"Pháo Điện Biên" và bài học vô giá

08/05/2015 08:33

Đại tá Nguyễn Đình Chuân - nguyên Chủ nhiệm Phòng không Quân khu 4, từng chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trò chuyện với PV Báo Nghệ An.

- Thưa Đại tá Nguyễn Đình Chuân, là một người lính tham gia từ đầu đến cuối Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần mình vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc; đã 61 năm trôi qua, ký ức đậm nét của ông là gì?

- Tôi chưa bao giờ quên hình ảnh cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân ta tung bay trên điểm cao A1 ngày 7/5/1954 và hình ảnh hơn 2.000 quân địch rút chạy giơ cờ trắng đầu hàng.

- Tôi cũng còn nhớ, địch khi đó hết sức hoảng loạn, bao nhiêu đạn pháo chúng trút xuống Điện Biên khiến cả lòng chảo này rực lửa khốc liệt… Là một người lính, tôi thấy vinh dự và tự hào vì được trực tiếp tham gia chiến đấu từ đầu đến cuối Chiến dịch Điện Biên Phủ và được góp một phần nhỏ bé vào chiến thắng vang dội này.

- Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng ghi dấu một mốc son trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, quân ta kéo pháo hạng nặng đánh vào sườn địch và trở thành một huyền thoại trong Chiến thắng Điện Biên Phủ. Là một trong những sỹ quan đầu tiên của Việt Nam được đào tạo bài bản về pháo phòng không và được áp dụng thực tế ngay tại Chiến dịch Điên Biên Phủ, ông có thể nói thêm về huyền thoại ấy…

Đại tá Nguyễn Đình Chuân trò chuyện với phóng viên.
Đại tá Nguyễn Đình Chuân trò chuyện với phóng viên.

- Năm 1950, tôi nhập ngũ khi 19 tuổi. Vào quân đội tôi được cử đi học văn thư. Kết thúc khóa học, nhờ có thành tích học tốt, có giấy khen, có năng lực nên tôi được cử sang học ở Trường Lục quân Quảng Tây (Trung Quốc) về pháo phòng không, sử dụng pháo hạng nặng. Học về tôi được phong Trung đội phó, Khẩu đội trưởng của Khẩu 37 ly, khẩu tân tiến, hiện đại nhất. “Vào” chiến dịch, để kéo một chiếc pháo ấy, cần hơn 100 người. Địch theo dõi thường xuyên nên hành trình của chúng tôi khi đó là đêm kéo, ngày ngụy trang kỹ, những đêm nào có trăng thì kéo không ngừng nghỉ. Để kéo được pháo qua đèo Pha Đin chúng tôi mất trọn một đêm… Kéo pháo vào rồi, có lúc lại phải kéo ra và đây là nhiệm vụ thực sự vất vả, nhất là khi bị địch thả pháo sáng phát hiện và tăng cường ném bom. Tôi lúc này ở Đại đội 828, đi ngay sau Đại đội pháo 827 của Tô Vĩnh Diện. Lúc ông hy sinh, chúng tôi ở ngay phía sau và chứng kiến toàn bộ quá trình ông và động đội nỗ lực để giữ pháo khỏi văng xuống vực. Đó thực sự khốc liệt…

- Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của đội quân viễn chinh Pháp. Ở đây ngoài đội quân đông, công sự dày đặc, quân Pháp còn có ưu thế tuyệt đối về không quân và xe tăng. Theo ông, đâu là nguyên nhân để chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng trong hoàn cảnh tương quan lực lượng lúc đó?

- Trong quá trình tham gia chiến dịch, chúng tôi được học tập chính trị thường xuyên, quân và dân một lòng tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và các tướng lĩnh. Tôi còn nhớ rất rõ, khi chúng ta chuẩn bị triển khai chiến dịch thì từ hậu phương tin về chính sách giảm tô đã được triển khai, anh em phấn khởi lắm vì từ bây giờ người nông dân đã bắt đầu có ruộng mà lính Điện Biên Phủ thì hầu hết xuất thân từ nông dân. Rồi Bác Hồ gửi thư đến động viên toàn bộ cán bộ, chiến sỹ trước giờ ra trận… Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên một sức mạnh thần kỳ, giúp cho bộ đội, dân công không lùi bước trước khó khăn, chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình chiến đấu với kẻ thù, chúng ta có rất nhiều kế sách để nghi binh địch, cố gắng giữ kín lực lượng, quyết tâm cao, thủ đoạn khôn khéo làm cho địch rơi vào hoàn cảnh bị động. Trong Chiến dịch Điên Biên Phủ chúng ta sử dụng “kế” rất nhiều, chờ giai đoạn chín muồi mới chuyển sang tổng tiến công nhằm “đánh nhanh, thắng nhanh”, “đánh chắc thắng chắc”. Và nhờ sự chỉ đạo tài tình đó, chiến dịch đã thành công vang dội “chấn động địa cầu”...

- Ông có thể chia sẻ, Chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời binh nghiệp của ông?

- Với tôi, Điện Biên Phủ là một cuộc tập trận đầu tiên, giúp tôi trưởng thành và là nơi để tôi “đi” những bước đầu tiên về nghệ thuật phòng không không quân. Những chiến thắng sau này của tôi và đồng đội để bảo vệ bầu trời Hà Nội, bảo vệ Hải Phòng, bảo vệ Thành phố Vinh, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị… đều bắt đầu từ những bài học vô giá của những ngày ...“đầu nung lửa sắt/khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ máu trộn bùn non”... ấy.

- Xin cảm ơn Đại tá về cuộc trò chuyện này!

Mỹ Hà

Mới nhất

x
"Pháo Điện Biên" và bài học vô giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO