Pháp: Lời nói đi đôi với việc làm trong cuộc chiến chống khủng bố
(Baonghean.vn) - Khai mạc hội nghị quốc tế về an ninh Iraq thứ 2 ngày 15/09, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi "bằng mọi cách" phải ủng hộ lực lượng đối lập dân chủ tại Syria.
"Sự hỗn loạn làm nên trò chơi của các phần tử khủng bố. Vậy nên, cần phải ủng hộ những người có khả năng đàm phán, thoả hiệp và cam kết những điều cần thiết để đảm bảo tương lai tốt đẹp của Syria". Ông Hollande cũng thúc giục các đối tác phương Tây và Ả Rập cam kết chiến đấu một cách "rõ ràng, trung thành và mạnh mẽ bên cạnh chính quyền Iraq", đồng thời nhận định rằng "không còn thời gian để mất" đối mặt với mối đe doạ mang tên Nhà nước Hồi giáo.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Iraq Fouad Massoum tại Bộ Ngoại vụ Pháp, ngày 15/09 |
Cuộc hội nghị chủ trì bởi Tổng thống Pháp và Tổng thống Iraq Fouad Massoum đã quy tụ các đại diện của hơn 30 quốc gia, trong đó có Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Trước khi có mặt tại Bộ Ngoại vụ Pháp nơi diễn ra cuộc họp, ông Masoum đã xuất hiện trên kênh Europe 1, kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng can thiệp vào Irak: "Về mặt quân sự, chúng tôi không cần viện quân chiến đấu trên đất Iraq. Chúng tôi cần một sự can thiệp trên không. Cần phải nhanh chóng bởi nếu sự can thiệp và hỗ trợ Irak này chậm trễ, có thể Daech (IS trong tiếng Ả Rập) sẽ chiếm được các vùng lãnh thổ khác và mối đe doạ từ chúng sẽ lớn mạnh hơn nữa".
Hơn bao giờ hết, Pháp đang thể hiện sự xông xáo của mình khi mà đồng thời trong lúc hội nghị này diễn ra tại Paris, những chuyến bay trinh sát đầu tiên của Pháp trên không phận Iraq đã được thực hiện sáng ngày 15/09. Các máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ Rafale đóng tại Abou Dhabi và các máy bay gián điệp (loại có người lái) tại Sahel đã được lệnh thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và thăm dò trước cho các đợt không kích nhằm vào IS mà Paris đang dự tính. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jean-Yves Le Drian xác nhận thông tin này trước quân Pháp đóng tại căn cứ Al-Dhafra, tại các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Hoạt động này thuộc chiến dịch quân sự do Mỹ chỉ đạo, nhưng Pháp yêu cầu được giữ sự tự chủ nhất định trong thăm dò thông tin và chọn mục tiêu. Trong những ngày tới, Tổng thống Francois Hollande sẽ quyết định cụ thể về thời hạn và mức độ can thiệp của Pháp, dưới sự cố vấn rất giới hạn của một số thành viên chính phủ, ví dụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sau khi ông này về nước vào thứ 3 ngày 16/09. Trước đó, ông Drian sẽ còn có chuyến thăm và làm việc cùng Tổng thống Ai Cập, vẫn liên quan đến vấn đề chống IS.
Trong khi đất nước lục lăng đang thể hiện một cách công khai sự quan tâm của mình tới Irak thì Iran, vị khách không được đón chào tới cuộc họp về Iraq vẫn giữ thái độ bình tĩnh và thản nhiên. Ông Amir-Abdollahian, Phó Ngoại trưởng Iran khẳng định:"Cộng hoà Hồi giáo Iran chẳng cần chờ liên minh quốc tế nào trong cuộc chiến chống khủng bố và sẽ tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình". Trước lời kêu gọi ủng hộ phe đối lập tại Syria của Tổng thống Pháp, Tehran vẫn giữ nguyên lập trường ủng hộ chính quyền của ông Bashar al-Assad. Đây cũng chính là lý do giải thích cho sự vắng mặt tại hội nghị của Iran - nhân tố quan trọng trong vấn đề an ninh tại Iraq - điều mà suy cho cùng, cũng chỉ có Iraq nuối tiếc.
Nấm Linh Chi
(Theo Le monde ngày 15/9).