn vốn, nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước dẫn đến những bất bình đẳng và sự thiếu công bằng minh bạch trong đầu tư.

P.V: Vậy đâu là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên, thưa PGS.TS?

PGS. TS Đặng Văn Thanh: Những hạn chế, bất cập trên đây do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do nhận thức, quan điểm về các chủ trương, giải pháp phân cấp quản lý tài chính còn chưa rành mạch, thiếu nhất quán, trách nhiệm, thẩm quyền còn chồng chéo, ngại phân cấp mạnh. Phân cấp quản lý nhà nước còn chia cắt. Do đó, quan hệ giữa chi đầu tư và chi thường xuyên trong phạm vi cả nước cũng như từng ngành, từng địa phương không tối ưu, thiếu hợp lý; hiệu quả đầu tư và sử dụng vốn đầu tư thấp. Ngoài ra, trong tổ chức chỉ đạo còn lúng túng, thiếu quyết tâm, chưa chú trọng tổng kết đánh giá thực tiễn để rút kinh nghiệm. Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ.

Chính thực tế đó đã đặt ra yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý TCNN, phân cấp quản lý NSNN.

P.V: Và các giải pháp quan trọng chúng ta cần phải làm là gì?

PGS.TS Đặng Văn Thanh: Mục tiêu đổi mới phân cấp quản lý NSNN trong giai đoạn tới là phải tăng quyền chủ động, trách nhiệm của địa phương và các bộ, ngành trong việc quản lý TC-NS, đặc biệt là thực hiện chế độ trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách. Để đạt được mục tiêu, chúng ta cần bám sát nguyên tắc, quan điểm, mục tiêu phân cấp quản lý NSNN và những nội dung của Luật NSNN 2015 có hiệu lực thi hành từ năm NS 2017.

Theo đó, phải phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương trong quyết định NS. Quốc hội quyết định dự toán NSNN với tổng số thu, tổng số chi, mức bội chi NSNN và nguồn bù đắp; quyết định phân bổ NSTW về tổng số và mức chi cho từng lĩnh vực; mức bổ sung từ NSTW cho ngân sách từng địa phương. HĐND quyết định dự toán thu NSNN trên địa bàn, dự toán thu, chi NSĐP và mức bổ sung cho NS cấp dưới. Thực hiện như trên sẽ khắc phục đáng kể sự chồng chéo về quyền quyết định dự toán NS giữa Quốc hội với HĐND, giữa HĐND cấp trên với HĐND cấp dưới. Đồng thời, sẽ bảo đảm tính tập trung thống nhất của NSNN, phát huy mạnh tính chủ động, tích cực của chính quyền địa phương các cấp trong lĩnh vực quản lý NSNN.

Tiếp theo, đẩy mạnh phân cấp quyền quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo hướng: loại nào nhất thiết phải thi hành thống nhất trong cả nước để bảo đảm công bằng, bình đẳng thì Trung ương ban hành; loại nào có thể cho địa phương vận dụng thì Trung ương ban hành khung; loại nào chỉ thực hiện do đặc điểm riêng có ở địa phương thì giao HĐND cấp tỉnh ban hành. Ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Trung ương ban hành, HĐND cấp tỉnh được ban hành một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi NS, phù hợp với đặc điểm thực tiễn và khả năng NS của địa phương sau khi được Bộ Tài chính thống nhất bằng văn bản.

Ngoài ra, cần phân định lại nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa NSTW và NSĐP, vừa bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW, đồng thời tăng cường phân cấp cho địa phương theo hướng tăng nguồn thu cho NSĐP, tạo cơ chế khuyến khích các địa phương chăm lo đầu tư phát triển KT-XH, nhất là địa phương vùng động lực, nhằm bồi dưỡng nguồn thu, chống thất thu, thực hành tiết kiệm để tự cân đối NS và tăng đóng góp cho NSTW. Những địa phương đang tự cân đối và có đóng góp cho NSTW thì phấn đấu để đóng góp được nhiều hơn; những địa phương chưa cân đối được NS thì phấn đấu để tự cân đối và có đóng góp cho NSTW; những địa phương khó khăn, chưa cân đối được NS, phấn đấu giảm dần mức hỗ trợ của NSTW.

Đồng thời, tăng nguồn lực ở NSTW để tăng bổ sung có mục tiêu phát triển hạ tầng, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng hỗ trợ phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa khó khăn. Bảo đảm việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi theo nguyên tắc, các khoản thu gắn trực tiếp với công tác quản lý của cấp nào cấp đó được hưởng. Bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW và tăng cường nguồn thu cho NSĐP để chủ động xử lý các nhiệm vụ chi gắn với địa phương. Khuyến khích tính chủ động của địa phương, phấn đấu giảm số bổ sung từ NSTW cho NSĐP.

Thêm vào đó, cần thận trọng và có sự giám sát chặt chẽ bội chi NS cấp tỉnh của tổng địa phương, tránh tình trạng dồn gánh nặng cho nền kinh tế. Nhà nước TW cần có sự kiểm soát mức bội chi và nguồn bù đắp bội chi của NS cấp tỉnh. Cần phân công rành mạch trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và quản lý các quỹ tài chính tiền tệ của nhà nước. Ngân hàng Nhà nước tham gia với Bộ Tài chính trong việc xây dựng dự toán ngân sách và phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện vay bù đắp thiếu hụt NS. Phân định và xác định rõ ràng, rành mạch trách nhiệm của ngành Tài chính trong việc quản lý các quỹ tài chính nhà nước và nguồn phát hành. Dự trữ ngoại hối là dự trữ quốc gia của Chính phủ, cần phải quản lý tập trung.

Về phân cấp trong lĩnh vực chấp hành NS, được thực hiện thông qua sự phối hợp của 3 cơ quan: cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản và Kho bạc Nhà nước (KBNN). Để bảo đảm quyền chủ động thực sự của đơn vị sử dụng NS, nâng cao trách nhiệm của đơn vị cũng như KBNN cần tuân thủ quy trình chi mới, theo đó dự toán NSNN được giao là khuôn khổ pháp lý cao nhất, việc thực hiện dự toán chỉ là quan hệ giữa thủ trưởng đơn vị (người chuẩn chi) và KBNN (người kiểm soát chi). KBNN là trung tâm xử lý thông tin và tổ chức hạch toán NSNN, quỹ NSNN và hạch toán ngân quỹ quốc gia. Rõ ràng, phân định rõ quyền và trách nhiệm quản lý và sử dụng NSNN của các cấp là nội dung cơ bản của phân cấp quản lý tài chính, quản lý NSNN.

P.V: Xin cảm ơn PGS.TS!

Sông Hồng (Thực hiện)

Mới nhất
x
Phân cấp quản lý tài chính nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO