Phân luồng học sinh sau THCS: Còn bỏ ngỏ
Để tăng cường phân luồng học sinh sớm theo hướng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực, ngành GD&ĐT đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp và học nghề. Tuy nhiên, mục tiêu này đang bị “ách tắc”. Thực tế, phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đều học lên THPT hoặc bổ túc THPT. Điều đó cho thấy việc phân luồng học sinh sau THCS còn bị bỏ ngỏ.
(Baonghean) - Để tăng cường phân luồng học sinh sớm theo hướng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực, ngành GD&ĐT đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp và học nghề. Tuy nhiên, mục tiêu này đang bị “ách tắc”. Thực tế, phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đều học lên THPT hoặc bổ túc THPT. Điều đó cho thấy việc phân luồng học sinh sau THCS còn bị bỏ ngỏ.
Năm học 2011-2012, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (Hưng Nguyên) có 97% học sinh tốt nghiệp, 62% học sinh đậu vào các trường THPT, 38% còn lại hoặc ôn thi lại, hoặc vào Nam tìm kiếm việc làm chứ không có học sinh nào theo học trường nghề. Nói về công tác phân luồng học sinh THCS, ông Đặng Công Thân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hầu hết các em đều có nguyện vọng học lên THPT, ít em chịu đi học nghề. Nhà trường cũng đã thành lập ban chỉ đạo hướng nghiệp, tập trung tuyên truyền, định hướng cho các em; mời phụ huynh, học sinh thuộc diện có khả năng không đậu vào trường THPT lên trao đổi, song cũng chẳng thấm vào đâu”.
Ở TP Vinh, việc vận động học sinh sau THCS vào học nghề còn khó hơn rất nhiều. Theo ông Ninh Viết Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Dũng, công tác phân luồng học sinh sau THCS ở thành phố gần như “tắc”. Do đặc điểm đô thị nên điều kiện kinh tế của các gia đình khá hơn, họ đều mong muốn con em tốt nghiệp THCS rồi học THPT và học cao đẳng, đại học. Không những thế, trên địa bàn thành phố, các trường THPT công lập và ngoài công lập rất nhiều, đã “hút” hết học sinh tốt nghiệp THCS. Trước khó khăn đó, trường đã trăn trở tìm hướng khắc phục.
Đó là vào khoảng tháng 3 hàng năm, sau khi có kết quả sơ kết học kỳ 1, trường mời học sinh, phụ huynh khối lớp 9 có học lực yếu, kém lên trao đổi, định hướng cho các em học nghề, phân tích cho các em hiểu rằng, với khả năng của mình, các em không thể đậu vào các trường THPT, trong khi đó, cũng khoảng thời gian 3 năm học nghề, các em vừa có bằng bổ túc THPT, vừa có bằng nghề. Đến tháng 4, trường phối hợp với một số trường nghề, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đến tư vấn, hướng nghiệp cho các em, giúp các em tiếp cận các chính sách ưu tiên khi học nghề, cơ hội việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề... Bằng cách làm này, năm học 2011-2012, toàn trường có 5 em tự nguyện không thi vào lớp 10 mà đăng ký học nghề. Dự kiến năm học này, số lượng học sinh đăng ký học nghề sẽ tăng thêm một vài em so với năm ngoái.
Năm 2010, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã ban hành Công văn số 670/SGDĐT-GDCN về công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Trong đó chỉ rõ nhiệm vụ của các trường CĐ, TCCN là khẩn trương xây dựng chương trình và hoàn thiện việc biên soạn giáo trình đào tạo TCCN cho đối tượng tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp THCS; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN.
Đối với các phòng GD&ĐT, thành lập ban chỉ đạo công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS; giao cho hiệu trưởng các trường THCS tổ chức tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh cuối cấp THCS về hướng nghiệp, phân luồng sau THCS. Tuy nhiên, đến nay công tác phân luồng học sinh sau THCS vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Đến mùa tuyển sinh, các trường THPT phải chịu áp lực lớn, trong khi các trường nghề tuy có chỉ tiêu nhưng không có thí sinh để tuyển.
Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (Hưng Nguyên) trong giờ học.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, bình quân hàng năm, tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn tỉnh chiếm trên dưới 75% số học sinh tốt nghiệp THCS. Riêng năm học 2012-2013, có 34.462 em được tuyển vào lớp 10 THPT, chiếm 74,75% số học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2011-2012. Số còn lại, tỷ lệ theo học tại các trường nghề không được bao nhiêu. Hiện tại, Nghệ An có 5 trường TCCN, nhưng tổng cộng tất cả các khoá cũng chỉ có 157 học sinh tốt nghiệp THCS theo học. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Nghệ An: “Nếu số học sinh này (học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không vào học THPT) không được đào tạo nghề, cứ thế đi thẳng ra thị trường lao động thì không chỉ là một sự lãng phí về vốn con người, mà có thể còn tạo thêm gánh nặng cho xã hội.
Trở ngại lớn nhất hiện nay của việc phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh là chưa giải tỏa được tâm lý e ngại của phụ huynh khi cho con em vào học nghề. Mặt khác, các trường nghề đang đào tạo theo thị hiếu người học mà chưa quan tâm đến những nghề xã hội cần, nên học sinh học nghề xong, nhiều em không xin được việc làm. Nhiều nhà tuyển dụng lao động vẫn đang coi trọng bằng cấp, rất hiếm nơi tuyển dụng người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp. Nhiều trường phổ thông lại chưa quan tâm đến công tác giáo dục hướng nghiệp, thiếu sự phối hợp với các lực lượng xã hội có liên quan để đẩy mạnh công tác này.
Thiết nghĩ, để làm tốt việc phân luồng học sinh sau THCS (và cả sau THPT), trước mắt, các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương cần ban hành một hệ thống văn bản để thống nhất chỉ đạo công tác này; hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề phải có sự chỉ đạo chung để phân rõ nhiệm vụ, tạo sự gắn bó mật thiết, cùng chung tay thực hiện phân luồng học sinh. Riêng các trường TCCN, phải có quy định để các cơ sở dạy nghề, người sử dụng lao động cùng tham gia vào công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh...
Thanh Phúc