Phấn đấu xây dựng Anh Sơn phát triển nhanh và bền vững, khẳng định vị thế tốp đầu các huyện miền núi của tỉnh

Nguyễn Hữu Sáng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện 09/06/2023 12:09

(Baonghean.vn) - Với điều kiện địa lý, thiên nhiên hùng vĩ và kỳ thú, đất Anh Sơn sớm đi vào thi phú của tiền nhân với những áng văn trác tuyệt; đây cũng là vùng “địa linh” dày dặn truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, góp một dấu son vào pho sử vàng đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Đất và người ở đây thực sự hòa quyện tạo dựng nên mảnh đất Anh Sơn đầy hào khí, vượt mọi thăng trầm để không ngừng vươn lên giành những thành quả như hôm nay.

Cảnh sắc vùng quê huyện Anh Sơn hai bên bờ sông Lam. Ảnh: TL Quang Dũng

200 năm danh xưng một vùng đất

Ngược về cội nguồn, Anh Sơn là nơi từ rất sớm đã có người Việt cổ đến khai sơn, phá thạch sinh sống, dấu tích còn in rõ tại di chỉ hang Đồng Trương (xã Hội Sơn), hang Bò (xã Hoa Sơn)... Thuở các Vua Hùng dựng nước, Anh Sơn vốn là phần đất thuộc bộ Việt Thường, 1 trong 15 bộ của đất Văn Lang. Trong thời kỳ chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, trải qua nhiều lần tách nhập, Anh Sơn thuộc các đơn vị hành chính khác nhau. Đến giai đoạn triều Nguyễn (1802-1945), phần đất của Anh Sơn ngày nay thuộc huyện Nam Đường, phủ Anh Đô. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), phủ Anh Đô lúc bấy giờ được đổi tên thành phủ Anh Sơn. Danh xưng Anh Sơn có từ ngày đó.

Đa dạng hệ thực vật vùng đệm rừng quốc gia Pù Mát. Ảnh: Quang Dũng

Khi mới ra đời, Anh Sơn là địa danh hành chính của một vùng đất rộng lớn bao gồm 5 huyện: Chân Lộc, Lương Sơn, Nam Đường, Thanh Chương và Hưng Nguyên (nay là các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và thành phố Vinh).

Không phải ngẫu nhiên mà các bậc tiền nhân đã chọn chữ "Anh Sơn" để thay thế chữ "Anh Đô". Theo từ điển Hán Việt của tác giả Thiều Chửu biên soạn, chữ "Anh" có nghĩa là cái đẹp nhất, tinh túy nhất, chữ “Sơn” là núi.

Anh Sơn là vùng đất có nhiều ngọn núi cao, nhiều tầng, nhiều vỉa, có dáng vóc đẹp cũng là hình ảnh tượng trưng cho hồn cốt, khí phách hào hùng của con người sinh ra và lớn lên ở nơi đây. Đó cũng là lý do mang tính cội nguồn văn hóa để tên gọi Anh Sơn ra đời năm 1822.

Nông thôn mới ở xã Long Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Quang Dũng

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính cấp tổng và phủ bị bãi bỏ để thành lập đơn vị hành chính cấp huyện và xã. Theo đó, huyện Anh Sơn được thành lập, gồm 20 xã, thuộc tổng Đặng Sơn và Lãng Điền (huyện Anh Sơn lúc này tương đương với 2 huyện Anh Sơn và Đô Lương hiện nay).

60 năm tách lập, xây dựng và phát triển

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, trong tiến trình phát triển, Anh Sơn đã qua nhiều lần thay đổi về địa giới, thể thức hành chính. Ngày 19/4/1963, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã ra Quyết định số 52/CP chia địa giới huyện Anh Sơn thành 2 huyện mới gồm Anh Sơn và Đô Lương để trở thành một Anh Sơn ổn định và phát triển như hiện nay.

Ngày mùa ở xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Quang Dũng

Khi mới tách lập có biết bao khó khăn chồng chất trước mắt, thì cuộc kháng chiến vệ quốc đã bùng nổ trên cả hai miền đất nước. Cùng với cả dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Anh Sơn đã trải qua những năm tháng gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt trong các cuộc kháng chiến trường kỳ.

Phát huy truyền thống “Dương Xuân bất khuất”, “Làng đỏ kiên cường”, Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện nhà đã vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa là hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến lớn. Nhiều phong trào được triển khai sâu rộng như “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”; phong trào “Tay cày, tay súng” trong nông dân, “Tay búa, tay súng” trong công nhân, “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, “Ba đảm đang” trong phụ nữ, “Ba giỏi” của các cụ phụ lão...; phong trào mở đất lập làng mới, đón hàng trăm hộ dân ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Thanh Chương lên xây dựng quê hương mới tại các xã Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn, Tam Sơn, Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Hội Sơn…

Qua các cuộc kháng chiến, đã có hơn 12.000 người con của quê hương lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trong đó hơn 2.000 người đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường; gần 3.000 thương, bệnh binh đã để lại nơi chiến trận một phần xương máu.

Với những đóng góp trong các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Anh Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huyện Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. 123 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 06 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân dân và Lực lượng vũ trang 3 xã Tường Sơn, Phúc Sơn, Lĩnh Sơn được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Vùng nguyên liệu chè ở xã Hùng Sơn. Ảnh: Quang Dũng

Sau chiến thắng 30/4/1975, hòa bình lập lại trên cả nước. Cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Anh Sơn bước vào đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (1975-1985) và công cuộc đổi mới (1986 đến nay). Lúc bấy giờ, Anh Sơn đang là một huyện nghèo, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật còn nhiều thiếu thốn; tình hình sản xuất kinh tế chủ yếu là thuần nông, canh tác lạc hậu, tự cung tự cấp, năng suất, sản lượng thấp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chưa có gì đáng kể; hệ thống giao thông bị chia cắt bởi sông ngòi, khe suối; văn hoá, giáo dục, y tế, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn...

Nhưng, với sự năng động, sáng tạo, kiên trì, dám nghĩ, dám làm, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Anh Sơn đã không ngừng phấn đấu, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, kiên định, vững vàng, vận dụng và thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn của địa phương, tạo những bước tiến vững chắc qua từng thời kỳ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Nhà máy sản xuất đường lỏng Glucose tại Anh Sơn. Ảnh: PV

Kinh tế huyện nhà liên tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến nay tỷ trọng nông nghiệp còn 29,99%, công nghiệp xây dựng đạt 33,04%, thương mại dịch vụ đạt 36,97%; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm; nhiều dự án có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến được triển khai; các hoạt động văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư đúng mức, đạt kết quả tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh Sơn đạt 8,6%; giá trị gia tăng bình quân đạt 43,7 triệu đồng/người/năm. Nông nghiệp tiếp tục có những bước phát triển mới theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, gắn với các nhà máy chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Công nghiệp, xây dựng tiếp tục phát triển; thương mại, dịch vụ được mở rộng và ngày càng đa dạng. Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, xây dựng kết cấu hạ tầng tiếp tục được chú trọng.

Trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh được quan tâm chỉ đạo sâu sát, thiết thực, tạo bước chuyển động rõ làm thay đổi cơ bản diện mạo quê hương bắt nhịp bước phát triển thời kỳ mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hứng khởi tiếp tục phấn đấu, chung tay đẩy mạnh sự nghiệp phát triển của huyện nhà. Toàn huyện nay có 14/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 70%). Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và thông tin tuyên truyền được tổ chức thực hiện tốt. Công tác y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình thường xuyên được chú trọng, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào khám, chữa bệnh.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Anh kiểm tra cơ sở sở vật chất phục vụ dạy học tại Trường Mầm non Khai Sơn. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Công tác an sinh xã hội, các cuộc vận động, quyên góp, ủng hộ vì người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được đẩy mạnh. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn 5,9%. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đã thường xuyên được quan tâm, chăm lo. Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với hệ thống chính trị tiếp tục có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Các phong trào thi đua, cuộc vận động tại địa phương, cơ quan, đơn vị được triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng.

“Tất cả vì quê hương Anh Sơn giàu đẹp”

Cầu treo ở Anh Sơn và làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Quang Dũng - Hoàng Vĩnh

Trong không khí phấn khởi hướng tới dịp kỷ niệm 200 năm Danh xưng Anh Sơn (1822-2022), 60 năm ngày tách lập huyện (1963-2023), thời gian qua, cùng với việc tổ chức nhiều hoạt động thi đua sôi nổi chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trên địa bàn huyện đã dấy lên phong trào thi đua “Tất cả vì quê hương Anh Sơn giàu đẹp”, từ đó đã có 501 công trình gắn biển chào mừng với giá trị 143,995 tỷ đồng; nông thôn mới tạo diện mạo mới, đô thị văn minh tiếp tục được xây dựng, tô điểm khang trang.

Nhân dịp kỷ niệm 200 năm Danh xưng Anh Sơn, 60 năm ngày tách lập huyện, ngày 23/02/2023, Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã có Quyết định số 150-QĐ/CTN về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Anh Sơn “Đã có thành tích xuất sắc trong việc phát triển kinh tế, xã hội, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy mạnh đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào, nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Tinh thần “Tất cả vì quê hương Anh Sơn giàu đẹp” trong dịp trọng đại này của địa phương, những thành quả hiện hữu trên quê hương Anh Sơn cũng là chứa đựng hào khí đất và người luôn biết vươn lên từ kết tinh của truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng; sự đoàn kết thống nhất cao; năng động, sáng tạo, tâm huyết, nỗ lực phấn đấu của bao thế hệ cán bộ, đảng viên, của các tầng lớp nhân dân Anh Sơn trên mọi miền Tổ quốc và cả ở nước ngoài; là nền tảng tinh thần, nguồn động viên to lớn, tiền đề quan trọng để huyện nhà vững bước tiến lên trên chặng đường mới.

Áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp ở Anh Sơn. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Vinh dự và tự hào với truyền thống vẻ vang 200 năm Danh xưng Anh Sơn, 60 năm tách lập huyện, thế hệ hôm nay và mai sau luôn coi đó là tài sản vô giá, là cội nguồn của sức mạnh, là động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Anh Sơn tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn vì sự phát triển của huyện, hoàn thành cao nhất mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, bồi đắp niềm tin và đồng thuận trong Nhân dân; đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; đảm bảo quốc phòng, an ninh; khai thác tốt tiềm năng lợi thế của huyện để đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phấn đấu xây dựng Anh Sơn phát triển nhanh và bền vững, khẳng định vị thế tốp đầu các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đã đề ra.

Phấn đấu xây dựng Anh Sơn phát triển nhanh và bền vững, khẳng định vị thế tốp đầu các huyện miền núi của tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO