Phát huy dân chủ, trí tuệ trong xây dựng văn kiện đại hội
(Baonghean) - Đến thời điểm này, các địa phương cơ bản đã hoàn thành dự thảo báo cáo chính trị bước 1 và chuẩn bị hoàn thiện bước 2 để xin ý kiến rộng rãi trong Đảng, trong nhân dân về chặng đường 5 năm tới.
Định hướng tầm phát triển cao hơn
Vấn đề được coi hệ trọng số một đối với tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội XIII của Đảng là công tác chuẩn bị nội dung văn kiện đại hội. Đến thời điểm này, tinh thần Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và Thông tri số 13-TT/TU của Tỉnh ủy Nghệ An liên quan đến việc chuẩn bị nội dung văn kiện đã, đang được cấp ủy các cấp trong tỉnh nhận thức sâu sắc với phương châm “kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo, phát triển”.
Tranh cổ động. Nguồn: Internet |
Tại huyện Yên Thành, theo đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Bí thư Huyện ủy, trên cơ sở thẳng thắn đánh giá đúng, trúng tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, phân tích rõ những tiềm năng, lợi thế của địa phương và soi vào các chiến lược, chương trình, nghị quyết mang tính “dài hơi” của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế, vấn đề “tam nông”, phát triển các thành phần kinh tế…; đặc biệt là sự chủ động tham gia cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Thành đã có những định hướng bước đầu cho giai đoạn phát triển kinh tế của 5 năm và tầm nhìn dài hơi với 2 “trụ cột” chính. Đó là tạo bước đột phá về nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái bền vững và phát triển du lịch tâm linh, văn hóa cộng đồng. Các lĩnh vực y tế, giáo dục cũng ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Viết Hưng cho biết, Yên Thành quyết tâm trong việc thu hút đầu tư, xây dựng kế cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu và cải cách hành chính thực chất; xây dựng môi trường tự nhiên và xã hội an toàn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển.
Với huyện Thanh Chương, mục tiêu phấn đấu chung nhất cho nhiệm kỳ tới là phấn đấu xây dựng Thanh Chương trở thành huyện khá trong các huyện miền Tây của tỉnh, trở thành huyện nông thôn (NTM). Ở từng cơ sở, xã đã đạt chuẩn NTM thì tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng miền quê đáng sống, xã chưa đạt phải quyết tâm đạt; xã chưa có sản phẩm OCOP thì tập trung xây dựng, xã có sản phẩm OCOP thì mở rộng diện tích, thị trường tiêu thụ ổn định…
Đại biểu bỏ phiếu bầu BCH Đảng bộ xã Thanh Chi (Thanh Chương), nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh minh họa: Mai Hoa |
Về chỉ tiêu văn hóa, đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương cho biết huyện sẽ tập trung hướng mạnh về cơ sở, phát huy vai trò tự quản, tự chủ xóm làng của nhân dân, từ đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Công tác cải cách hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; đồng thời tìm giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là các khối, xóm sau sáp nhập, gắn với đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở.
Còn đối với huyện biên giới Kỳ Sơn, mục tiêu cao nhất theo Bí thư Huyện ủy Vi Hòe là đưa Kỳ Sơn thoát khỏi huyện nghèo. Muốn đạt mục tiêu này, hướng đi của Kỳ Sơn trong nhiệm kỳ tới là ưu tiên mở rộng, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với chế biến, xây dựng thượng hiệu, tạo thành chuỗi giá trị như gừng, nghệ, khoai sọ, bí xanh, mận, chanh leo… và dược liệu; gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp với các cây trồng bản địa như sa mu, pơ mu, xoan đâu…
Một trọng tâm được ưu tiên nữa đối với huyện có 11 xã biên giới với chiều dài đường biên 192 km đó là củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Bên cạnh đó là quan tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy; nâng cao sự nhiệt tình, tận tụy, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Ngã 3 Na Loi (Kỳ Sơn). Ảnh: Sách Nguyễn |
Theo đồng chí Phạm Trọng Hoàng - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, văn kiện đại hội đảng các cấp bao gồm báo cáo chính trị của ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 trình đại hội; báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành đảng bộ, nhiệm kỳ 2015 - 2020; dự thảo nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025; chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Và muốn ban hành nghị quyết và chương trình hành động nhiệm kỳ tới sát đúng phải xuất phát trên cơ sở báo cáo chính trị được xây dựng chất lượng.
Để đảm bảo chất lượng xây dựng báo cáo chính trị tốt, các cấp ủy đảng cần bám sát các định hướng, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị hiện nay, dự báo tình hình trong thời gian tới nhằm đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 với sự phát triển cao hơn, tầm nhìn xa hơn - đồng chí Phạm Trọng Hoàng cho biết.
Chú trọng phát huy dân chủ, trí tuệ của nhân dân
Nhấn mạnh, nhiều nhân tố mới, nhiều mô hình, điển hình bắt đầu từ quần chúng nhân dân, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trương Công Anh cho rằng, cấp ủy các cấp, một mặt phải nâng cao trách nhiệm chuẩn bị, một mặt phải có giải pháp huy động tối đa nhất sự đóng góp của quần chúng nhân dân, của cán bộ, đảng viên trong đảng bộ cho đại hội. Nếu chỉ trông chờ vào sự chuẩn bị của cấp ủy một cách “khép kín” hoặc chỉ đặt ra cho đại biểu tham gia đại hội đóng góp chưa hẳn đã có thể phát huy hết trí tuệ, sức mạnh đoàn kết, đảm bảo phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho 5 năm tới phát huy hết những cơ hội, tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, đơn vị.
Ý kiến của cử tri được tiếp thu tại các địa phương cơ bản hoàn thành dự thảo báo cáo chính trị. Ảnh: Mỹ Nga |
Đồng tình với quan điểm này, đồng chí Phan Văn Giáp - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Kỳ cho rằng, để đảm bảo việc xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ huyện và cơ sở có chất lượng, đặc biệt để triển khai thiết thực chuyên đề “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Thường vụ Huyện ủy đặt ra yêu cầu, quá trình xây dựng văn kiện phải lấy ý kiến rộng rãi, phát huy trí tuệ, trước hết là phát huy trí tuệ tập thể của cấp ủy từ huyện đến cơ sở, trên cơ sở đó khơi dậy trí tuệ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng tham gia.
Để đảm bảo nâng cao chất lượng của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tránh việc góp ý chỉ dừng lại văn phong, ngữ nghĩa, bố cục là chủ yếu như các nhiệm kỳ trước, thì kỳ này, ngoài việc gửi dự thảo xin ý kiến, huyện Tân Kỳ là sẽ gửi kèm văn bản định hướng gợi mở các vấn đề lớn, trọng tâm, khâu đột phá của địa phương trong năm tới để lấy ý kiến hoặc xin ý kiến theo hướng “mở” về hướng phát triển của Tân Kỳ 5 năm tới như thế nào hay nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ…
Còn Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương Trình Văn Nhã, cho rằng, ngoài thành lập tiểu ban văn kiện, quy tụ những người có kiến thức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và kinh nghiệm thực tiễn để tham mưu cho cấp ủy chuẩn bị văn kiện; Ban Thường vụ Huyện ủy cũng chủ trương phát huy dân chủ, trí tuệ trong Đảng và trong nhân dân vào văn kiện; trong đó sẽ tranh thủ nguồn lực trí tuệ của con em xa quê thành đạt cả đương chức và nghỉ hưu, doanh nhân; cán bộ lãnh thành, lãnh đạo huyện qua các thời kỳ… Việc lấy ý kiến càng rộng rãi sẽ tạo sự thống nhất cao về nhận thức và để có sự thống nhất hành động sau đại hội.
Chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh giúp dân thu hoạch lúa ở xã Nậm Giải (Quế Phong). Ảnh: Trọng Kiên |