Phát huy hiệu quả hệ thống truyền thanh cơ sở

29/05/2014 15:17

(Baonghean) - Việc đưa thông tin đến với bà con bằng hình thức truyền thanh cơ sở đã góp phần ổn định an ninh - chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân vùng cao, nhất là trong việc xây dựng nông thôn mới. Với đặc thù của 11 huyện miền núi, trong đó 6 huyện miền núi cao của Nghệ An, hệ thống truyền thanh không dây là công cụ truyền thông hữu hiệu trong thời kỳ bùng nổ thông tin, phù hợp với địa bàn rộng, dân cư sống phân tán.

Phát triển theo xu thế mới: Kết nối không dây

Hiện trên địa bàn tỉnh, mạng truyền thanh cơ sở về cơ bản đã chuyển từ mạng hữu tuyến (có dây) sang mạng vô tuyến (không dây) thế hệ mới. Đây là hệ thống truyền thanh ứng dụng các công nghệ điện tử khắc phục được các nhược điểm của công nghệ hữu tuyến trước đây không bị nhiễu sóng truyền hình, đảm bảo an ninh sóng trên toàn hệ thống khi được cấp phép và quản lý tần số của từng đài phát. Với những ưu việt đó, trong những năm gần đây, hệ thống truyền thanh cơ sở theo “hình thức không dây” được đưa vào sử dụng khá phổ biến, giúp cho việc tuyên truyền chủ trương chính sách các thông tin về văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị của địa phương kịp thời, đến nhanh nhất với người dân.

Đặc biệt, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hệ thống truyền thanh không dây là công cụ hỗ trợ hiệu quả để các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm phát động phong trào đến đông đảo quần chúng nhân dân. Qua hệ thống truyền thanh cơ sở, phần lớn người dân đã hiểu được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhiều gương điển hình về việc hiến đất, ngày công… để xây dựng các công trình công cộng, các mô hình phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt được thông tin kịp thời đến người dân.

Cột ăng-ten tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu.
Cột ăng-ten tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu.

Trao đổi về việc sau hơn 2 tháng đưa hệ thống truyền thanh không dây vào vận hành tại xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, ông Nguyễn Duy Kết - Chủ tịch UBND xã bộc bạch: “Từ khi có cụm loa truyền thanh lắp đặt ở xã, đến giờ đài phát sóng, dù có bận công việc gia đình hay chuyện đồng áng, bà con đều dễ dàng nghe được tin tức, kịp thời nắm bắt những thông tin thời sự bổ ích, nhất là những vấn đề có liên quan đến chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đây cũng là một kênh thông tin hiệu quả trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của xã tới người dân...”. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông không quên nhấn mạnh: “Những cụm loa truyền thanh như thế này rất hiệu quả”.

Đừng để người dân kêu “khổ vì truyền thanh”

Dù hiệu quả bước đầu được khẳng định, tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm để hình thức truyền thông này phát triển vững chắc. Trao đổi với một số người dân ở xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ về hệ thống loa lắp ngay cạnh nhà, họ tâm sự: “Hệ thống loa, âm thanh, nội dung nói chung thiết thực với bà con. Tuy nhiên, hệ thống này không phải lúc nào cũng dễ chịu. Đôi lúc vào buổi sáng loa tút liên hồi, đôi khi tiếng nói lại ồ ồ, tiếng sôi lớn quá, ù ù như máy bay, rồi thỉnh thoảng đang im thì tự nhiên ầm ầm… Đúng là, khổ vì truyền thanh!”.

Về nội dung thông tin, tìm hiểu các nội dung được đọc trên hệ thống truyền thanh ở một số xã cho thấy, nhiều nội dung phát trên hệ thống truyền thanh xã còn chuẩn bị sơ sài, trùng lặp, thiếu thông tin và chưa hấp dẫn người nghe. Một số nội dung tuyên truyền, giáo dục lịch sử chủ yếu đưa sách lịch sử ra đọc, trong khi giọng đọc có nơi chưa truyền cảm, chưa lôi cuốn người dân. Thậm chí có nhiều nội dung được đọc đi, đọc lại. Ngoài ra, nhiều xã mặc dù đã được đầu tư hệ thống truyền thanh đồng bộ, tuy nhiên độ phủ sóng chưa đến hết các hộ dân cư, đặc biệt là ở những xã có các cụm dân cư phân bố phân tán, cách xa trạm phát trung tâm. Do địa hình phức tạp, mùa mưa bão làm chệch vị trí chuẩn của ăng ten thu cụm thu, điện lưới không ổn định, sét… làm hỏng hóc, ảnh hưởng chất lượng tín hiệu âm thanh. Cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở ở một số nơi còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm, một số kiêm nhiệm nhiều việc... nên chất lượng chưa cao. Một số xã, thị trấn lãnh đạo chưa quan tâm chỉ đạo nên việc vận hành, quản lý thiết bị thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng các trang thiết bị đã được đầu tư bị hư hỏng.

Theo đề án phát triển hệ thống đài truyền thanh cơ sở tỉnh Nghệ An đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tháng 1/2013 thì cần đến gần 140 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, nguồn kinh phí phân bổ hàng năm cho hệ thống truyền thanh cơ sở còn hạn chế nên tiến độ thực hiện chậm so với yêu cầu.

Những việc cần phải làm

Truyền thanh cơ sở là một trong những hình thức truyền thông nhanh, kịp thời, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên muốn hệ thống truyền thanh hoạt động hiệu quả, điều quan trọng nhất là các đơn vị phải biết cách tổ chức thực hiện. Ở vị trí này chưa có chức danh cụ thể nên cán bộ làm phát thanh ở cơ sở đều kiêm nhiệm, đây là một hạn chế cần khắc phục. Để nâng cao chất lượng các buổi phát thanh đòi hỏi những người làm truyền thanh ở cơ sở phải thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu, hằng ngày tiếp cận những thông tin mới và được đào tạo nghiệp vụ. Trong 3 năm qua, Sở TT&TT đã tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ công tác truyền thanh cơ sở, khuyến khích những cán bộ lâu năm, có kinh nghiệm truyền đạt lại kiến thức cho cán bộ mới. Theo đề án được phê duyệt đến năm 2020, mỗi đài truyền thanh cấp xã có từ 2-3 cán bộ chuyên trách, quản lý, vận hành khai thác. Các cán bộ chuyên trách về truyền thông cơ sở phải được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả đài, trạm truyền thanh và các trang thiết bị tác nghiệp.

Cụm thiết bị gồm máy phát, máy tính để làm chương trình của  xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu)
Cụm thiết bị gồm máy phát, máy tính để làm chương trình của xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu)

Với số lượng các đài truyền thanh trước đây đã đầu tư bằng công nghệ cũ, lạc hậu, không còn hoạt động thì cần sửa chữa, nâng cấp hoặc thay thế bằng các thiết bị tương thích để đảm bảo mục tiêu chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả. Với các xã chưa có hoặc có nhưng hư hỏng không thể khắc phục, cần đầu tư xây dựng mới với lộ trình ưu tiên trước đối với những khu vực chưa có đài truyền thanh, các xã khó khăn, miền núi cao, biên giới nhưng đã có điện sinh hoạt.

Về công nghệ, sử dụng công nghệ truyền thanh hiện đại không dây, số hóa đảm bảo vận hành, quản lý, bảo trì đơn giản, phù hợp với trình độ kỹ thuật cán bộ, có khả năng nâng cấp, mở rộng trong tương lai. Nội dung thông tin phải gắn với nhiệm vụ, đối tượng tiếp nhận, quan tâm tới những vấn đề về nông nghiệp, nông thôn và công tác xây dựng nông thôn mới. Nội dung tuyên truyền được chuẩn bị bám sát với yêu cầu chỉ đạo; tranh thủ việc sử dụng nội dung thông tin được sản xuất bằng nguồn ngân sách nhà nước phù hợp với địa phương. Hình thức thể hiện dễ hiểu, dễ tiếp thu, phát thanh viên có giọng đọc mạch lạc, rõ ràng, truyền cảm. Nội dung trước khi phát sóng phải được lãnh đạo xã xem xét, thẩm định.

Với mục tiêu đến năm 2020, 100% số xã trên địa bàn tỉnh được trang bị hệ thống truyền thanh cần bố trí kinh phí cho nội dung này từ các dự án “Chương trình mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở” và “Chương trình nông thôn mới”. Với những xã đã được đầu tư, hàng năm phải bố trí kinh phí cho việc hoạt động, bảo trì, bảo dưỡng. Ngoài ra cần huy động các nguồn ngân sách tỉnh, huyện, xã và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai hệ thống truyền thanh cơ sở đúng tiến độ.

Phan Nguyên Hào

Sở TT&TT Nghệ An

Phát huy hiệu quả hệ thống truyền thanh cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO