Phận phu vàng, những chuyện thương tâm
(Baonghean) - Hiện có hàng trăm thanh niên cùng cao Kỳ Sơn, Tương Dương theo nghề phu vàng tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Trong đó, chủ yếu là Quảng Nam. Đây là công việc đối mặt nhiều rủi ro, thạm chí mất mạng nhưng vì thiếu việc làm nên nhiều người vẫn theo các chủ bãi vàng đi làm thuê. Đã có nhưng cái chết thương tâm xảy ra với những thanh niên vùng cao nơi rừng thiêng, nước độc.
(Baonghean) - Hiện có hàng trăm thanh niên cùng cao Kỳ Sơn, Tương Dương theo nghề phu vàng tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Trong đó, chủ yếu là Quảng Nam. Đây là công việc đối mặt nhiều rủi ro, thạm chí mất mạng nhưng vì thiếu việc làm nên nhiều người vẫn theo các chủ bãi vàng đi làm thuê. Đã có nhưng cái chết thương tâm xảy ra với những thanh niên vùng cao nơi rừng thiêng, nước độc.
Những cái chết thương tâm
Ra tết, Moong Văn Luyệt (1993) người bản Lưu Thắng, theo một chủ bãi vàng người Nam Định vào Quảng Nam làm thuê. 12 ngày sau (ngày 25/2/2013) hung tin ập đến: Luyệt bơi qua sông chết vì “ngạt nước”. Một tuần sau thi thể người xấu số được đưa về. Ông Moong Phò Sơn, bố Luyệt cho biết: “Gia đình đòi mở quan tài xem nhưng họ bảo không được vì đã đóng đinh rồi. Sau đó vội cho chôn cất.” Về nguyên nhân cái chết của Luyệt, gia đình chỉ biết nhờ bản photo coppy biên bản ghi lại sự việc do Công an xã Cà Dy (Nam Giang – Quảng Nam) lập.
Không chịu được sự hành hạ của chủ bãi vàng, Luyệt cùng anh Moong Văn Quang, bạn phu vàng cùng bản bỏ trốn ra làm thuê cho một người sở tại tên là Nguyễn Văn Tạo kiếm tiền về quê, sau ít hôm thì chết đuối. Đã gần 2 tháng, sau cái chết của chồng, quả phụ trẻ Moong Thị Chuyền vẫn chưa hết ngơ ngác. Hiện chị đã mang bầu gần 3 tháng, rồi đây sẽ phải nuôi con một mình.
Một phu vàng tên Moong Văn Sơn ở bản Chằm Puông (Lượng Minh – Tương Dương) cho biết: Gặp chủ vàng tốt bụng, làm ăn được thì các phu vàng được trả khoảng 100 nghìn đồng mỗi ngày. Lúc “thất cơ lỡ vận” không kiếm được vàng, chủ bãi sẵn sàng bỏ trốn hoặc đánh đuổi nhân công. Gặp phải những trường hợp như vậy, phu vàng chỉ còn cách nhịn đói, đi xin làm cho chủ bãi khác, hoặc đi làm thuê, thậm chí xin tiền như những hành khất để mua vé xe về quê.
Sinh năm 1996 nhưng đã có trên 2 năm trong nghề phu vàng, Sơn chia sẻ: “Vào đó phải có sức khỏe, chống chịu tốt không thì không kiệt sức cũng phát ốm vì ruồi đốt”. Bữa ăn nhiều khi chỉ có cơm với nước mắm, ngủ không chăn màn. Ngày làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, bị đánh đập, quỵt tiền công là cảnh sống của những phu vàng tại Quảng Nam. Trong một lần trốn đoàn truy quét, Sơn có cơ may thoát khỏi bãi vàng liền trở về quê cưới vợ. Dù chưa đủ tuổi kết hôn, nhưng Sơn xác định chỉ có lấy vợ mới khỏi phải đi đào vàng. Ở nhà hết mùa rãy, chúng bạn đi làm vắng, buồn nản nên muốn đi cho biết quê người và kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. “Em đã nghĩ rồi, mua lợn cùng vợ nuôi vẫn hơn anh ạ.” – Sơn tâm sự.
Không trốn về nên Lữ Văn Tư (1997- bản Chằm Puông) đã phải bỏ mạng tại đất khách quê người. Cũng theo Sơn, Tư vốn hiền lành lại yếu sức vào bãi vàng liền ngã bệnh. Bị ốm liệt giường, chủ bãi vàng tên Khương (Nam Định) liền cho người khiêng cáng xuống hầm vàng bắt “làm việc trả nợ”. Sau đó, Tư chết khi đang cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đã giáp Tết Quý Tỵ (2013) nhưng ông Lữ Văn Nguyên vẫn phải bán con bò duy nhất vào Huế đưa xác con trai về chôn cất. Nhà vốn khó khăn, lại phải chi thêm cả chục triệu đồng lo tang con nên gia đình ông Nguyên càng thêm kiệt quệ.
Từ nhiều ngày nay gia đình ông Lô Văn Tiến (bản Minh Thành – Lượng Minh – Tương Dương) như ngồi trên đống lửa. Trong nhà có T (1996), nghỉ học đã lâu, chuyên phụ giúp cha mẹ đi rãy. Vào đầu tháng 10/2012, gia đình không thấy con trai về, liền tỏa đi tìm thì hay tin T đang đi chơi trong bản thì bị rủ rê theo xe cùng những người phu vàng vào Quảng Nam. Bản không sóng điện thoại nên không thể liên lạc tìm con về.
Qua một người chuyên việc liên hệ người cho những chủ bãi vàng ở bản Tả Thoong (Chiêu Lưu – Kỳ Sơn), ông Tiến có phần yên tâm khi nghe nói rằng con trai sẽ về ăn tết cùng gia đình. Thế nhưng Tết Quý Tỵ vừa qua, khi liên lạc được với con, ông Tiến mới biết chủ bãi vàng không trả tiền công nên bị kẹt lại bãi vàng. Nửa tháng trước có người ở bản ngoài chạy vào đưa số điện thoại bảo ông Tiến gọi gấp cho con thì hay tin đứa con trốn khỏi bãi vàng bị đánh đập tàn nhẫn. T chỉ kịp nói: “Bố lấy tiền đi đón con về” rồi tắt máy. Sau đó T gọi về lần nữa bảo đã thoát khỏi bãi vàng và đang bơ vơ tại Quảng Nam. Gia đình đang đứng ngồi không yên lo lắng cho số phận cậu con trai còn chưa đến tuổi trưởng thành.
Tại các bản Tả Thoong, La Ngan, Lưu Tiến, Lưu Hòa, Xiêng Thù (Chiêu Lưu – Kỳ Sơn), bản Minh Tiến, bản Đửa... (Lượng Minh - Tương Dương) cũng còn hàng trăm người đang lao động tại những bãi vàng ở Quảng Nam. Công an viên bản Tả Thoong ông Lương Văn Hà cho biết, trong bản cũng có những người vừa trở về từ bãi vàng và không được trả tiền công. Chủ bãi có hứa sẽ gửi tiền trả nhưng ai cũng biết gần như chắc chắn đó chỉ là lời hứa hão.
Trăm nghề chọn nghề phu vàng
Hỏi chuyện những phu vàng hầu hết đều biết chuyện thương tâm xảy đến với Lữ Văn Tư (bản Chằm Puông), Moong Văn Luyệt (bản Lưu Thắng). Thế nhưng, lượng người tìm đến các bãi vàng vẫn ngày một nhiều.
Dân bản Chằm Puông cho hay, từ đầu năm 2013 đến nay đã có hàng chục chuyến xe chở người lao động các bản ven tuyến đường từ Chiêu Lưu đi Bảo Thắng (Kỳ Sơn). Đã có đường nhựa thông suốt nên dân khai thác vàng dưới danh nghĩa các doanh nghiệp đến tuyển lao động. Xe đậu ngay giữa bản, các “cán bộ tuyển dụng” lục lọi tìm người. Ai đồng ý đi liền theo lên xe ngay không cần phải hồ sơ xin việc, xin tạm vắng. Thậm chí gia đình cũng không hay biết.
Sau mùa rãy, thiếu việc làm, người dân ở bản Chằm Puông (Lượng Minh - Tương Dương) chỉ còn biết ngồi nhà chơi.
Trưởng bản Chằm Puông ông Ngân Văn Mai cho biết, chính vì kiểu tuyển lao động như vậy nên ban quản lí nhiều khi không thể nắm rõ được số người trong bản đến các bãi vàng. Ông Mai chỉ ước lượng được trong bản hiện có khoảng 40 người đang bán sức lao động tại các bãi vàng. Căn cứ theo thông tin từ những cán bộ thôn bản, hiện ở các xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn), Lượng Minh (Tương Dương) có không dưới 200 người thường xuyên đến các bãi vàng ở Quảng Nam.
Một phu vàng trên là Ngân Bun Hương 20 tuổi, trú bản Chằm Puông, vào nghề từ năm 2008 vừa trở về nhà vì không được trả tiền công, cho biết: Không chỉ ở các xã dọc tuyến đường Chiêu Lưu – Bảo Thắng, mà thanh niên tại những bản xa thuộc xã Mai Sơn, Lưu Kiền (Tương Dương) cũng theo các chủ bãi vàng vào Quảng Nam. Bí thư Chi bộ bản Lưu Thắng, ông Cụt Thanh Sơn thì nói rằng, trong bản hiện có trên 30 người đang đi đào vàng ở Quảng Nam. Số người này phần nhiều là nam thanh niên trẻ từ 14 tuổi trở lên. Có một vài người là trung niên và phụ nữ đi nấu cơm, giặt giũ. Lâu thì dăm bảy tháng, chóng thì một vài tuần là phu vàng trở về bản, sau đó lại tiếp tục trở vào bãi vàng.
Khó khăn về kinh tế và thiếu việc làm vẫn là nguyên nhân chính khiến thanh niên vùng cao vẫn tìm đến bán sức lao động tại các bãi vàng. Sau mùa làm rãy, tháng 10, 11 âm lịch, thanh niên dân tộc Khơ mú, Thái các xã vùng cao chỉ biết ngồi nhà chờ mùa rãy sau. Riêng bản Minh Thành (Lượng Minh) có 389 khẩu chỉ có 1,5ha ruộng nước; năng suất thấp và nguồn lương thực chủ yếu nhờ vào lúa rãy. Bản chưa có ai học lên bậc THPT. Còn ở bản Chằm Puông, trưởng bản Mai cho biết, trong bản cũng có nhiều người đi học cao đẳng trở về nhưng đã vài năm không kiếm được việc làm.
Hữu Vi