Pháp với tàu chiến Mistral: Bỏ thì thương, vương thì tội

29/11/2014 08:38

(Baonghean) - Thứ Ba, ngày 25/11, Tổng thống Pháp Francois Hollande ra quyết định hoãn bàn giao tàu chiến Mistral thứ 2 cho Nga cho đến khi ra quyết định mới. Đây là hệ quả trực tiếp của quan điểm mà nhà lãnh đạo đất nước hình lục lăng thể hiện trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khối NATO ngày 3/9: Tại Ukraina, các "điều kiện để bàn giao" đang "kém" được tôn trọng hơn bao giờ hết.

TIN LIÊN QUAN

Tàu sân bay trực thăng Mistral với tên gọi Vladivostok mà Pháp đóng cho Nga.  Nguồn: Reuters
Tàu sân bay trực thăng Mistral với tên gọi Vladivostok mà Pháp đóng cho Nga. Nguồn: Reuters

Hợp đồng buôn bán tàu chiến Mistral được ký kết năm 2011 giữa Công ty xây dựng hàng hải Pháp DCNS và Công ty Rosoboronexport của Nga, dưới sự xúc tiến của Tổng thống Pháp đương thời là ông Nicolas Sarkozy. Theo đó, khâu bàn giao phải được tiến hành vào giữa tháng 11 năm 2014. Tuy nhiên, vấn đề Ukraina nổi lên, tiêu biểu là sự kiện Crimea sát nhập vào Liên bang Nga vào tháng 3/2014, 4.000 nạn nhân của cuộc giao tranh tại miền Đông nước này đã trở thành rào cản trong cuộc mua bán vũ khí giữa 2 quốc gia. Tuy nhiên, tại điện Elysees, người ta vẫn khẳng định rằng "Chưa bao giờ có áp lực nào đối với Pháp, chính Paris chủ động áp dụng cấm vận trừng phạt đối với Mátxcơva". Một quan chức Pháp trở về từ phiên họp nghị viện mới nhất của NATO vào thứ Hai, ngày 24/11 cho biết, bất chấp các giải pháp cứng rắn nhằm trừng phạt chính sách của Nga tại Ukraina, "không ai chỉ trích Pháp về vấn đề tàu chiến Mistral". Tuy nhiên, các đồng minh vùng Baltic và Ba Lan không vì thế mà bớt lo lắng. Ngoài ra, thời gian cũng là một áp lực đối với Pháp, xét từ góc độ của hợp đồng. Hiện, quyết định hoãn bàn giao tàu của ông Hollande là dựa trên một điều khoản cho phép dời ngày nghiệm thu hợp đồng trong trường hợp xảy ra các "sự kiện trọng yếu", chính điều này cho phép bảo vệ doanh nghiệp hàng hải Pháp DCNS trong vụ mua bán này.

Về phía Nga, giới truyền thông đã 2 lần đưa tin thông báo ngày bàn giao tàu Mistral: trước tiên là ngày 14/11, sau đó dời lại vào ngày 27/11. Tiếng nói của Nga - một hãng thông tấn ủng hộ Chính phủ khẳng định: "Con tàu có thể sẽ được gửi đến bến cảng Kronstadt của Nga trong đêm 28/11. Hộ tống tàu chiến sẽ là tàu Smolny, vì tàu Mistral mang tên Vladivostock chưa mang số hiệu hay dấu hiệu nhận dạng nào". Có lẽ đây là chiến thuật để tăng áp lực, hoặc để đáp trả lại một áp lực từ phía bên kia. Với Nga, nếu như việc bàn giao tàu chiến Mistral chỉ phụ thuộc vào Pháp, thì 2 con tàu được coi trọng trong Hải quân Nga này đã được bàn giao đúng thời hạn. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Pháp cũng phải thừa nhận trong những ngày vừa qua rằng chưa tìm ra giải pháp nào cho vấn đề này. Nếu hủy bỏ vĩnh viễn đơn hàng này, đồng nghĩa với việc trừng phạt chính trị đối với Nga và với nền kinh tế Pháp. Vấn đề của đất nước lục lăng là ngân sách quốc phòng đang trong tình trạng không mấy khả quan. Trong bối cảnh này, mọi thất thoát về xuất khẩu sẽ phá vỡ sự cân bằng mong manh mà các chuyên viên và Bộ Quốc phòng đang duy trì một cách khó khăn.

Vụ mua bán tàu chiến với Nga rất có thể sẽ trở thành mồi lửa kích hoạt "phản ứng dây chuyền" phá vỡ mối quan hệ với các đối tác mua bán vũ khí khác trên thế giới. Một quan chức chính phủ khẳng định, sự tín nhiệm của các đối tác chiến lược mua máy bay chiến đấu Rafale tại Ấn Độ hay Qatar dành cho Pháp vẫn đang rất tốt: "Các đối tác của chúng tôi phân định rất rạch ròi giữa vấn đề của tàu Mistral và các vấn đề khác. Lời nói của Pháp vẫn đang có sức nặng trong lĩnh vực mua bán vũ khí". Nói vậy, nhưng Pháp vẫn phải thận trọng, bằng chứng là Chủ nhật, ngày 23/11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã có quyết định sẽ đến thăm Warsaw, Ba Lan vào thứ Ba, ngày 2/12. Paris cực kỳ coi trọng mối quan hệ với Ba Lan để đảm bảo vị thế của Pháp trên thị trường buôn bán máy bay trực thăng chiến đấu. Ông Le Drian đã hứa sẽ triển khai các biện pháp "củng cố quan hệ" mới với Ba Lan, kèm theo đó sẽ gửi "một đơn vị tăng thiết giáp" đến tham dự cuộc tập trận tại Ba Lan.

Hợp đồng Pháp - Nga mua bán tàu chiến Mistral vẫn chưa chính thức bị phá vỡ. Nhưng nếu bị trì hoãn quá lâu (không rõ thời hạn), thì rất có thể sẽ nảy sinh những vấn đề về mặt pháp lý. Từ nhiều tháng nay, phía Nga liên tục đưa ra những tuyên bố khác nhau về khả năng này, khi thì với chủ đích hăm dọa, khi lại với giọng điệu cầu hòa. Một số nhà quan sát nhận định rằng, có thể việc trì hoãn phi vụ mua bán này đem lại cho Nga một lợi ích nào đó, nếu không thì đất nước bạch dương đã chẳng tốn công sức để kéo dài trò chơi "vờn bắt" đầy áp lực này. Thứ Ba, ngày 25/12, Bộ phó Bộ Quốc phòng Nga Iouri Borissov đã tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi. Tới thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có dự định về động thái cụ thể" - tin đưa bởi Hãng thông tấn Ria-Novosti. Một luận điệu có phần mâu thuẫn với những tuyên bố cảnh cáo giờ chót của Nga trên bàn đàm thảo quốc tế. Ngay trước cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Pháp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisban, Australia, một quan chức cấp cao giấu tên của Nga cho biết, thời hạn cuối cùng dành cho Pháp để thực hiện các điều khoản của hợp đồng là 2 tuần. Nếu quá thời hạn này, Nga sẽ kiện Pháp lên tòa án tài chính kinh tế. Ngoài việc thực hiện án phạt theo đúng các điều khoản của hợp đồng, Phó Giám đốc Ủy ban Quốc phòng an ninh của Hội đồng Liên bang Nga Evgueni Serebrennikov cho biết, Mátxcơva hoàn toàn có thể "ngừng mua thiết bị quân sự từ tất cả các nước trong khối NATO".

Vụ mua bán này có lẽ còn phải dùng dằng trong nhiều năm tới. Tàu chiến Mistral thứ 2 - mang tên Sebastopol - vừa được hạ thủy. Theo hợp đồng, Sebastopol sẽ được bàn giao vào năm 2016. Đây được xem là hợp đồng "mang tính ràng buộc nhất đối với Pháp trong lịch sử các hợp đồng kinh doanh vũ khí". Theo một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Pháp, việc trì hoãn hiện tại là một ngoại lệ do "yếu tố bên ngoài tác động", phần còn lại của hợp đồng quy định cực kỳ chi tiết và chính xác về thời gian. Nếu không tôn trọng các điều khoản này, Pháp sẽ bị phạt, cụ thể là 3 doanh nghiệp liên quan: Công trường hàng hải Saint-Nazaire, Doanh nghiệp xây dựng hàng hải DCNS và doanh nghiệp vệ tinh cố vấn về kỹ thuật DCI-NAVFCO. Riêng DCI-NAVFCO đã hoàn thành hợp đồng đào tạo kỹ thuật cho Hải quân Nga và sẽ được thanh toán khoản tiền 30 triệu euro. Còn DCNS sẽ đối mặt với nguy cơ tổn thất nhiều nhất. Hợp đồng trị giá 1,2 tỷ euro được bảo hiểm bởi Coface - hãng bảo hiểm chuyên về lĩnh vực xuất khẩu cho ngân sách chính phủ. Trong trường hợp phá vỡ hợp đồng, DCNS sẽ phải chịu phạt 20% tổng giá trị hợp đồng, tức 240 triệu euro. Khoản tiền này vượt quá tổng doanh thu của tập đoàn năm 2013 (166 triệu euro). Chưa kể doanh số của DCNS còn giảm xuống vào quý I năm 2014. Không chỉ có thế, nếu phải ra tòa, khoản tiền này có thể vượt xa con số 1 tỷ euro. Trước mắt, chưa phải tính đâu xa, cần phải bỏ tiền ra để duy trì bảo dưỡng tàu chiến Vladivostok. Tình hình tài chính của DCNS đang ở mức báo động đỏ, khiến các lãnh đạo tập đoàn đang phải thảo luận với chính phủ Pháp về giải pháp quyết toán khoản tiền phạt nếu như hợp đồng với Nga đổ vỡ.

Hiện Bộ Quốc phòng Pháp vẫn đang nghiên cứu các giải pháp thay thế. Theo nhiều nhà quan sát, con tàu này không thể bàn giao lại cho ai khác ngoài Nga, ví dụ như Canada, NATO hay EU theo một số gợi ý. Phần sau của vỏ tàu được sản xuất tại Nga. Tất cả các nội thất của tàu, cho đến tận các ổ cắm và hệ thống điện, sẽ phải thay thế toàn bộ theo tiêu chuẩn của NATO, các chuyên gia nhấn mạnh. Giải pháp kém khả thi nhất là chính Hải quân Pháp sẽ tiếp nhận tàu chiến Mistral. Bởi các lý do: Hải quân Pháp đã được trang bị 3 tàu hải quân chiến đấu, nên điều này là không cần thiết. Ngoài ra, với điều kiện tài chính hạn hẹp, việc nhận thêm tàu chiến đấu đồng nghĩa với việc phải giảm bớt chỉ tiêu trang, thiết bị, trong khi Hải quân Pháp đang có nhu cầu trang bị những thiết bị lớn khác, ví dụ như chiến hạm hạng nhì. Vậy thì Pháp phải làm sao khi mà Liên minh châu Âu vừa mới ra quyết định mở rộng cấm vận trừng phạt với 13 cá nhân và 5 "đơn vị" - chủ yếu là các nhóm chính trị - vào thứ Năm, ngày 27/11. Trong đó, có nhiều nhân vật liên quan mật thiết đến giới lãnh đạo Nga, bị EU cáo buộc "tham gia vào các hành động xâm phạm đến toàn vẹn lãnh thổ Ukraina", cụ thể là cuộc bỏ phiếu ngày 2/11. Sự kiện này chắc chắn sẽ tiếp tục đóng băng mối quan hệ Nga - châu Âu và củng cố thêm rào cản trong phi vụ Mistral. "Bỏ thì thương, vương thì tội", xem ra Pháp đang đứng trước bài toán không có lời giải...

Thục Anh - Theo Le monde

Mới nhất
x
Pháp với tàu chiến Mistral: Bỏ thì thương, vương thì tội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO