Phân luồng học sinh để hướng nghiệp, dạy nghề: Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt

31/07/2015 07:54

(Baonghean) - Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh THCS của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp và đạt được một số kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn phân luồng để hướng nghiệp và dạy nghề vẫn còn một số tồn tại cần tháo gỡ.

Những kết quả bước đầu

Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh, ngay từ năm 2010, tỉnh đã chỉ đạo triển khai khá nghiêm túc. Tại Thành phố Vinh, khoảng 3 năm gần đây, mỗi năm 1 lần, thành phố mời đại diện chính quyền địa phương, các trường THCS và các trường nghề để triển khai phân luồng kết hợp với một số nhiệm vụ của năm học. Sau khi có kết quả sơ kết học kỳ 1, ngành Giáo dục chỉ đạo các trường THCS định hướng cho học sinh khối lớp 9 có nguyện vọng theo học nghề. Trường THCS Lê Lợi, triển khai chủ trương phân luồng khá bài bản.

Thầy Võ Hoàng Ngọc, Hiệu trưởng trường cho biết: Cùng với huy động sự vào cuộc của chính quyền và tuyên truyền đến tận khối xóm, trường mời các giáo viên trường nghề đến tư vấn, giới thiệu ngành nghề cho các em; thường xuyên tổ chức gặp gỡ trao đổi với phụ huynh và học sinh. 2 năm nay, trường tổ chức cho các em đến trường dạy nghề thành phố để tham quan nhà xưởng, nghe giới thiệu về các nghề có triển vọng tìm được việc làm ổn định để học sinh lựa chọn. Với những giải pháp đồng bộ, bình quân mỗi năm, Thành phố Vinh phân luồng được 195 - 250 học sinh, đạt 9%.

Học sinh Trường Trung cấp nghề Bắc Nghệ An làm quen với thiết bị học nghề  điện công nghiệp.
Học sinh Trường Trung cấp nghề Bắc Nghệ An làm quen với thiết bị học nghề điện công nghiệp.

Tại Quỳnh Lưu, với lợi thế có Trường Trung cấp nghề Bắc Nghệ An đóng trên địa bàn cùng với các giải pháp triển khai khá đồng bộ, nên mỗi năm huyện phân luồng được 800 học sinh vào các trường nghề, đạt 20%. Về phía các trường nghề, ngoài trực tiếp tuyển sinh và tư vấn cho các em theo kế hoạch và chỉ tiêu, còn cử cán bộ phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục bám sát kế hoạch phân luồng để vận động các em theo học. Một trong những trường làm tốt việc tuyển sinh và định hướng nghề cho các em là Trường Trung cấp nghề công - nông nghiệp Yên Thành. Do kết hợp chặt chẽ với các nhà trường THCS trong việc tư vấn phân luồng cho học sinh nên năm nào trường cũng tuyển đủ và vượt chỉ tiêu. Năm học này, trong khi các trường đang “loay hoay” với bài toán đầu vào thì trường đã tuyển được 260/240 chỉ tiêu. Thầy Trần Văn Tuấn, Hiệu trưởng cho biết: Cùng với việc làm tốt công tác tuyển sinh, trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề nên thu hút nhiều học sinh đăng ký.

Thống kê cho thấy, từ năm 2010 đến 2015, trên địa bàn tỉnh có 20% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS được phân luồng vào các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề.

Những khó khăn cần khắc phục

Một điều dễ nhận thấy nhất là kết quả phân luồng học sinh vẫn chưa đạt yêu cầu. Theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Kế hoạch của UBND tỉnh, đến năm 2020, phấn đấu có 30% học sinh tốt nghiệp THCS được phân luồng chuyển sang học nghề, 70% học sinh học lên THPT; theo đó, hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh vào THPT sẽ giảm 5%. Tuy nhiên, xuất phát từ kết quả triển khai phân luồng thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng thực hiện được chỉ tiêu phân luồng trên là một việc cực kỳ khó khăn. Phân tích kỹ hơn các chỉ số cho thấy trong khi tỷ lệ học sinh thi vào THPT chưa giảm thì tỷ lệ học sinh thi vào các trường nghề (sau phân luồng) có xu hướng giảm dần.

