Phát huy phẩm chất, năng lực đội ngũ chính ủy, chính trị viên
(Baonghean) - Ngày 20/7/2005, Bộ Chính trị (Khóa IX) ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TƯ “về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính uỷ, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Sau 8 năm thực hiện, LLVT tỉnh đã triển khai đồng bộ ở các cấp, các đơn vị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với LLVT, góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Đảng ủy Quân sự tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam” trong điều kiện còn gặp khó khăn. Đó là về cơ chế, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, đội ngũ cán bộ chính trị sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị (Khóa 5) bộc lộ nhiều nhược điểm, hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn và phương pháp, tác phong công tác; trình độ không đồng đều, số lượng được đào tạo cơ bản còn hạn chế, vị thế năng lực toàn diện của một số đồng chí có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là cấp phân đội, nên quá trình thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn.
Đại tá Bùi Hoài Thanh - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh dặn dò các thanh niên lên đường nhập ngũ. Ảnh: Trọng Kiên |
Để kiện toàn tổ chức biên chế chức danh chính ủy, chính trị viên, Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chặt chẽ việc đánh giá, lựa chọn, sắp xếp, đề nghị bổ nhiệm các chức danh theo phân cấp quản lý, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, tiêu chuẩn; tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn đảng bộ và đơn vị. Đặc biệt trong bổ nhiệm mới, trên cơ sở tiêu chuẩn chung thì vấn đề được đặt lên hàng đầu đối với đội ngũ chính ủy, chính trị viên là phẩm chất chính trị và đức hy sinh. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tiến hành nhiều biện pháp bồi dưỡng, tạo nguồn tại chỗ và tiếp nhận cán bộ từ các đơn vị chủ lực để từng bước bảo đảm về số lượng, nâng cao chất lượng; mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ có năng lực và trách nhiệm vào các vị trí thích hợp.
Từ 2006 – 2013, cấp trên và đơn vị bổ nhiệm 119 lượt chính ủy, phó chính ủy, chính trị viên, chính trị viên phó các cấp. Thông qua 16 lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ chính trị cho 996 lượt cán bộ tham gia, đã trang bị cho đội ngũ cán bộ nắm chắc nguyên tắc tiến hành công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT) trong từng đơn vị, tổ đội công tác.
Đặc biệt, khi triển khai các giải pháp theo nội dung Nghị quyết 51, các đơn vị đã thấy rõ những khuyết điểm hạn chế, những bất cập trong CTĐ, CTCT trước đây để khắc phục. Cùng đó, Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh thường xuyên coi trọng khâu sơ kết, rút kinh nghiệm qua từng giai đoạn. Đồng thời, coi trọng giải quyết mối quan hệ giữa chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy, xây dựng hệ thống quy chế làm việc được cụ thể hóa rõ người và rõ việc. Trong giải quyết các mối quan hệ, đặt lợi ích toàn cục lên trên hết.
Đến nay, số lượng đội ngũ cán bộ chính ủy, chính trị viên các cấp đạt 106,6% so với nhu cầu. Chất lượng đội ngũ chính ủy, phó chính ủy, chính trị viên, chính trị viên phó các cấp ngày càng được nâng lên. Hiện nay, đội ngũ cán bộ chính trị có trình độ đại học đạt 62,5%; trình độ lý luận chính trị cao cấp đạt 48,4%.
Theo đó, mối quan hệ công tác của chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy các cấp trong những năm qua ngày càng gắn bó. Hiệu lực của người chỉ huy và hiệu quả CTĐ, CTCT được nâng lên, phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, trí tuệ tập thể, vai trò cán bộ chủ trì trong các cơ quan, đơn vị. Không có biểu hiện lạm quyền, gia trưởng, tranh công, đổ lỗi, thiếu tinh thần trách nhiệm, “đứng ngoài cuộc”, “việc ai người ấy làm”…
Qua phân loại hằng năm 100%, cán bộ chính trị hoàn thành nhiệm vụ ở mức khá trở lên, trong đó 96,87 % hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Tỷ lệ cán bộ chính trị được khen thưởng hằng năm đạt 31-36% so với tổng số cán bộ được khen thưởng. Từ thực tiễn, kết quả thực hiện nhiệm vụ trong những năm qua chứng tỏ đội ngũ cán bộ chính trị đã phát huy tốt vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống, có kiến thức, năng lực toàn diện, nhất là năng lực tiến hành CTĐ, CTCT trong thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị.
Đặc biệt qua kiểm điểm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) vai trò người đứng đầu, chủ trì cơ quan, đơn vị được phát huy và thể hiện đầy đủ hơn. Chất lượng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện đi vào chiều sâu, vững chắc.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết 51, ở một số đơn vị cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Một số đồng chí chính ủy, chính trị viên quá đề cao vai trò, một số đồng chí chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò, chưa theo kịp tình hình, chưa thực sự bám nắm chức trách và chưa ngang tầm vai trò của chính ủy, chính trị viên. Để phát huy hiệu lực, hiệu quả thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, chính trị viên trong LLVT tỉnh, các đơn vị cần tập trung vào các vấn đề sau:
Trước hết, cấp ủy đảng các cấp cần tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp; làm tốt công tác giáo dục, định hướng và quản lý tình hình tư tưởng, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền để các đối tượng nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của nghị quyết; đấu tranh, phê phán và kịp thời giải quyết những ý kiến còn phân vân về tính khả thi của nghị quyết; tập trung nâng cao mối quan hệ công tác giữa chính ủy, chính trị viên với chỉ huy và với cấp trên, cấp dưới...
Cùng với đó, trong đề bạt, bổ nhiệm phải lấy tiêu chí về phẩm chất và năng lực, đặc biệt là đức hy sinh làm đầu. Tránh hiện tượng đề cao chữ "đức" mà xem nhẹ chữ "tài" và ngược lại. Có như vậy, chính ủy, chính trị viên mới phát huy tinh thần, trách nhiệm, hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao, xứng đáng là một trong những trụ cột vững chắc để cán bộ, chiến sĩ gửi trọn niềm tin.
Trong phương pháp bồi dưỡng cán bộ, phải thông qua hoạt động thực tiễn, công việc hàng ngày để có các hình thức, cách thức và biện pháp cụ thể và phù hợp với phương châm "giao việc, thử thách".
Tổ chức kiểm tra, đánh giá, bồi dưỡng những phần còn thiếu, còn yếu, từ đó nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ chính ủy, chính trị viên trong chỉ đạo thực hiện CTĐ, CTCT; chú trọng bồi dưỡng những nội dung mới, khắc phục hạn chế và những vấn đề bất cập, thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.
Đại tá Bùi Hoài Thanh (Chính ủy Bộ CHQS tỉnh)