Phát hiện một cơ sở ép dầu ăn từ đậu phụng và... cao su
Một cơ sở sản xuất tại H.Điện Bàn (Quảng Nam) bị lực lượng chức năng phát hiện bỏ thêm cao su cùng đậu phụng để ép thành dầu ăn.
Ngày 12.7, ông Nguyễn Quang Long, Trưởng công an xã Điện Thọ (H.Điện Bàn), cho biết đơn vị này đã làm việc với ông Trương Căn (trú tại thôn Châu Lâu) liên quan đến việc ông này bị người dân tố cáo bỏ thêm cao su vào quá trình ép dầu ăn từ đậu phụng (lạc).
Những hạt cao su nhỏ bằng hạt gạo lẫn trong bã đậu phụng sau khi ép thành dầu |
“Sau khi nhận được tin báo từ người dân, chúng tôi đã vào cuộc điều tra, xác định trong thời gian hơn 1 tháng, ông Căn đã nhận ép dầu cho nhiều hộ dân trong địa phương bằng cách cho thêm chất cao su vào cùng đậu phụng. Ông Căn đã thừa nhận hành vi của mình và hứa sẽ bồi thường cho những hộ dân bị thiệt hại do việc làm của ông”, ông Long nói.
Theo hồ sơ của Công an xã Điện Thọ, trong quá trình chạy máy để ép đậu phụng, ông Căn đã dùng các miếng cao su (từ ruột lốp xe máy), có độ dài khoảng 10 cm, rộng 2 cm, để bỏ vào máy ép.
Theo lời khai của ông Căn, khi chạy máy ép đậu thì máy thường bị kẹt do dầu phụng bám vào thân máy. Việc ông bỏ cao su vào máy là để “bôi trơn”, chống máy bị kẹt.
Tuy nhiên, số đoạn dây cao su ông Căn bỏ vào máy khi tiến hành ép dầu cùng đậu phụng đã bị bào mòn và nát ra thành những hạt cao su bằng hạt thóc.
Số cao su này vẫn còn giữ lại trong bã đậu khi cho ra khỏi máy. Nhiều người dân tại thôn Tây và thôn Châu Lâu vẫn còn giữ lại những bánh xái (bã đậu phụng) chứa các hạt cao su màu đen. Bằng mắt thường quan sát, có thể thấy những mẻ dầu phụng được sản xuất theo cách này có màu vàng sẫm, thậm chí có mẻ dầu chuyển thành màu vàng ngả đen.
Theo phản ánh của nhiều người dân, khi họ đem dầu phụng về nhà để chế biến thức ăn thì phát hiện có mùi khét (giống mùi cao su bị cháy) cùng khói đen bốc lên.
Bà Nguyễn Thị Tài (60 tuổi, trú tại thôn Châu Lâu) cho biết: “Tôi đem đậu phụng đến cơ sở ông Căn để ép và lấy được 141 lít dầu. Nhưng khi về đến nhà thì tá hỏa phát hiện cả mẻ dầu bị đóng váng màu đen, phía dưới chai dầu thu được còn đóng một lớp cặn có chứa các hạt màu đen li ti”.
Được biết, người dân địa phương mang đậu phụng đi ép dầu để bán hoặc sử dụng. Nhưng vì dầu ăn nhiễm chất cao su nên nhiều người đành xếp xó cả trăm lít dầu ăn chờ ông Căn đền bù theo lời đã hứa.
Dầu ăn được ép từ đậu phụng và cao su có màu vàng sẫm, đóng cặn màu đen
“Theo chỉ đạo của phía huyện thì đây là vụ việc không đủ điều kiện để xử lý hình sự, nên để cho các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì người dân có thể kiện ông Căn ra tòa án dân sự”, ông Long cho biết thêm.
Theo Công an xã Điện Thọ, có hơn 30 hộ dân bị ảnh hưởng bởi cách chế biến dầu phụng của ông Căn. Số lượng dầu đã được ép lên đến 2.000 lít, ước thiệt hại khoảng 180 triệu đồng.
Theo TNO - TH