Phát huy công năng kênh bê tông

12/06/2015 09:57

(Baonghean) - Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn, xây dựng kiên cố hóa hệ thống kênh mương, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn nắng nóng hiện nay, nhiều hệ thống kênh bê tông phát huy hiệu quả trong điều tiết nguồn nước cho vụ lúa hè thu.

Bê tông hóa kênh mương nội đồng ở xã Hưng Thông (Hưng Nguyên).  Ảnh: Minh Thư
Bê tông hóa kênh mương nội đồng ở xã Hưng Thông (Hưng Nguyên). Ảnh: Minh Thư

Dọc Tỉnh lộ 532 đoạn qua địa bàn huyện Quỳ Hợp, nhiều cánh đồng khô hạn không thể sản xuất vụ hè thu nhưng cánh đồng lúa ở bản Đồng Huống, xã Châu Quang lại triển khai tốt nhờ hệ thống kênh mương nhánh được kiên cố hóa, đưa nước về đồng. Anh Lương Văn Đoàn ở bản Đồng Huống cho biết: “Vụ hè thu năm nay, gia đình tôi làm 5 sào ruộng, năm trước do kênh đất, thất thoát nước nên chỉ làm được 2 sào…”. Được biết, trước đây khi chưa kiên cố hóa kênh, lượng nước chỉ đủ tưới cho 5/17 ha lúa hè thu, nay đã đảm bảo tưới 100% diện tích lúa.

Ông Võ Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quang tâm sự: “Từ gần 2 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ nông thôn mới và ngân sách xã, đầu năm 2015, chúng tôi đã kiên cố hóa kênh mương được 1,2 km ở bản Đồng Huống. Đây là đoạn kênh quan trọng, đấu nối giữa công trình thủy lợi đập Tổng Huống xã Châu Cường với các đoạn kênh khác để tưới cho trên 50 ha lúa của các xóm Đồng Tâm, Quang Hương, Diêm Bày… Bằng các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, đến thời điểm này xã đã kiên cố hóa trên 18 km kênh mương. Với nguồn cấp bù thủy lợi phí, hàng năm xã sẽ tiếp tục xây dựng mới và tu sửa để hoàn thiện hệ thống kênh mương”.

Còn tại xã Minh Hợp có trên 50 ha lúa, lâu nay chủ yếu sử dụng kênh đất nên có 50% diện tích không đủ nước tưới cho vụ hè thu. Trong quá trình xây dựng NTM, xã xác định kiên cố hóa kênh mương là mục tiêu trọng điểm góp phần ổn định lương thực, nên trong tháng 5/2015, bằng các nguồn vốn lồng ghép xã đã tập trung xây dựng 5 km kênh mương trị giá 6,5 tỷ đồng. Đến thời điểm này đã xây dựng được trên 1 km. Để đảm bảo chất lượng công trình, các xóm đã cử các thành viên giám sát cộng đồng theo sát, dự kiến đến tháng 11/2015, công trình sẽ được đưa vào sử dụng.

Thi công kênh dẫn hạ lưu Dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn và hệ thống kênh dẫn. Ảnh: h.v
Thi công kênh dẫn hạ lưu Dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn và hệ thống kênh dẫn. Ảnh: H.V

Đến thời điểm này, huyện Quỳ Hợp đã kiên cố hóa kênh mương được 140/223 km mương, còn lại chủ yếu là kênh đất. Các xã kiên cố hóa được nhiều nhất là Châu Quang hơn 12 km, Châu Đình 9 km, Châu Thái 7 km… Nguồn vốn kiên cố hóa kênh mương chủ yếu từ nguồn nông thôn mới, vốn trái phiếu Chính phủ, Chương trình 135 và người dân đóng góp. Kiên cố hóa kênh mương đã mang lại hiệu quả thiết thực, bà con nông dân trong huyện đã dần chủ động được kế hoạch sản xuất. Từ chỗ mỗi năm chỉ sản xuất 1 vụ lúa bấp bênh, năng suất thấp, nay bà con trồng 2 vụ lúa/năm với năng suất tăng gấp đôi so với trước. Huyện đang phấn đầu bằng nguồn vốn “cấp bù thủy lợi phí” cùng với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, từng bước hoàn thiện hệ thống kênh mương, đáp ứng nhu cầu tưới lúa cho nhân dân.

Hệ thống kênh mương ở xã Thịnh Sơn - Đô Lương được kiên cố hóa đồng bộ. Ảnh: v.t
Hệ thống kênh mương ở xã Thịnh Sơn - Đô Lương được kiên cố hóa đồng bộ. Ảnh: V.T

Tại xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương, nơi có hệ thống kênh mương được đầu tư đồng bộ và đảm bảo chất lượng nhất tỉnh. Trên cánh đồng lúa Chùa Diệc, anh Hoàng Ngọc Nga, xóm 8 chia sẻ: “Nhờ có hệ thống kênh mương được kiên cố hóa mà chúng tôi không còn thức khuya dậy sớm, tranh giành nước như trước đây nữa. Cả 8 sào lúa chỉ trong 1 ngày là nước về ăm ắp”.

Trong năm 2014, xã đã khởi công xây dựng công trình kiên cố hóa kênh mương với chiều dài trên 6 km, trị giá gần 10 tỷ đồng do UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư, Công ty CP đầu tư và Xây dựng 16 thi công. Công trình đã đưa vào sử dụng hiệu quả cho cả vụ lúa xuân và hè thu 2015. Cùng đó, nhiều xã ở Đô Lương, những năm qua luôn chú trọng kiên cố hóa kênh mương. Đến thời điểm này, toàn huyện đã kiên cố hóa được 250 km/350 km. Khá nhiều xã thực hiện tốt kiên cố hóa kênh mương như xã Hòa Sơn, Trù Sơn, Lưu Sơn, Thịnh Sơn, Thái Sơn… Riêng trong năm 2014, toàn huyện đã xây dựng kênh mương nội đồng đạt trị giá trên 60 tỷ đồng.

Qua trao đổi, ông Phạm Hữu Văn, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết thêm: Những năm qua nhằm nâng cao hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được trên 4.700 km kênh mương phục vụ cho trồng lúa và cây công nghiệp ngắn ngày. Ngoài ra, trong quá trình nâng cấp các hồ chứa, nhiều công trình thủy lợi đã gắn với hệ thống kênh mương dẫn ra đồng ruộng. Nhiều địa phương là điểm sáng trong phong trào kiên cố hóa kênh mương, bao gồm các huyện Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghĩa Đàn…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác kiên cố hóa kênh mương còn gặp những khó khăn như: Việc đầu tư kiên cố hoá kênh mương ở một số địa phương thực hiện chưa đồng bộ; Một số địa phương, các kênh mương chính đã được kiên cố trong khi kênh nhánh chưa được xây dựng, nên vẫn gây thất thoát và lãng phí nguồn nước… Mặt khác, do nguồn kinh phí tu bổ thường xuyên hàng năm còn hạn chế, nên phần lớn các kênh mương đều bị xuống cấp và hư hỏng nặng, dẫn đến hiệu quả tưới tiêu thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao năng suất cây trồng. Điều đó, đòi hỏi các địa phương tiếp tục lồng ghép các nguồn đầu tư, hoàn thiện hệ thống kênh mương, phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp.

Văn Trường

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Phát huy công năng kênh bê tông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO