Phát huy nguồn lực "hậu" xuất khẩu lao động

06/10/2014 15:03

(Baonghean) - Nhiều năm qua, xuất khẩu lao động được coi là giải pháp hiệu quả trong mục tiêu giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở vùng nông thôn. Nhưng, làm sao để phát huy hiệu quả nguồn lực tài chính và con người sau khi xuất khẩu lao động vẫn là vấn đề cần xem xét…

(Baonghean) - Nhiều năm qua, xuất khẩu lao động được coi là giải pháp hiệu quả trong mục tiêu giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở vùng nông thôn. Nhưng, làm sao để phát huy hiệu quả nguồn lực tài chính và con người sau khi xuất khẩu lao động vẫn là vấn đề cần xem xét…

Xã Hưng Tân là một trong những địa phương có số người đi xuất khẩu lao động đông nhất của huyện Hưng Nguyên. Bình quân mỗi năm xã có từ 40 – 50 người đi xuất khẩu lao động và hiện nay, toàn xã có gần 300 lao động đang làm việc tập trung chủ yếu các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Đông và Lào… Hàng năm, nguồn tiền từ xuất khẩu lao động chuyển về Hưng Tân hơn 20 tỷ đồng, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2012 của toàn xã lên 22 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 4,6%. Nhiều gia đình nghèo, nhờ có con em đi làm ăn ở nước ngoài, đã có tiền xây dựng nhà ở khang trang, mua sắm được nhiều đồ dùng có giá trị. Nhiều gia đình đã biết sử dụng hiệu quả nguồn tiền tích lũy từ xuất khẩu lao động để phát triển sản xuất, đầu tư bền vững cho tương lai.

Anh Nguyễn Đình Trình (SN 1988) ở xóm 7 là con út trong một gia đình thuần nông có 4 anh, chị em. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp THPT, xác định lực học của mình không thể thi vào các trường đại học, cao đẳng, Trình đã chọn con đường đi lao động ở Malaysia. Trong 3 năm làm công nhân ở một công ty giày dép xuất khẩu, mức lương trung bình của Trình hơn 5 triệu đồng/tháng – cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân của người dân trong xã thời điểm đó. Nhưng sau khi về nước, trả hết các khoản nợ thì số tiền còn lại của Trình chỉ đủ để sắm một chiếc xe máy. Hai năm ở nhà lăn lộn đi làm thuê trong Nam, ngoài Bắc, Trình thấm thía được sự vất vả của lao động phổ thông trong nước và anh lại đi xuất khẩu lao động một lần nữa. Đầu năm 2011, Trình may mắn được tuyển dụng đi tu nghiệp tại Nhật Bản trong thời gian 3 năm. Trình cho biết: “Điều kiện làm việc ở Nhật Bản tốt hơn nhiều so với ở Việt Nam, được làm việc với máy móc hiện đại, mức lương cao gần 20 triệu đồng/tháng. Sau 3 năm làm việc ở Nhật, em tích lũy được hơn 600 triệu đồng. Không những vậy, em còn học được ở người Nhật tinh thần làm việc chăm chỉ và ý thức kỷ luật cao”. Trở về quê, Trình dùng số tiền tích lũy được đầu tư cho sản xuất để gia đình thoát nghèo bền vững. Nhận thấy ở xã Hưng Tân và các xã lân cận hầu như không có cơ sở nào sản xuất giò chả, Trình quyết định mua sắm máy móc, mở cơ sở làm giò chả tại nhà. Dù mới chỉ đi vào hoạt động được vài tháng, nhưng cơ sở làm giò chả của Trình đã cho thu nhập tạm ổn. Trình cho biết, sắp tới anh có dự định đầu tư mô hình nuôi lươn và nuôi dúi để tăng thu nhập.

Anh Nguyễn Đình Trình (xóm 7, xã Hưng Tân) bên chiếc máy làm giò chả của gia đình.
Anh Nguyễn Đình Trình (xóm 7, xã Hưng Tân) bên chiếc máy làm giò chả của gia đình.

Xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) hiện có 200 người đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn tiền từ xuất khẩu lao động, nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững. Điển hình như gia đình bà Ngô Thị Vinh ở xóm 8, trước đây là một trong những hộ nghèo nhất xóm, chồng mất, một mình nuôi 5 người con, bà Vinh phải bươn chải nhiều nghề để mưu sinh nuôi các khôn lớn. Nhưng từ ngày 3 người con của bà đi xuất khẩu lao động ở các nước Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, cuộc sống của gia đình bà đã thay đổi. Anh Dương Văn Thịnh – con trai thứ hai của bà Vinh, vừa đi XKLĐ ở Hàn Quốc về, cho biết: “Trở về từ Hàn Quốc vào tháng 3 vừa qua, tôi tích lũy được khoảng 800 triệu đồng. Tôi trích ra 300 triệu đồng xây một căn nhà khang trang. Số vốn còn lại tôi đầu tư cho mẹ mở cửa hàng tạp hóa. Có tay nghề, tôi xin vào làm công nhân cơ khí tại Khu công nghiệp Bắc Vinh, cuộc sống gia đình cơ bản đã ổn định”.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2011 đến nay, mỗi năm toàn tỉnh có hơn 11.000 người đi xuất khẩu lao động. Phần lớn người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đều có mức lương cao gấp 2 lần so với làm việc trong nước. Ở một số thị trường thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, sau 2 đến 3 năm làm việc, người lao động có thể tích lũy số tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, họ đều là những lao động đã qua đào tạo, có trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp được nâng cao hơn so với làm việc trong nước. Nhờ những yếu tố đó, khi trở về, nhiều người đã năng động trong việc tự tạo việc làm, mở cơ sở sản xuất riêng để phát triển kinh tế gia đình. Ví như ở xóm 4, xã Nghi Thuận (Nghi Lộc), anh Nguyễn Văn Trung (SN 1985), sau 3 năm làm công nhân hàn tại Malaysia, trở về địa phương vào tháng 12/2012. Với tay nghề cùng vốn liếng dành dụm được, anh Trung đã mạnh dạn mở một xưởng gò hàn tại nhà. Anh Trung cho biết: “Sau khi học trung cấp gò hàn, không tìm được việc làm nên em đăng ký đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Ở bên đó, em làm việc ở Công ty dầu khí Mỹ Kennaca, thu nhập xấp xỉ 16 triệu đồng/tháng. Sau khi hết hạn hợp đồng, em về nhà mở xưởng gò hàn này, hiện nay thu nhập mỗi tháng từ 7-8 triệu đồng”. Trung cũng chia sẻ rằng khi đi xuất khẩu lao động phải xác định ngay từ đầu là để kiếm tiền, vì vậy phải tuân thủ mọi quy định, làm việc theo nếp sống công nghiệp của nước bạn và nhất là phải tiết kiệm để có tiền gửi về cho gia đình, tích lũy cho tương lai.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, đã có một số phường, xã làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho lao động sau khi đi xuất khẩu trở về, như phường Nghi Hải, Nghi Tân (Thị xã Cửa Lò), xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc)… Ông Lê Văn Phú – Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Tân cho biết: “Những năm gần đây, Nghi Tân có gần 1.000 người lao động đi xuất khẩu lao động ở các nước khác nhau, hàng năm gửi về địa phương hàng chục tỷ đồng. Hàng năm, thông qua ban cán sự các khối, phường luôn nắm bắt chặt chẽ số lượng lao động đi xuất khẩu trở về, hoàn cảnh gia đình của từng lao động để gặp gỡ, tuyên truyền cho họ về việc sử dụng nguồn vốn tích lũy được vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Với những người đi xuất khẩu lao động trở về, có nguồn vốn tích lũy lớn, phường đã tạo điều kiện cho họ được thuê mặt bằng tại những vị trí thuận lợi để đầu tư kinh doanh những ngành nghề dịch vụ, hậu cần nghề cá…, vừa không lãng phí nguồn nhân lực xuất khẩu lao động trở về, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phường phát triển”.

Tuy vậy, nhìn chung trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một thực tế là hiện nay, nhiều gia đình vẫn chưa có ý thức sử dụng hiệu quả nguồn vốn tích lũy từ xuất khẩu lao động. Vẫn còn nhiều gia đình sử dụng số tiền do người đi xuất khẩu lao động gửi về một cách hoang phí, không có sự tính toán, đầu tư cho tương lai... Điều này gây nên sự lãng phí không nhỏ trong việc sử dụng nguồn lực (tài chính và nhân lực) “hậu” xuất khẩu lao động. Do vậy, trước hết mỗi người lao động phải có ý thức sử dụng hiệu quả đồng vốn do mình làm ra, phát huy năng lực, tay nghề đã học hỏi được trong quá trình đi XKLĐ nhằm làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: Minh Quân

Mới nhất
x
Phát huy nguồn lực "hậu" xuất khẩu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO