Phát huy quyền công dân trong bầu cử đại biểu HĐND các cấp

15/03/2015 09:16

(Baonghean) - Nhìn lại kết quả cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016, có thể nhận thấy, công dân trên địa bàn tỉnh ý thức cao về quyền và nghĩa vụ của mình nên đã tích cực tham gia từ giai đoạn giới thiệu người ứng cử đến giai đoạn bỏ phiếu bầu.

Trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016 trên địa bàn Nghệ An có 25 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh; 225 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện với 3.952 khu vực bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 98,3%, có những đơn vị tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 100%. Không khí bầu cử phấn khởi, ngày bầu cử đã thực sự trở thành ngày hội chính trị của cử tri tỉnh nhà.

Việc giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử được thực hiện một cách nghiêm túc trên cơ sở cơ cấu, tiêu chuẩn, số lượng đại biểu thông qua Hội nghị hiệp thương, từ đó sàng lọc để đưa ra đội ngũ ứng cử viên đại biểu HĐND chính thức. Quá trình đó, công dân các địa phương đã tích cực tham gia các Hội nghị cử tri để đóng góp ý kiến, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Một số cử tri tỉnh nhà đã yêu cầu, xác minh, làm rõ một số vụ việc liên quan đến người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân như vấn đề kê khai tài sản, việc thực hiện công việc của người ứng cử hay người ứng cử vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình... Các vụ việc đều được người có thẩm quyền xác minh, làm rõ và trả lời với công dân. Kết quả, cuộc bầu cử đã bầu ra 85 đại biểu HĐND tỉnh (trong đó: nữ 15 người, chiếm 17,6%; dân tộc thiểu số 14 người, chiếm 16,5%; trẻ tuổi 3 người, chiếm 3,5%); 783 đại biểu HĐND cấp huyện (trong đó: nữ 219 người, chiếm 28%; dân tộc thiểu số 148 người, chiếm 18,9%; trẻ tuổi 131 người, chiếm 16,73%; 2 đơn vị phải bầu cử thêm); 12.441 đại biểu HĐND cấp xã (trong đó: nữ 2.841 người, chiếm 23,01%; dân tộc thiểu số 2.510 người, chiếm 20,33%; trẻ tuổi 2.610 người, chiếm 21,14%; 91 đơn vị phải bầu cử thêm; 3 đơn vị phải bầu cử lại).

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận QSDĐ tại Trung tâm đăng ký quyền sử dụng đất  tỉnh. Ảnh: Mai Hoa
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận QSDĐ tại Trung tâm đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh. Ảnh: Mai Hoa

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên thì cuộc bầu cử bộc lộ một số hạn chế, đó là:

Thứ nhất, công tác giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị không giới thiệu người ứng cử hoặc giới thiệu nhưng không đủ số lượng người được ứng cử theo phân bổ (Công ty Cổ phần Mỹ nghệ Nghệ An và Công ty CP Thanh Thành Đạt xin không giới thiệu người ứng cử vì không có thời gian để tham gia; Trường Cao đẳng KTKT, UBND xã Kim Sơn, huyện Quế Phong được phân bổ 2 người nhưng chỉ giới thiệu được 1). Một số cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử, giới thiệu những người không đủ tiêu chuẩn, mất uy tín nên một vài đơn vị bầu cử số phiếu phân tán, tỷ lệ phiếu bầu của một số đại biểu trúng cử thấp; một số đơn vị bầu thiếu đại biểu (có 75 đơn vị bầu cử đại biểu cấp xã bầu thiếu đại biểu). Một số địa phương thiếu ứng cử viên đại biểu HĐND sau khi kết thúc vòng ba hội nghị hiệp thương.

Thứ hai, số lượng người tự ứng cử đại biểu HĐND các cấp đạt thấp. Sau ba hội nghị hiệp thương, không lựa chọn được người nào đủ điều kiện tự ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện. Số lượng người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã chỉ có 88 người/20.349 ứng cử viên (đạt 0,43%). Một số ứng cử viên tự ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của công dân thấp, thậm chí có người chỉ đạt tỷ lệ tín nhiệm là 26,6%.

Thứ ba, một số ứng cử viên tiếp xúc cử tri không đầy đủ, cá biệt có trường hợp không tham gia vận động bầu cử; Có ứng cử viên chuẩn bị dự kiến chương trình hành động của mình nếu trúng cử một cách qua loa, đại khái.

Thứ tư, một số nơi công dân chưa thực sự ý thức được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong hoạt động bầu cử nên tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt thấp (Ví dụ: Tổ bầu cử số 11 của xã Yên Na tại khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ chỉ có 4/111 cử tri đi bầu, đạt tỷ lệ 3,6%); cá biệt, có 3 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND xã phải tổ chức bầu cử lại do đã để xảy ra những sự cố nhưng giải quyết không kịp thời, làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Thứ năm, vẫn còn tình trạng bỏ phiếu thay (trong nhà có nhiều cử tri thì một người đại diện cho cả nhà đi bỏ phiếu); bỏ phiếu cho xong (không quan tâm đến ứng cử viên mình lựa chọn hoặc không lựa chọn là ai) hoặc lựa chọn theo cảm tính.

Trên cơ sở đó, chúng tôi kiến nghị một số vấn đề nhằm hoàn thiện pháp luật và cơ chế bảo đảm thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của công dân ở địa phương:

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức của công dân về quyền bầu cử và quyền ứng cử để công dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của việc tham gia bầu cử, ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương chính là việc người dân tham gia thực hiện quyền lực nhà nước.

2. Mở rộng phạm vi lựa chọn của cử tri bằng cách tăng số lượng ứng cử viên cho một đơn vị bầu cử. Điều 42 Luật Bầu cử đại biểu HĐND quy định: "Số người ứng cử đại biểu HĐND ở các đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó ít nhất là 2 người" nhưng trên thực tế ở Nghệ An thì các đơn vị bầu cử đều có số dư ở mức tối thiểu là 2 người. Tỷ lệ sít sao giữa đại biểu được bầu và số ứng cử viên thu hẹp khả năng lựa chọn của cử tri, do vậy, sẽ rất khó khăn cho việc lựa chọn được những đại biểu thật xứng đáng.

3. Đổi mới việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND các cấp theo hướng tránh tạo ra sự chênh lệch quá lớn giữa ứng cử viên này với ứng cử viên khác. Thực tế có những ứng cử viên tự cho mình hoặc tự nhìn nhận thấy mình chỉ là “quân xanh” cho các ứng cử viên khác nên vận động bầu cử chỉ mang tính hình thức, thiếu chủ động. Việc vận động bầu cử "thiếu sinh khí" của ứng cử viên khó tạo ra "không khí tranh cử", do đó cử tri sẽ không thấy được không khí "nóng bỏng" của cuộc bầu cử. Mặt khác, sự tham gia ít ỏi những người tự ứng cử (cho dù bất cứ lý do gì) so với những người được cơ quan, tổ chức giới thiệu trong danh sách bầu cử làm cho cuộc bầu cử dường như chưa thực sự mở rộng. Do đó, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục tự ứng cử để tạo điều kiện cho nhiều người đáp ứng đủ những điều kiện của ứng cử viên có thể tham gia tự ứng cử.

4. Quy định đặc thù hơn về tiêu chuẩn đại biểu HĐND các cấp; làm rõ quy định tại Khoản 3, Điều 3 Luật hiện hành "có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu" để tạo điều kiện cho công dân tự nhìn nhận, đánh giá khả năng của mình khi quyết định tự ứng cử đại biểu hoặc được cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử. Mặt khác, quy định và áp dụng các quy định về tiêu chuẩn đại biểu và cơ cấu đại biểu sao cho đảm bảo sự hài hòa giữa yêu cầu về tiêu chuẩn đại biểu với yêu cầu về cơ cấu, thành phần đại biểu. Để đảm bảo chất lượng đại biểu, cần ưu tiên đề cao tiêu chuẩn đại biểu trước rồi mới tính đến yêu cầu bảo đảm cơ cấu, thành phần sau. Có như thế thì khi được cử tri tín nhiệm bầu và trúng cử, người đại biểu mới thực hiện tốt được nhiệm vụ đại biểu của mình, không phụ lòng mong đợi, kỳ vọng của cử tri.

5. Điều chỉnh rút gọn và thực chất hơn bước hiệp thương lần thứ hai về việc lập danh sách sơ bộ những người ứng cử. Việc điều chỉnh sẽ giảm bớt một số khâu mang tính hình thức trong công tác hiệp thương, đồng thời điều chỉnh tăng thời gian cho các bước tiếp theo của công tác hiệp thương được hợp lý hơn mà vẫn giữ vai trò của Mặt trận Tổ quốc.

6. Nâng cao năng lực hoạt động của HĐND các cấp, trao quyền thực sự cho HĐND để thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương. Đồng thời có cơ chế để tạo điều kiện cho đại biểu HĐND thực hiện vai trò đại diện của nhân dân trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Khi hoạt động của HĐND không còn hình thức, khi vai trò của đại biểu HĐND được coi trọng và khẳng định thì người dân sẽ phát huy tối đa quyền làm chủ của mình thông qua quyền bầu cử, quyền ứng cử đại biểu HĐND các cấp.

An Chung - Thu Nguyễn

Phát huy quyền công dân trong bầu cử đại biểu HĐND các cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO