Phần mềm giúp dễ học hai môn Lịch sử, Địa lý
Có một thầy giáo miệt mài gần ba năm trời để thiết kế phần mềm về môn Lịch sử và Địa lý thành bộ tư liệu hữu dụng cho giáo viên và học sinh của trường.
Ý tưởng sáng tạo phần mềm “Khám phá Việt Nam” của thầy Trịnh Nguyễn Thanh Tâm - giáo viên bộ môn sinh THCS Hoàng Diệu (TP Vị Thanh, Hậu Giang) - xuất phát từ thực tế học sinh ngày càng ít quan tâm đến hai môn học này, bởi một phần do sách giáo khoa, nhất là môn Lịch sử nặng về tư liệu, sự kiện, khô khan...
Bên cạnh đó, thầy thấy các đồng nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc truy cập thông tin, cũng như tìm kiếm dữ liệu phục vụ việc giảng dạy. Nhất là khi truy cập gặp những trang web không chính thống, việc tìm kiếm dữ liệu càng khó khăn hơn.
Có một thầy giáo miệt mài gần ba năm trời để thiết kế phần mềm về môn Lịch sử và Địa lý thành bộ tư liệu hữu dụng cho giáo viên và học sinh của trường. |
3 năm cho phần mềm
Thầy Tâm thổ lộ: “Ý nghĩ làm thế nào để có được một phần mềm đầy đủ, thú vị về hai môn sử và địa nhằm “hút” các em vào đọc để từ đó các em sẽ có kiến thức căn bản và sâu rộng về hai môn này, thông qua đó giáo dục các em lòng yêu nước và tự hào dân tộc..., đồng thời giúp đồng nghiệp có địa chỉ truy cập chính thống đỡ tốn thời gian, công sức... cứ hối thúc tôi”.
Để thiết kế nên phần mềm sống động, độc đáo này, thầy Tâm mất khá nhiều thời gian, tâm huyết và công sức.
Thầy Tâm tìm tài liệu từ nhiều nguồn trong thư viện, trên mạng, sách giáo khoa “Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên” và “Bách khoa toàn thư Việt Nam”... rồi so sánh, đối chiếu chọn ra thông tin chuẩn và phù hợp nhất để viết thành dữ liệu hoàn chỉnh đưa vào chương trình phần mềm.
Trước khi chính thức đưa vào sử dụng, thầy còn tạm đưa lên trang web của trường để khảo sát, lấy ý kiến của mọi người về những ưu, khuyết của phần mềm này để tiếp tục nâng cấp hoàn thiện sản phẩm...
Mất gần ba năm, thầy Tâm mới hoàn thành phần mềm và đến tháng 10/2014 thầy đưa phần mềm “Khám phá Việt Nam” lên website của trường. Phần mềm được chia hai phần chính “Việt Nam - Tổ quốc tôi” và “Biển đảo quê hương”.
Vừa học vừa chơi...
Phần “Việt Nam - Tổ quốc tôi” gồm Tổng quan Việt Nam và Lược sử Việt Nam. Trong đó Tổng quan Việt Nam có 9 thư mục: Ngôn ngữ, tôn giáo, dân tộc, ẩm thực, vùng miền, tỉnh thành, lễ hội, di tích, phong tục.
Và Lược sử Việt Nam cũng có chín thư mục: Việt Nam sử lược, các nền văn minh Việt Nam, tên nước qua các thời kỳ, các kinh đô trong lịch sử, các trận chiến vĩ đại, sự kiện trong tháng, nhân vật lịch sử, chủ tịch nước qua các thời kỳ, tổng bí thư các thời kỳ... Mỗi một thư mục giống như một bách khoa thư thu nhỏ về một chủ đề được tác giả chăm chút rất kỹ.
Chẳng hạn thư mục "Các kinh đô trong lịch sử", người đọc sẽ biết được kinh đô của từng thời kỳ lịch sử gắn với triều đại nào, cùng những chiến tích của thời kỳ đó kèm theo hình ảnh minh họa...
Thầy tâm sự: “Quan trọng đối với việc học sử vẫn là những bài học giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sáng tạo trong công việc... Những câu chuyện lịch sử mang lại giá trị vô cùng to lớn bởi đó là những bài học làm người, hình thành nhân cách sống. Vì vậy trong thư mục "Nhân vật lịch sử", tôi đã tổng hợp 600 gương nhân vật lịch sử cốt để làm gương sáng cho các em noi theo...”.
Ở phần “Biển đảo quê hương”, thầy Tâm cũng thiết kế gồm chín thư mục: kiến thức về biển đảo, chủ quyền biển đảo Việt Nam, người lính hải quân Việt Nam, bạn có biết, trắc nghiệm, âm nhạc, phim tài liệu nói về lịch sử hình thành và phát triển chủ quyền trên biển của dân tộc Việt Nam, trò chơi, bản đồ hành chính - biển và hải đảo Việt Nam.
Rất công phu, trên mỗi tỉnh thành, các quần đảo, đảo, thầy đều có ghi thông tin cơ bản về thổ nhưỡng, sinh vật, hệ sinh thái, diện tích, ý nghĩa về kinh tế, an ninh quốc phòng... Riêng mục "Chủ quyền biển đảo Việt Nam", thầy sưu tầm từ nhiều nguồn thông tin, những cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Cứ vậy, bằng tất cả khả năng và tràn đầy nhiệt huyết, người thầy giáo trẻ này đã tìm mọi cách để “hút” học sinh đến với chương trình phần mềm của mình.
Chẳng hạn về phần trò chơi, để tạo không khí học mà chơi thoải mái, thầy thiết kế các chương trình đố vui tích hợp như bức tranh bí ẩn, ô chữ bí mật, đảo chữ đoán nghĩa, ghép nối thông tin - sự kiện, đuổi hình - bắt chữ... rồi những game online bổ ích để hút những bạn nghiện game như bảo vệ biển đảo, góp đá xây Trường Sa...
Thầy Tâm tâm sự: “Với ý nghĩ phải kiến thiết những trò chơi mà nếu càng chơi các em càng tích lũy nhiều kiến thức về lịch sử, địa lý... nên tôi chịu khó biên soạn khoảng 2.000 câu đố vui về lịch sử và địa lý Việt Nam để phục vụ các trò chơi”.
Đồng thời thầy cũng thường xuyên cập nhật thông tin báo đài để liên tưởng ra những trò chơi hấp dẫn, bổ ích lại mang tính thời sự như game góp đá xây Trường Sa, thầy lấy ý tưởng từ cuộc vận động “Nhắn tin góp đá xây Trường Sa".
Trò chơi có rất nhiều bộ câu hỏi với mỗi bộ gồm ba câu hỏi liên quan đến đảo. Trả lời chính xác 2/3 câu sẽ được một viên đá. Nếu số đá từ 20 viên trở lên sẽ thắng cuộc...
Theo Zing.VN