Phát huy hiệu quả chính sách cử tuyển

14/12/2014 08:18

(Baonghean) - Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Nghệ An có 439 sinh viên hệ cử tuyển chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số được gửi đi đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng. Đây là cơ hội cho con em các dân tộc được học tập, thu nhận kiến thức và có thể về làm việc tại địa phương. Tuy nhiên, một thực trạng đặt ra hiện nay là gần một nửa số sinh viên này sau khi tốt nghiệp ra trường nhưng chưa tìm kiếm được việc làm.

Thực hành Tin học tại Trường THPT dân tộc nội trú Nghệ An. Ảnh: Đình Nhật
Thực hành Tin học tại Trường THPT dân tộc nội trú Nghệ An. Ảnh: Đình Nhật

Tốt nghiệp hệ cao đẳng Trường Đại học Y khoa Vinh vào năm 2011, thế nhưng, sau 3 năm ra trường, em Vy Thị May ở bản Mác, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương vẫn chưa được tuyển dụng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, May phải ở nhà làm rẫy, kiếm củi sinh sống. Mặc dù, bố là thương binh hạng 2/4, thuộc đối tượng ưu tiên, đã 5 lần gia đình em viết đơn lên các cấp chính quyền xin được bố trí việc làm nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Cùng chung tình cảnh đó, em Vừ Y Vừ, người dân tộc Mông ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền được cử tuyển đi học chuyên ngành Y, sau khi ra trường, không xin được việc làm, bỏ phí mấy năm học tập, Y Vừ đã theo chồng về huyện Quế Phong. Từ năm 2008 đến nay, huyện Tương Dương đã có 71 sinh viên hệ cử tuyển tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, nhưng tỷ lệ bố trí việc làm lại rất thấp. Chỉ tính riêng năm 2014, huyện Tương Dương có 15 sinh viên hệ cử tuyển ra trường, nhưng chỉ có 3 em được tuyển dụng, một con số quá ít ỏi.

Đây cũng là thực trạng chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh. 6 năm qua, trong số 439 sinh viên hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường, toàn tỉnh hiện còn tới 193 em vẫn chưa có việc làm theo như cam kết ban đầu, trong đó có 117 em trình độ đại học. Lý do mà các địa phương đưa ra là không có biên chế, vị trí công tác chưa phù hợp, hoặc chất lượng học tập của sinh viên hệ cử tuyển còn thấp. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, thực hiện Nghị định 134 của Chính phủ, quy trình xét cử tuyển của tỉnh ta rất cụ thể, có chỉ tiêu, tiêu chí xét tuyển rõ ràng. Theo đó, các huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, đề xuất chỉ tiêu, đồng thời phải dự báo nhu cầu việc làm đối với từng mã ngành đào tạo.

Tuy nhiên, người dân các địa phương băn khoăn là trước khi cử tuyển, các huyện đã có văn bản dự kiến về vị trí công tác sau khi các em tốt nghiệp, thế nhưng, tại sao sinh viên hệ cử tuyển ra trường vẫn thất nghiệp? Đây là một vấn đề bất cập mà nhiều khi, người dân chưa thông cảm cho công tác điều hành của các cấp chính quyền. Bởi quá trình sinh viên hệ cử tuyển đi học, có nhiều em do trình độ hạn chế nên thời gian học tập bị kéo dài. Trong khi đó, thực tế ở cơ sở, công cuộc đổi mới đòi hỏi phải có đủ cán bộ để phục vụ nhân dân. Vì thế, nhiều vị trí không thể chờ các em cử tuyển về làm. Cũng biết rằng như thế là “lãng phí” nguồn lực nhưng nếu sinh viên cử tuyển ra trường có đủ trình độ, năng lực có thể liên hệ công việc ở bất kỳ nơi nào. Đó là chính sách mở trong thực hiện chế độ cử tuyển của Nhà nước. Mỗi người dân cần hiểu rằng, mỗi một năm, Chính phủ, tỉnh phải chi hơn 22 triệu đồng cho 1 sinh viên hệ cử tuyển, bao gồm các khoản, gồm học bổng, học phí, tiền mua sắm sách vở... Đó là cơ hội lớn để con em đồng bào có thể theo học, nâng cao trình độ, lập thân, lập nghiệp, cống hiến cho quê hương, đất nước. Vậy, câu hỏi ngược lại là sinh viên cử tuyển và các gia đình có con em được hưởng chính sách đó đã phát huy sự đầu tư của Nhà nước như thế nào?

Xung quanh vấn đề này, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương có học sinh cử tuyển cùng “đau đầu” tìm lời giải nhưng trong xu thế thời cuộc hiện nay, các sinh viên cử tuyển không nên trông chờ, ỷ lại. Phải biết rằng, hầu hết các vùng, miền khác, các gia đình phải tự bỏ tiền chi phí cho con em theo học. Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Chuyên nghiệp - Đại học, Sở GD&ĐT cho rằng: “Đối với sinh viên cử tuyển, khi địa phương cử đi học thì phải có kế hoạch bố trí việc làm, nhưng các huyện vẫn chưa cân đối được việc này nên đã dẫn đến tình trạng khó tìm kiếm việc làm sau học...”. Tuy nhiên, quan điểm của Ban Dân tộc miền núi - một trong những thành viên của Hội đồng tuyển sinh theo chế độ cử tuyển của tỉnh cho rằng, việc tuyển dụng sinh viên hệ cử tuyển phải phân rõ trách nhiệm cho từng sở, ban, ngành, địa phương. Trong đó trách nhiệm chính vẫn thuộc về Sở Nội vụ. Còn Nghị định 134 của Chính phủ quy định rất rõ, trong 6 tháng nếu địa phương không bố trí việc làm thì sinh viên đó có quyền đi liên hệ công tác ở nơi khác mà không phải hoàn lại bất cứ khoản học phí nào cho Nhà nước. Đây là hướng mở đầy nhân văn của chính sách cử tuyển.

Ông Vy Mỹ Sơn - Trưởng phòng Chính sách - Ban Dân tộc miền núi tỉnh cho rằng: Trong khi duyệt chỉ tiêu cho các huyện về sinh viên cử tuyển, Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Nội vụ phải phối hợp chặt chẽ để xác định nhu cầu quy hoạch cán bộ công chức - viên chức, cơ cấu việc làm của các huyện. Nhằm qua đó, phát huy tốt chính sách ưu việt trong cử tuyển. Đồng thời, hàng năm Hội đồng cử tuyển của tỉnh cần rà soát chặt chẽ số lượng các huyện đề xuất lên. Qua đó, hạn chế lãng phí nguồn lực đầu tư và tránh gây thêm sức ép cho thực trạng sinh viên hệ cử tuyển thất nghiệp. Trong thực tế, năm 2014, Hội đồng xét tuyển của tỉnh đã rà soát theo hướng đó, kết quả là nhu cầu đăng ký có 91 em, nhưng Hội đồng chỉ duyệt 40 em, và chỉ có 24 em đủ tiêu chuẩn đi học theo hệ cử tuyển.

Qua tìm hiểu, được biết, tình trạng sinh viên hệ cử tuyển ra trường nhưng chưa có việc làm một phần là do việc xác định đăng ký chỉ tiêu cử tuyển hàng năm của các huyện không bám sát theo nhu cầu tuyển dụng của các địa phương dẫn đến cung vượt quá cầu. Hơn nữa, có tình trạng sinh viên hệ cử tuyển ra trường không muốn làm việc ở vùng sâu, vùng xa, còn đòi hỏi bố trí việc làm ở trung tâm huyện. Ông Đinh Xuân Lâm - Phó Giám đốc Sở Nội vụ đề xuất: “Huyện phải cân đối các chỉ tiêu cử tuyển với bố trí việc làm trước, sau đó mới gửi lên tỉnh và tỉnh sẽ rà soát lại. Trong việc này giữa cấp tỉnh và huyện cần phối hợp nhịp nhàng hơn để phát huy hiệu quả chính sách cử tuyển”.

Hiến Chương

Mới nhất
x
Phát huy hiệu quả chính sách cử tuyển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO