Phát huy nguồn hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế
(Baonghean) - Khó khăn lớn nhất của người nông dân khi bước vào hội nhập chính là thiếu vốn, kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra giá trị sản xuất cao.
Vì vậy, Kết luận số 61 của Ban Bí thư TW Đảng (khoá X) về Đề án “Nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” (Kết luận 61) là chìa khóa mở ra những thuận lợi cho người nông dân.
Mấu chốt trong thực hiện Kết luận 61 chính là Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đi vào hoạt động hiệu quả và người nông dân được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật, vừa ra mở ra thêm một kênh tiếp cận vốn, vừa trang bị kiến thức KHKT.
Triển khai từ năm 2012, Hội Nông dân xã Châu Hạnh, Quỳ Châu đã phân bổ 300 triệu đồng từ quỹ này cho nông dân vay mua trâu, bò, phát triển sản xuất.
Mô hình trồng rễ hương của nông dân Quỳ Châu. Ảnh Đặng Cường |
Từ nguồn vốn vay, anh Lương Văn Quang, bản Minh Tiến, xã Châu Hạnh được vay một con bò sinh sản. Sau 3 năm nuôi, gia đình đã có 3 con bò. Anh Quang chia sẻ: “Đây là một tài sản lớn. Gia đình sẽ cố gắng chăm sóc tốt, phát triển đàn bò để nâng cao thu nhập”.
Giai đoạn 2013 – 2015, Hội Nông dân Quỳ Châu tổ chức tuyên truyền, vận động các cấp hội đóng góp ủng hộ xây dựng quỹ được trên 40 triệu đồng. Từ nguồn vốn huy động trên địa bàn và nguồn ủy thác cấp tỉnh là 600 triệu đồng, đến nay, Hội đã điều tiết xây dựng các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao.
Tại huyện Đô Lương, thông qua triển khai Kết luận 61, nhiều nông dân đã được tiếp cận KHKT, vốn vay để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên quê hương. Trong đó có mô hình VAC của nông dân Nguyễn Văn Hán ở xóm 10, xã Tân Sơn, Đô Lương, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Hán chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là thông qua Hội Nông dân, tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng. Do đó, khi xây dựng trang trại, ngoài nguồn vốn kinh phí từ gia đình và hội thì tôi còn có nguồn vốn quan trọng khác là hiểu biết về KHKT, góp phần sản xuất nhanh, hiệu quả”.
Ông Nguyễn Văn Hán, xóm 10, Tân Sơn, Đô Lương (đứng giữa) đang trao đổi về hiệu quả nuôi cá trong gia trại. |
Ở Đô Lương, bình quân mỗi năm có khoảng 1.000 hội viên nông dân được đào tạo nghề ngắn hạn thông qua các lớp do Hội phối hợp các các trường nghề mở. Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ đã có trên 2,2 tỷ đồng nguồn vốn quay vòng cho nông dân vay.
Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh, việc triển khai Kết luận 61 ngay từ đầu đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo rất lớn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 61 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh có chương trình phối hợp giai đoạn 2011 -2020.
Từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh cũng đã cấp cho Quỹ hỗ trợ nông dân 15 tỷ đồng; bên cạnh đó, Trung ương Hội Nông dân đã ủy thác nguồn cấp từ Chính phủ cho Quỹ hỗ trợ nông dân Nghệ An với số tiền hơn 13 tỷ đồng. Qua đó, đã có trên 1.500 hộ nông dân được tiếp cận nguồn vốn để xây dựng mô hình và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, hàng ngàn nông dân cũng đã được đào tạo nghề.
Đồng chí Trần Văn Hường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh đánh giá hiệu quả Kết luân 61: “Nhiều hội viên được hưởng lợi từ các nguồn đầu tư của Nhà nước, trong đó quan trọng nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là ở các vùng khó khăn. Nhiều mô hình kinh tế phát triển hiệu quả cao. Hộ sản xuất kinh doanh giỏi tăng 1,5 lần, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo".
Nhật Lệ
TIN LIÊN QUAN