Phan Văn Đức cố lên!

Châu Phú 16/11/2021 16:03

(Baonghean.vn) - ​Liên tiếp 2 trận gặp ĐT Oman và ĐT Nhật Bản, Văn Đức đều chỉ vào sân từ ghế dự bị khi tiền đạo đồng hương Công Phượng được đá chính từ đầu.

Chỉ ít phút trong trận đấu với ĐT Oman không đủ để thiên hạ bình phẩm nhưng đến trận gặp ĐT Nhật Bản, việc Văn Đức vào sân từ đầu hiệp 2 rồi bị thay ra sau gần 40 phút có mặt trên sân khiến “cơn sóng thất vọng” về cầu thủ này dâng cao ngùn ngụt.

Phan Văn Đức có tìm lại được phong độ cũ. Ảnh tư liệu

Có vẻ như mọi số liệu, cứ liệu nào đó từng bênh vực Văn Đức thời gian qua đã trở nên vô nghĩa? Đơn giản, chính ông Park đã hết kiên nhẫn với học trò cưng, đã liên tiếp đẩy cầu thủ này lên ghế dự bị và cũng chính ông đã làm một việc bất đắc dĩ là “thay ngựa giữa dòng” không khác gì một động tác “làm nhục” học trò yêu nhưng giờ thì không thể yêu nổi!

Câu hỏi đầu tiên đặt ra là liệu trong trận đấu gặp Nhật Bản còn cầu thủ nào nữa chơi tệ như Văn Đức và không chỉ chơi tệ ở trận đấu này? Ai là người đầu tiên liên tiếp bị thay ra sau một hiệp đấu không thành công của ĐT Việt Nam? Và người liên tiếp được ông Park ưu ái có phải chỉ là Văn Đức mà thôi?

Đúng là cả Tuấn Anh lẫn Văn Đức ở vòng loại thứ 3 đều liên tiếp được giao 1 vị trí cố định: Tuấn Anh chơi tiền vệ trung tâm cùng với Hoàng Đức như hai số 6 trước bộ ba trung vệ, Văn Đức chơi tiền vệ trái (phía sau lưng là hậu vệ trái Hồng Duy, phía trước là tiền đạo Tiến Linh.

Như vậy, Tuấn Anh được chơi đúng vị trí sở trường, còn Văn Đức thì hoàn toàn mới dưới thời ông Park, nhất là so với vị trí tiền đạo trái quen thuộc ở SLNA. Sự khác nhau đó liệu có phải là câu trả lời cho sự đi xuống về thành tích không bàn thắng, không kiến tạo của Văn Đức thời gian qua?

Có một điều chắc chắn, ở ĐT Việt Nam, Văn Đức phải tham gia phòng ngự nhiều hơn, bị vây ráp bởi đối thủ đẳng cấp hơn nên việc trở thành cầu nối chuyển trạng thái phòng ngự - phản công ngày càng khó khăn hơn. Ở những vòng đầu, các tình huống đánh chặn, phản công, đường chuyền mang tính chất “chìa khóa” của Văn Đức còn nhiều hơn. Nhưng đáng tiếc thay, mọi việc dần đi đến chỗ bế tắc và “không theo kịp diễn biến” của trận đấu khiến Văn Đức trở nên lạc lõng mỗi khi vào trận.

Ở trận gặp ĐT Nhật Bản, ông Park tung Văn Đức vào sân từ đầu hiệp 2 và ai cũng biết nhiệm vụ số 1 của cầu thủ này là tham gia phòng ngự ở hành lang trái, khi cần chuyển sang phải như thường lệ. Rõ ràng nhiệm vụ này được Văn Đức hoàn thành tròn vai. Nhưng sau đó, nhiều pha bóng lúng túng, bất ngờ chậm nhịp của Văn Đức khiến cho ông Park phải thất vọng và nhanh chóng ra quyết định thay người?

Nhưng nói cho cùng, trong trận đấu với đối thủ trên cơ về tốc độ, sức rướn, về sự nhuần nhuyễn, liệu có phải chỉ mình Văn Đức “không theo kịp” diễn biến của tình huống? Ngọc Hải tung móc không thành công để đối thủ vượt qua rồi chuyền ra khoảng trống rất thuận lợi cho đồng đội dứt điểm. Duy Mạnh và Hồng Duy là 2 cầu thủ không theo kịp tình huống tăng tốc, chuyền bóng, đệm bóng cận thành ghi bàn mở tỷ số của đối thủ. Tiến Dũng cũng để mất bóng rất nguy hiểm trong khu vực 16m50…

Nên nhớ, khi ông Park lần lượt thay Văn Đức bằng Xuân Trường, Tiến Dũng bằng Thành Chung hẳn là ông có mục đích chuyển từ phòng ngự sang tấn công, được ăn cả, ngã về không trong những phút cuối trận, đặng có được bàn thắng gỡ hòa như khát vọng bấy lâu?

Nếu hiểu theo nghĩa này, có lẽ không nên quá thất vọng với Văn Đức khi cầu thủ này bị thay ra và đang gặp khó về tâm lý sau chặng dài không thành công? Ông Park không nói ra điều này, về sự thất vọng với ai đó cũng không nói ra là điều tất nhiên của một nhà cầm quân. Người viết đồ rằng, người từng trải như ông Park biết rõ sự lên xuống phong độ của từng cầu thủ, đồng thời cũng biết rõ “đẳng cấp là mãi mãi” ở những cầu thủ nào để ứng xử với thực tế bộn bề hiện nay.

Câu trả lời có thể được đưa ra ở trận gặp ĐT Arabia Saudi tới đây, cũng có thể phải chờ ở chiến dịch bảo vệ ngôi vua AFF Cup tới đây. Vấn đề bây giờ là giải quyết bài toán tâm lý dành cho Tuấn Anh, Văn Đức hoặc ông Park để Văn Đức thi đấu cao hơn, gần cầu môn hơn so với trước đây, biết đâu mọi chuyện sẽ sáng nước hơn?

Người hâm mộ xứ Nghệ luôn tin tưởng ở tài cầm quân của ông Park cũng như năng lực, ý chí của Văn Đức và đồng đội. Càng khó khăn càng phải cố gắng vượt qua, đó là phẩm chất hàng đầu của mỗi cầu thủ, trong đó có người của SLNA là Văn Đức.

Cố lên, Văn Đức! Đồng đội và người hâm mộ luôn ở bên Đức “cọt” thân yêu, lúc thường cũng như lúc khó, lúc tràn đầy thương mến cũng như lúc vơi sút niềm tin…

Mới nhất

x
Phan Văn Đức cố lên!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO