Phấn đấu trở thành trường trọng điểm Quốc gia

29/05/2015 09:09

(Baonghean) - 55 năm qua, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (SPKT) Vinh có bước phát triển mạnh mẽ, tạo những tiền đề để thực hiện mục tiêu xây dựng thành trường đại học SPKT trọng điểm quốc gia. Trước thềm Đại hội Đảng bộ trường khóa XXV, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Thị Minh Phương, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường.

Thực hành bộ môn tự động hóa của sinh viên khoa Điện.
Thực hành bộ môn tự động hóa của sinh viên khoa Điện.

Phóng viên: Tiến sỹ cho biết những kết quả nổi bật mà nhà trường đã đạt được trong thời gian qua?

TS. Hoàng Thị Minh Phương: Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Trường Đại học SPKT Vinh đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ trường, vì vậy đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Về đào tạo: Trường tiếp tục mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, tập trung vào chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng đào tạo theo nhu cầu xã hội. Hiện nay, quy mô của trường đào tạo khoảng 8.000 sinh viên với 2 ngành thạc sĩ, 10 ngành đại học, 12 ngành cao đẳng và 17 nghề trình độ cao đẳng nghề. Trong đó, trường được đầu tư đào tạo giáo viên dạy nghề (GVDN) trọng điểm quốc tế cho các ngành: Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ ô tô, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông; 5 ngành trọng điểm khu vực ASEAN: Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật cơ khí, Công nghệ hàn, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật máy lạnh; còn lại là các ngành trọng điểm quốc gia.

Hầu hết, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đều tìm kiếm và tự tạo được việc làm có thu nhập ổn định, nhiều người đã trở thành những nhà quản lý, giáo viên dạy nghề giỏi, cán bộ kỹ thuật có uy tín trong các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp.

Năm 2014, Trường Đại học SPKT Vinh bắt đầu đào tạo thạc sỹ với 2 ngành là Kỹ thuật điện và Kỹ thuật cơ khí. Hiện nay, trường đang hoàn thiện các thủ tục để được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức đào tạo thí điểm 3 ngành sư phạm kỹ thuật, đồng thời đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để đào tạo tiến sĩ vào năm 2020.

Về bồi dưỡng sư phạm, kỹ năng nghề và đánh giá kỹ năng nghề quốc gia: Trong nhiệm kỳ 2010-2015, trường đã bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho hàng nghìn giáo viên dạy nghề và kỹ năng nghề cho người lao động. Đến nay, trường có 5 chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, 18 chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghề. Ngoài ra, trường còn tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dạy nghề cho CBQL dạy nghề, tin học, ngoại ngữ cho nhân lực tham gia xuất khẩu lao động.

Từ năm 2012, trường được Tổng cục Dạy nghề cho phép tổ chức đánh giá kỹ năng nghề đối với 6 nghề: Điện công nghiệp; Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm); Công nghệ ô tô; Cắt gọt kim loại; Công nghệ hàn; Điện tử công nghiệp từ bậc 1 đến bậc 4 theo thang 5 bậc kỹ năng nghề quốc gia cho GVDN và người lao động. Năm 2013 - 2014, trường đã đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các GVDN của Lào và nhiều sinh viên Lào sang học tập tại trường. Đây là một bước phát triển mới trong hợp tác quốc tế, khẳng định chất lượng, uy tín đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Từ tháng 10/2014, trường được phép tổ chức đánh giá kỹ năng tiếng Nhật cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản.

Về công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và cung ứng lao động: Trường Đại học SPKT Vinh là cơ sở nghiên cứu có chất lượng về khoa học giáo dục nghề nghiệp và khoa học kỹ thuật. Nhà trường đã thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp trường và cấp Bộ. Các kết quả NCKH đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo. Trường cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo và NCKH. Các giảng viên của trường tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế. Hàng chục lượt giảng viên trẻ, sinh viên xuất sắc được cử đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài. Trường đang hợp tác với một số trường của Cộng hòa Séc, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Úc... để trao đổi sinh viên. Hợp tác với Hội đồng Anh, tổ chức City & Guilds và Trường Westminster Kingsway College để thành lập trung tâm đánh giá kỹ năng nghề đạt chuẩn quốc tế.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với thực tế sản xuất, nhà trường đã liên kết với các doanh nghiệp và các viện nghiên cứu như: Tập đoàn Hồng Hải (Foxcon); Tập đoàn Fosmosa; Công ty TOYOTA; Tổng công ty lắp máy (LILAMA); Tổng công ty Sông Đà; Tổng công ty lắp máy 451, TP Hồ Chí Minh, Thủy điện Bản Vẽ... để sử dụng những thiết bị mới, công nghệ và tổ chức quản lý sản xuất tiên tiến phục vụ cho thực hành và thí nghiệm của sinh viên.

Về phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý: Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu luôn xác định nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên là một trong những giải pháp then chốt, đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường. Vì vậy, trong suốt nhiệm kỳ, trường dành mọi điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng đội ngũ. Hiện nay, đội ngũ giảng viên của trường trên 320 người, ngoài ra còn đội ngũ giảng viên thỉnh giảng từ các trường đại học, viện nghiên cứu và những cán bộ khoa học kỹ thuật đang công tác tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hơn 85% giảng viên có trình độ sau đại học với 1 phó giáo sư; 21 tiến sỹ; 18 người đang làm nghiên cứu sinh. Trong đó, 30% giảng viên tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành nghề có trình độ kỹ năng nghề từ bậc 5/7 đến bậc 7/7. Có 8 giảng viên được đào tạo bậc 2 về sư phạm quốc tế, 6 giảng viên đã hoàn thành giai đoạn 2 về đào tạo đánh giá viên kỹ năng nghề trình độ quốc tế.

Về cơ sở vật chất: Trường Đại học SPKT Vinh có không gian rộng, quy hoạch tập trung, tổng thể là 50ha, với cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư ngày càng đồng bộ và hiện đại, có đầy đủ phòng thí nghiệm, phòng thực hành, phòng làm việc…

Với những thành tích đã đạt được trong 55 năm xây dựng và phát triển, trường vinh dự được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1985), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1990), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1995), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2004), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2010). Nhiều năm liền trường tiếp tục được nhận Cờ thi đua của xuất sắc của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ.

Ban Giám hiệu nhà trường làm việc với Công ty Fosmosa (Hà Tĩnh) về hợp tác đào tạo và cung ứng lao động. Ảnh: Sỹ Minh
Ban Giám hiệu nhà trường làm việc với Công ty Fosmosa (Hà Tĩnh) về hợp tác đào tạo và cung ứng lao động. Ảnh: Sỹ Minh

Phóng viên: Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Trường Đại học SPKT Vinh trở thành Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật trọng điểm quốc gia, Tiến sỹ có thể cho biết những giải pháp triển khai trong thời gian tới?

TS. Hoàng Thị Minh Phương: Để tạo bước đột phá và phát triển, Trường Đại học SPKT Vinh đang xây dựng đề án, phấn đấu để được Chính phủ đưa vào danh sách được đầu tư xây dựng thành trường đại học SPKT trọng điểm quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW). Trước mắt, chúng tôi sẽ phát huy truyền thống và thế mạnh để đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề theo “Chiến lược phát triển dạy nghề 2011 - 2020” đặc biệt là giáo viên dạy các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao ở các ngành kỹ thuật và công nghệ, kinh tế đáp ứng nhu cầu nhân lực cho tỉnh Nghệ An nói riêng và của cả nước nói chung. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện tốt những định hướng, giải pháp cơ bản sau:

- Đổi mới căn bản mô hình, phương thức, chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng thực hành - ứng dụng, gắn đào tạo của trường với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực giáo viên dạy nghề, nhân lực kỹ thuật - công nghệ của khu vực miền Trung và của cả nước.

- Phát triển các ngành đào tạo trình độ thạc sỹ sư phạm kỹ thuật, kỹ thuật phù hợp với thế mạnh của nhà trường và nhu cầu của xã hội, tích cực chuẩn bị điều kiện về chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất để đào tạo trình độ tiến sĩ vào năm 2020.

- Phát triển các tiêu chuẩn trong đào tạo nghề, đào tạo kỹ sư thực hành, đào tạo giáo viên dạy nghề, từng bước tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế. Trước hết là hợp tác với Hội đồng Anh, tổ chức City&Guilds của Vương quốc Anh để triển khai đề án xây dựng trung tâm đánh giá giáo viên (kỹ năng nghề và sư phạm nghề) đạt chuẩn quốc tế.

- Đổi mới hệ thống quản lý theo tiếp cận chất lượng, số lượng và hiệu quả sản phẩm đầu ra. Duy trì và tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy trình quản lý chất lượng theo ISO 9001:2008. Kiểm soát chặt chẽ các khâu trong đào tạo để hướng tới mục tiêu chất lượng.

- Phát triển đội ngũ CBQL, GV đủ số lượng, đạt chuẩn về chất lượng, đảm bảo về cơ cấu trình độ, có đạo đức, tâm huyết với sự nghiệp phát triển của nhà trường. Xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và trọng dụng nhân tài; xây dựng văn hóa chất lượng và phát triển môi trường học thuật theo tiêu chuẩn trường đại học.

- Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế.Thực hiện các giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả NCKH, gắn NCKH với nâng cao chất lượng đào tạo và chuyển giao công nghệ. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học để tận dụng các nguồn lực và nâng cao trình độ đào tạo.

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chiều sâu, có trọng tâm trọng điểm. Ưu tiên đầu tư thiết bị dạy học cho một số nghề, một số xưởng thực hành, phòng thí nghiệm, thư viện điện tử đạt chuẩn.

Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sỹ!

P.V (Thực hiện)

Phấn đấu trở thành trường trọng điểm Quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO