Phát huy kết quả dự án phát triển nông thôn miền Tây

25/07/2015 11:27

(Baonghean) - Dự án phát triển nông thôn miền tây Nghệ An (VIE/028) thực hiện tại địa bàn 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông do Chính phủ Luxembourg tài trợ đã kết thúc sau 6 năm hoạt động (2009-2015). Với mức đầu tư 6.350.000 EUR trong 6 năm cho 100.960 người thuộc các hộ nghèo đã được hưởng lợi ở 293 thôn, bản của 33 xã đặc biệt khó khăn.

Dọc đường vào các xã Yên Na, Yên Hòa (Tương Dương) thời điểm này vẫn còn những rẫy ngô trải dài từ chân đồi lên đến các đỉnh đèo. Anh Vi Văn Vượng ở bản Bón, xã Yên Na trồng ngô rẫy phấn khởi cho hay: “Năm 2012, được Dự án VIE/028 hỗ trợ 2 kg ngô giống, lại được cán bộ khuyến nông vào hướng dẫn kỹ thuật, quy trình trồng ngô trên đất dốc. Ngay từ vụ đầu tiên tôi đã thắng lợi được 400 kg ngô, bán với giá 3.000 đồng/kg được 1,2 triệu đồng/vụ. Đến nay chúng tôi tăng thêm diện tích trồng ngô, mỗi năm có thu nhập từ ngô khoảng 10 - 12 triệu đồng.

Từ trồng ngô, gia đình có điều kiện để tận dụng phụ phẩm chăn nuôi trâu, bò, lợn, cải thiện cuộc sống gia đình”. Theo anh Vượng thì lâu nay đất rẫy trồng lúa do canh tác quá nhiều năm nên bị bạc màu, năng suất lúa kém. Nhờ được hướng dẫn cải tạo đất và trồng ngô đã mang lại hiệu quả thiết thực. Anh Pay Văn Út, cán bộ khuyến nông xã Yên Na chia sẻ: Cây ngô đã trở thành cây trồng chủ lực trong xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào nơi đây. Từ chỗ dự án chỉ làm mô hình trồng hơn 3 ha ngô trên đất dốc, nay bà con xã Yên Na đã phát triển trồng ngô trên đất dốc gần 100 ha/năm. Toàn huyện Tương Dương hiện có trên 2.700 ha ngô trên đất rẫy, chủ yếu sử dụng giống lai như LVN 14, CP A 88…

Mô hình trồng ngô trên đất dốc ở xã Yên Na (Tương Dương) cho năng suất cao.
Mô hình trồng ngô trên đất dốc ở xã Yên Na (Tương Dương) cho năng suất cao.

Dự án VIE/028 còn góp phần thúc đẩy phong trào phát triển chăn nuôi gia cầm trên địa bàn. Cụ thể như mô hình nuôi vịt bầu với mục đích khôi phục, nhân rộng giống vịt bầu địa phương trên địa bàn huyện Tương Dương đã giúp các hộ nghèo tăng thêm thu nhập. Chúng tôi đã đến thăm mô hình nuôi vịt bầu của gia đình ông Vi Văn Việt ở bản Noóng Mò, xã Xiêng My. Chuồng vịt của ông Việt được làm ngay gần bờ suối thoáng mát. Năm 2012, được Dự án VIE/028 cấp 50 con giống vịt bầu, vịt được tiêm đầy đủ vắc-xin dịch tả và tụ huyết trùng, ngoài ra còn được hỗ trợ 5 kg thức ăn hỗn hợp.

Ông Việt cho biết: “Trước khi triển khai mô hình chúng tôi được chuyển giao kỹ thuật nuôi, hàng tháng cán bộ khuyến nông tổ chức kiểm tra tình hình dịch bệnh, sinh trưởng của đàn vịt. Sau thời gian hơn 2 tháng nuôi, kết quả đạt được khá tốt, đàn vịt nuôi đạt tỷ lệ sống gần 96%, trọng lượng bình quân 2 kg/con. Nhận thấy tiềm năng nuôi vịt bầu ở đây khá thuận tiện, gần khe suối nên tôi đã tăng lên gần 100 con vịt bầu, trên 20 con vịt đẻ, mỗi năm cho thu nhập từ vịt bầu khoảng 16 -18 triệu đồng. Trước đây gia đình chỉ làm lúa rẫy và nuôi lợn truyền thống nên quanh năm vẫn không đủ ăn, nay nhờ nuôi vịt bầu mà gia đình vừa thoát nghèo lại có tiền tu sửa nhà cửa, nuôi con cái học hành. Nhiều hộ học tập nuôi vịt theo gia đình tôi. Hiện ở xã Nga My có trên 20 hộ nuôi vịt bầu, xã Xiêng My có trên 50 hộ nuôi vịt bầu”.

Ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng Nông nghiệp Tương Dương cho biết thêm: Hiệu quả Dự án VIE/028 mang lại là rất rõ, từ năm 2009 đến nay đã xây dựng được 55 mô hình sản xuất, bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, nuôi ong, làm chổi đót, mây tre đan... Thi công 22 công trình quy mô nhỏ cho 22 bản thuộc vùng dự án với số người được hưởng lợi là trên 10.000 người, 2 công trình quy mô vừa với tổng kinh phí 13,77 tỷ đồng với tiến độ đúng với yêu cầu đề ra.

Bên cạnh đó, Dự án VIE/028 còn hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi hiệu quả ở Kỳ Sơn. Điển hình như mô hình nuôi ong của gia đình ông Vi Văn Hùng ở bản Na Khướng, xã Na Loi, được dự án hỗ trợ 2 thùng, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình nuôi ông Hùng đã nhân lên được 15 thùng ong, mỗi năm thu 50 chai mật, bán với giá 180.000 - 200.000 đồng/chai. Ông Lô Hải Phòng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: Năm 2012, dự án hỗ trợ cho 15 hộ dân ở Na Loi, Bắc Lý, Chiêu Lưu, Phà Đánh mỗi hộ 2 đàn ong mật và được tập huấn kỹ thuật nuôi, cơ bản các hộ nuôi ong đều phát huy hiệu quả, như hộ ông Lương Văn Nam ở Na Loi từ 2 thùng ong đã nhân giống lên 30 thùng, thu nhập 15 - 20 triệu đồng/năm.

Hiện có gần 70 hộ ở các xã Phà Đánh, Mỹ Lý, Na Loi… đang tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi ong mật. Dự án VIE/028 còn xây dựng các mô hình trồng ngô trên đất rẫy đã phát huy hiệu quả ở Mường Típ, Mường Ải, trồng lạc trên đất ruộng cao cưỡng không cấy được lúa ở Bắc Lý 1 ha, đến nay đã nhân rộng 4 ha. Từ năm 2012 đến nay, Dự án VIE/028 đã đầu tư xây dựng được 4 cầu tràn bắc qua bản Cánh, xã Tà Cạ, Tây Sơn, Bắc Lý… giúp người dân và các phương tiện giao thông đi lại an toàn.

Có thể thấy, Dự án VIE/028 đã có tác động lớn đến ý thức những hộ dân tham gia dự án thông qua các hoạt động xây dựng năng lực. Dự án đã xây dựng 91 công trình vừa và nhỏ, 346 mô hình thí điểm trong sản xuất nông nghiệp và tạo thu nhập, với trên 8.060 nông dân hưởng lợi. Tập trung chủ yếu vào các mô hình cây trồng như lúa, ngô, lạc, đậu xanh, gừng, vừng, rau các loại, chuối… Hoạt động chăn nuôi có 201 mô hình, 1,661 nông dân hưởng lợi, tập trung vào các loại vật nuôi được thị trường ưa chuộng như gà, vịt, lợn và mô hình VACR. Xây dựng mô hình kỹ thuật canh tác trên đất dốc chủ yếu trồng ngô ở 2 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn. Đây là một trong những cách để thay thế phương pháp phát - đốt rẫy truyền thống, hạn chế xói mòn đất, làm giàu đất và bảo vệ môi trường.

Dự án VIE/028 có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế xã hội miền Tây của tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức về xã hội, môi trường, kỹ thuật sản xuất, bình đẳng giới, biến đổi khí hậu... đặc biệt góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của 3 huyện: Kỳ Sơn 90% năm 2007 xuống còn 52,79% năm 2014, Tương Dương 85% năm 2007 xuống còn 45,38% năm 2014, Con Cuông 65% năm 2007 xuống còn 32,2% năm 2014, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, các công trình hạ tầng do dự án xây dựng đều khẳng định chất lượng và đang tiếp tục phát huy hiệu quả tốt, các mô hình sản xuất đang duy trì và tiếp tục nhân rộng.

Bên cạnh những hiệu quả từ dự án mang lại thì vẫn còn những hạn chế. Như địa bàn vùng núi rộng, khó khăn cho việc đi lại, thời tiết thất thường. Dự án vẫn thiếu cán bộ kỹ thuật, một số cán bộ còn thiếu kiến thức và các kỹ năng chuyên môn. Chưa kể một số phòng, ban của các huyện phối hợp với dự án nhưng lại bận công việc chuyên môn và chưa thực sự quan tâm cao. Vì vậy, một số mô hình vẫn chưa phát huy hiệu quả, cụ thể như mô hình nuôi dúi được dự án hỗ trợ cho 20 hộ dân ở các xã Yên Thắng, Yên Hòa, Nga My (Tương Dương) từ năm 2013, mỗi hộ được hỗ trợ 2 triệu đồng mua giống, được cán bộ hướng dẫn quy trình nuôi. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, chăm sóc chưa đúng quy trình, quản lý không tốt khiến dúi phá chuồng chạy hết.

Dự án đã kết thúc, để phát huy hiệu quả, các huyện tiếp tục quản lý, sử dụng và bảo dưỡng các công trình đúng quy định. Ngành Nông nghiệp tiếp tục nhân rộng các mô hình có hiệu quả không chỉ tại 3 huyện mà mở rộng ra các vùng có điều kiện tương tự trên cả tỉnh để giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Văn Trường

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Phát huy kết quả dự án phát triển nông thôn miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO