Phát huy hiệu quả các dự án thủy điện

(Baonghean) - Năm 2012, sản lượng điện năng trên địa bàn tỉnh đạt 1.344 triệu kWh, và tăng lên 2.600 triệu KWh vào năm 2014. Cùng với việc tiếp tục hoàn thành các nhà máy, tăng sản lượng điện, các đơn vị, doanh nghiệp đang nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội cho người dân vùng ảnh hưởng.
Theo dự tính, tốc độ phát triển điện lực Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020 là 17,2%. Sự tăng trưởng này phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là các dự án sản xuất lớn tại Khu kinh tế Đông Nam, Đông Hồi, KCN Nam Đàn, Đô Lương và các dự án tại miền Tây Nghệ An... Vì vậy, việc đầu tư khai thác lợi thế về thủy điện nhằm phát triển nguồn điện là cần thiết. 
Dự án Thủy điện Hủa Na, Quế Phong có công suất 180 MW do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, ngày 1/11/2013, nhà máy chính thức tham gia thị trường phát điện cạnh tranh theo quy định của Bộ Công Thương. Để phát huy hiệu quả, đơn vị tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa. Nhờ chủ động sản xuất, 11 tháng đầu năm 2014, nhà máy đạt sản lượng điện gần 648,9 triệu KWh và tổng sản lượng điện từ năm 2013 đến nay đạt hơn 1.153,3 triệu KWh”. Mặc dù mới tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, nhưng Thủy điện Hủa Na đã đóng góp thêm sản lượng điện rất lớn vào hệ thống điện lưới quốc gia. Dự kiến năm 2015, Nhà máy đạt chỉ tiêu sản lượng điện thương mại là 655,3 triệu KWh. Để đạt được mục tiêu đó, nhà máy tăng cường công tác quản lý vận hành bảo đảm an toàn, đáp ứng sản lượng điện của trung tâm điều độ; Tổ chức đánh giá ổn định vùng hạ lưu đập, bảo đảm tiêu năng của dòng xả; Hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc và hướng dẫn vận hành hệ thống.
Trung tâm vận hành Nhà máy Thủy điện Hủa Na - Quế Phong.
Trung tâm vận hành Nhà máy Thủy điện Hủa Na - Quế Phong.
Còn Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ - Tương Dương, với công suất phát điện 320 MW, nhà máy đang dẫn đầu về công suất hoạt động. Năm 2010, nhà máy đã vận hành phát điện thương mại hòa vào hệ thống lưới điện quốc gia. Sau khi đưa vào vận hành 2 tổ máy phát điện, năm 2011 đã hòa vào lưới điện quốc gia 1.130 triệu KWh. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm đều cung cấp ổn định 1.300 triệu KWh. Hiện nay, việc vận hành hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Chính phủ phê duyệt, nên việc phát điện của nhà máy ổn định và hiện tại, hồ chứa (dung tích hơn 1,8 tỷ m3 nước) đang tích nước để bảo đảm cho nhà máy hoạt động. Cũng tại Tương Dương, Thủy điện Khe Bố - Tương Dương có công suất 100 MW đã phát điện thương mại và hòa vào lưới điện quốc gia hàng trăm triệu KWh. Ông Nguyễn Văn Ánh - Trưởng phòng kinh doanh điện năng - Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: “Hiện nay, tại một số dự án thủy điện công suất nhỏ đã trực tiếp cung cấp sản lượng điện vào hệ thống điện lưới của tỉnh. 11 tháng đầu năm 2014, Nhà máy Thủy điện Nậm Mô (công suất 16 MW) đã cung cấp sản lượng điện hơn 51,7 triệu KWh và Thủy điện Bản Cánh (công suất 1,5 MW) cũng đạt gần 4 triệu KWh...”
Ông Nguyễn Huy Cương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 nhà máy với tổng công suất 688,5 MW, làm tăng nhanh nguồn điện từ 1.344 triệu KWh, năm 2012 tăng lên 2.600 triệu KWh vào năm 2014. Để đáp ứng tốc độ phát triển nguồn điện năng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh việc thi công 6 dự án thủy điện với tổng công suất 124,4 MW, bao gồm: Thủy điện Sông Quang, Suối Choang, Nậm Cắn, Ca Lôi, Nhãn Hạc và Chi Khê. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1.
 Phát triển các dự án thủy điện để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh và góp phần quan trọng phát triển nhanh nguồn năng lượng điện năng. Vấn đề đặt ra là cần đảm bảo an sinh xã hội, cuộc sống cho người dân vùng ảnh hưởng. Đặc biệt là thực hiện đồng bộ các chính sách tái định cư, hỗ trợ phát triển sản xuất… Một hoạt động mang lại ý nghĩa thiết thực giúp cho người dân yên tâm, ổn định cuộc sống là việc các nhà máy thủy điện tiến hành chi trả dịch vụ môi trường rừng lưu vực thủy điện. Tại xã Đồng Văn (Quế Phong) hiện có hơn 14.000 ha rừng, thuộc khu vực lòng hồ Thuỷ điện Hủa Na và Cửa Đạt nên người dân ở đây được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng. Ông Lăng Viết Tuần - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho hay: “Toàn bộ diện tích rừng được giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ ở các xóm bản, bà con thành lập từng nhóm hộ gồm 5 - 7 gia đình, rồi từ đó bầu nhóm trưởng, đại diện ký hợp đồng với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt để phối hợp tuần tra bảo vệ rừng…”. Tại bản Khủn Na (xã Đồng Văn) là một trong những mô hình thực hiện tốt việc bảo vệ rừng. Trong đợt 1 năm 2014, các hộ dân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng được nhận 5 triệu đồng/hộ, đây là một khoản tiền quan trọng giúp bà con mua lúa, gạo ổn định đời sống.
Từ năm 2012 đến nay, thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, các nhà máy, doanh nghiệp thủy điện tiến hành chi trả ủy thác dịch vụ môi trường rừng đến các chủ rừng với tổng số tiền hơn 35,1 tỷ đồng và dự kiến đến hết năm 2014, sẽ tiếp tục chi trả cho các chủ rừng hơn 10 tỷ đồng. Còn ở huyện Kỳ Sơn, thông qua Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, người dân được hỗ trợ hơn 13,5 tỷ đồng và tại huyện Tương Dương hơn 12 tỷ đồng… Đầu tư phát triển thủy điện đã giúp cho tỉnh tăng nhanh sản lượng điện năng, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên; đồng thời thông qua các dự án này, cũng hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng lưu vực có thêm nguồn thu nhập, yên tâm ổn định cuộc sống. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để khai thác hiệu quả công trình, đồng thời hỗ trợ bà con vùng ảnh hưởng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đó là yếu tố tạo nên hiệu quả bền vững của các công trình thủy điện.
Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh

tin mới

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.