Sở dĩ phân luồng chưa thực sự hiệu quả và học nghề chưa là giải pháp lựa chọn để “lập thân, lập nghiệp” của các học sinh là do tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ. Bên cạnh đó, điều đáng quan tâm là một số trường nghề vẫn trong tình trạng thiếu trang thiết bị và năng lực đội ngũ giáo viên bất cập nên chất lượng đào tạo chưa cao; các em sau khi theo học chưa hành nghề được; các trường chưa vươn lên đào tạo những nghề mà xã hội cần nên không thu hút được học sinh.

Vì phân luồng chưa triệt để nên tuyển sinh đầu vào của các trường dạy nghề khá khó khăn. Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Bắc Nghệ An, thầy Nguyễn Văn Tài cho biết: Các năm trước tuyển sinh đã khó, nay càng khó hơn do các trường THPT dân lập và tư thục được quyền xét tuyển nếu không đủ chỉ tiêu. Cũng trong tình trạng tương tự, thầy Lê Hùng Cường, Hiệu phó Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghệ An cho biết: “Chúng tôi đóng trên địa bàn Con Cuông, trường được tuyển sinh mấy huyện miền núi nhưng đến thời điểm này rất ít hồ sơ đăng ký vào học nghề”.

Bình quân mỗi năm, tỉnh ta đào tạo khoảng trên 10 ngàn chỉ tiêu từ sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng nên có thể khẳng định cơ hội trở thành lao động có tay nghề luôn rộng mở với các em. Thực tế cho thấy, trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, chưa tìm được việc làm, lãng phí, thì học sinh học nghề ra có thể kiếm được việc làm và sớm có thu nhập, thậm chí nhiều em chăm chỉ, sáng tạo đã trở thành những chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Th.s Nguyễn Duy Nam, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc cho biết: Mỗi năm trường tuyển trên 1.000 chỉ tiêu, chiếm 10% chỉ tiêu đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, học sinh của trường sau khi tốt nghiệp có 85 - 90% học sinh có việc làm, thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/tháng. Để nâng cao chất lượng đào tạo và tìm cơ hội việc làm cho các em, thời gian gần đây, ngoài đào tạo nhân lực chuẩn bị xuất khẩu lao động, trường còn đào tạo công nhân cho các khu công nghiệp lớn như Formousa (Hà Tĩnh), công nhân cho nước bạn Lào… Với trang thiết bị dạy nghề khá hiện đại, trường còn phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo theo địa chỉ hoặc đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho công nhân.

Theo Luật Giáo dục dạy nghề, từ tháng 6/2015, người học nghề được hưởng nhiều ưu đãi trong miễn giảm học phí. Cùng với việc một loạt các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp lớn vào địa bàn tỉnh, chắc chắn nhu cầu nhân lực kỹ thuật của tỉnh trong thời gian tới là rất lớn. Đây là cơ hội để lao động sau khi học nghề tìm kiếm việc làm, thu nhập. Tuy vậy, xuất phát từ thực tiễn chỉ đạo công tác phân luồng, cô Hoàng Phương Thảo, Phó phòng Giáo dục TP. Vinh cho rằng: Để kết quả phân luồng được vững chắc và đúng với lộ trình thì tỉnh cần có những kế hoạch, giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa.

Cùng với tích cực tuyên truyền để thay đổi nhận thức xã hội và nhất là các bậc phụ huynh, ngành Giáo dục cần mạnh dạn, quyết liệt trong phân bổ chỉ tiêu, sắp xếp lại quy hoạch mạng lưới các trường THPT vì mục tiêu phân luồng học sinh; sớm sát nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện với các trường trung cấp nghề để tập trung nguồn lực cho đào tạo nghề; ngành Lao động cần tham mưu để tăng định mức đầu tư cho đào tạo nghề, chỉ đạo các trường tích cực đổi mới chương trình, trang thiết bị thực hành, nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề; kêu gọi sự chung tay, liên kết của các doanh nghiệp và xã hội trong đào tạo nghề để thu hút, sử dụng và tôn vinh các lao động có tay nghề… Từ đó làm thay đổi nhận thức của học sinh trong việc chọn nghề để lập thân, lập nghiệp. Một yếu tố quan trọng nữa là các trường nghề phải chuyển đổi để đào tạo nghề mà thị trường cần; cùng đó, bám sát định hướng phát triển kinh tế của tỉnh để xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo nhân lực phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.

Nguyễn Hải

Mới nhất

x
Phân luồng học sinh để hướng nghiệp, dạy nghề: Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO