Phát hiện hóa thạch loài chim cách đây 30 triệu năm
Các nhà nghiên cứu Ba Lan vừa phát hiện hóa thạch một loài chim mới đã sinh sống trên Trái Đất cách đây 30 triệu năm ở gần thành phố Rzeszow của nước này.
Thông tin này được đăng tải trên tạp chí khoa học Điểu học của Ba Lan số ra gần đây.
Loài chim mà trước đây khoa học chưa từng biết đến thuộc bộ Sẻ, có tên là Resoviyaornis Yamrozy, được gọi theo tên thành phố Rzeszow, mà theo tiếng Latinhđọc là Resoviya, còn Yamrozy được gọi theo họ của nhà cổ sinh vật học Albin Yamroza, người đã phát hiện ra hóa thạch loài chim này bên bờ con suối nhỏ gần thành phố Rzeszow.
Theo giả thuyết, loài chim này đã bị chết đuối dưới đại dương mà vào thời cổ đại bao trùm khu vực Đông Nam của Ba Lan ngày nay. Các nhà khoa học cho rằng Resoviyaornis Yamrozy đã sinh sống trên Trái Đất vào giai đoạn cuối của KỷPaleogen (hay còn gọi là Kỷ Cổ Cận) - Thế Oligocen (hay còn gọi là Thế Tiệm Tân), cách đây khoảng 38 tới 25 triệu năm.
Nhà khoa học thuộc Viện hệ thống hóa và tiến hóa Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan Zbigniew Bochensky cho biết loài chim Resoviyaornis Yamrozy có kích thước bằng một con chim sẻ với đôi chân dài, chứng tỏ loài chim này sinh sống trên mặt đất nhiều hơn là bay lượn. Hình dạng mỏ cũng cho thấy loài chim này ăn các loại côn trùng và quả mọng.
Cho đến nay, Resoviyaornis Yamrozy là loài chim thứ 3 từ Thế Oligocen thuộc bộ Sẻ được các nhà khoa học phát hiện.
Nhà nghiên cứu Bochensky nhấn mạnh phát hiện này của các nhà khoa học Ba Lan là một thông tin quý giá về các giai đoạn tiến hóa đầu tiên của bộ Sẻ, hiện nay là bộ đa dạng nhất về số lượng loài trên Trái Đất. Cứ 10.000 cá thể chim hiện nay thì có tới gần 5.400 cá thể thuộc bộ Sẻ./.
Theo (TTXVN) - V.T