Phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ nông dân
(Baonghean) - Với mục tiêu không lợi nhuận, những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp hàng nghìn lượt hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An được vay vốn với lãi suất ưu đãi, đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Hiệu quả tích cực không chỉ giúp các hộ dân thoát nghèo, nâng cao đời sống mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Mô hình sản xuất nấm ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành. |
Trở lại làng nghề hương thẻ Tây Lân, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay nhanh chóng trong phát triển nghề nơi đây. Vài năm trước, hầu hết các hộ dân đều làm nghề một cách thủ công thì nay tất cả các công đoạn làm hương từ xay, trộn nguyên liệu, vo hương đều được vận hành bằng máy móc, sản lượng hương của làng nghề cung ứng ra thị trường tăng gấp hàng chục lần so với trước. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Văn Nam, Trưởng làng nghề hương thẻ Tây Lân cho biết: “Nhờ có nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân nên các hộ dân mới mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, nguyên, vật liệu để nhân rộng và phát triển nghề. Bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, nhân công, các hộ làm hương còn có lãi từ 100 đến 150 triệu đồng; nhiều hộ đã mua sắm được ô tô để phục vụ giao dịch”.
Còn bà con nông dân ở xóm Hòa Hội, xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) vẫn mãi trăn trở với nghề bởi luôn thiếu vốn đầu tư. Đặc thù của nghề chổi đót là có thể làm và tiêu thụ suốt quanh năm, nhưng mùa thu mua nguyên liệu lại chỉ tập trung trong vòng 1 tháng. Vì vậy, nếu không sẵn vốn để thu mua nguyên liệu thì chỉ có thể duy trì nghề trong một thời gian ngắn hoặc phải chấp nhận mua lại nguyên liệu từ các làng nghề khác nên thu nhập không cao. Được Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay 500 triệu đồng, 25 gia đình của xóm đã đến tận các huyện miền núi cao trong tỉnh và ra tỉnh Hòa Bình để thu mua nguyên liệu. Mùa nguyên liệu đót năm nay, nhà ít cũng thu mua, tích trữ từ 1-2 tấn đót trị giá 25 - 35 triệu đồng.
Mô hình trồng nấm của chị Ngô Thị Hòa, xóm 5, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn). Ảnh: Đinh Thùy |
Hộ anh Nguyễn Thanh, xóm Nghĩa Phú, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) được Hội Nông dân cho vay 25 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, mua một cặp hươu giống và vay mượn thêm của anh em, bạn bè xây dựng chuồng trại với tổng số tiền 50 triệu đồng. Sau 2 năm chăm sóc, đến nay hươu cái đã đẻ được 2 hươu con, hươu đực đã cho cắt lộc thu về 10 triệu đồng. Anh cho biết, từ năm thứ 3 trở đi giá trị con hươu đực đã tăng gấp 2 lần so với khi mua giống, trung bình mỗi năm cho 1 kg lộc, tương đương 10 triệu đồng; cặp hươu con được giữ lại nuôi cũng bắt đầu cho cho lộc đang hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Cùng với anh Thanh, 15 hộ gia đình ở xã vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã mua giống, làm chuồng nuôi hươu đang góp phần nhân rộng mô hình.
Sau 2 năm hoạt động theo điều lệ mới, hiệu quả kinh tế từ các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Nghệ An được khẳng định rõ nét. Từ các dự án chăn nuôi đã đưa số lượng vật nuôi truyền thống như trâu, bò tăng thêm 500 con, giá trị ước đạt trên gần 7 tỷ đồng; tổng sản lượng lợn thịt tăng thêm được 30.800 kg, trị giá đạt 2 tỷ đồng; tổng đàn lợn nái tăng thêm được 10.325 con, trị giá 6,6 tỷ đồng. Mô hình chăm sóc vật nuôi mới như nhím, hươu, lợn rừng... cũng phát huy hiệu quả. Các mô hình nuôi trồng và chế biến thủy sản đạt 15.828 kg tôm, trị giá 2,2 tỷ đồng; 8.767 kg cá thịt, trị giá 395 triệu đồng; chế biến nước mắm tăng 10.000 lít, giá trị đạt 600 triệu đồng. Giá trị thu nhập từ sản xuất, trồng trọt đạt 5,5 tỷ đồng... Tổng giá trị tăng thêm từ các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân là 28,5 tỷ đồng, đạt 28.375.000 đồng/hộ/năm.
Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh còn hỗ trợ các làng nghề, tổ liên gia, câu lạc bộ chăn nuôi, sản xuất những cách thức quản lý, phát triển sản xuất hiệu quả. Nhiều nơi đã bầu được Ban đại diện để hoạch định kế hoạch sản xuất, giám sát chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Hữu Nhị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Tuy nguồn vốn vay chưa cao, với mức vay tối đa chỉ 30 triệu đồng/hộ, nhưng Quỹ đã thực sự có ý nghĩa giúp hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, mở rộng quy mô phát triển ngành nghề.
Đặc biệt, từ nguồn vốn quỹ đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và phát triển các hình thức kinh tế tập trung ở nông thôn. Đến nay, tổng nguồn vốn của Quỹ trên địa bàn tỉnh đạt gần 25 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của Trung ương hội ủy thác là 10,5 tỷ đồng, nguồn vốn của tỉnh 12 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn của huyện và xã. Hiện toàn tỉnh đang triển khai trên 91 dự án cho 1.128 hộ vay. Trong 6 tháng đầu năm 2015 sẽ tập trung thu hồi vốn tại 23 dự án, đồng thời triển khai tiếp 23 dự án với số tiền 8,33 tỷ đồng cho 359 hộ vay. Hội Nông dân trong tỉnh đang tiếp tục nỗ lực tăng cường khai thác các nguồn vốn, tạo điều kiện cho nhiều hội viên được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Hoàng Minh
CTV
TIN LIÊN QUAN |
---|