Phát hiện bộ lịch cổ nhất thế giới
Các nhà khảo cổ Anh tin rằng, họ đã tìm thấy bộ lịch âm lịch cổ nhất thế giới có niên đại khoảng 10.000 năm tại một cánh đồng ở Scotland.
Minh hoạ cách thức các hố sẽ làm việc tại cánh đồng Scotland. Ảnh: BBC. |
Nhóm nhà nghiên cứu của Đại học Birmingham trong quá trình khai quật tìm thấy 12 hố đất tại một cánh đồng ở khu vực lâu đài Crathes. Các hố đó miêu tả từng giai đoạn của mặt trăng và theo dõi các tháng âm lịch. Giới khoa học kết luận, công trình cổ này được tạo ra từ thời kỳ săn bắn hái lượm 10.000 năm trước, BBC đưa tin.
Dãy hố tại cánh đồng Warren lần đầu được phát hiện năm 2004. Các chuyên gia phân tích đây là dấu vết còn sót lại của những cọc gỗ cắm trước đây. Bộ lịch này nằm trong thời đại đồ đá có tuổi đời lớn hơn ngàn năm so với các công trình đo thời gian tại khu vưc Lưỡng Hà.
Giáo sư khảo cổ học Vince Gaffney thuộc Đại học Birmingham đứng đầu dự án nghiên cứu cho biết: “Các bằng chứng cho thấy xã hội săn bắn bái lượm ở Scotland đã xuất hiện nhu cầu, và khả năng theo dõi thời gian năm âm lịch một cách chính xác theo mùa gần 5.000 năm trước, trước khi lịch chính thức đầu tiên được biết đến trong thời kỳ Cận Đông".
“Phát hiện cung cấp một bằng chứng mới thú vị về thời kỳ đồ đá sớm ở Scotland”, Tiến sĩ Richard Bates, Đại học St Andrews nói.
Nhà khảo cổ học, tiến sĩ Shannon Fraser nói: "Đây là di tích đáng chú ý cho thấy cái nhìn khái quát về đời sống văn hóa của người dân 10.000 năm trước đây, nó làm phong phú thêm hiểu biết của chúng ta về con người trong quá khứ, về mối quan hệ của họ với thời gian và bầu trời.
Theo VnExpress - V.T