Phát huy thế mạnh chế biến hải sản
(Baonghean) - Thăm cơ sở thu mua, sơ chế, xuất khẩu hải sản của anh Cao Thanh Thủy - xóm Quyết Thành, dù đã gần 12h trưa, nhưng nhiều công nhân ở đây vẫn đang tất bật với công việc. Đây là cơ sở thu mua, chế biến hải sản lớn nhất xã Diễn Bích. Để đảm bảo hàng đi xuất khẩu, các sản phẩm tôm, cá, mực, ghẹ... được làm sạch, sơ chế, sấy khô.
Anh Thủy cho biết: Sản lượng hải sản tại cơ sở của anh được thu mua từ ngư dân trong và ngoài xã. Từ tháng 8 đến tháng 12, thời tiết mát mẻ, khí hậu ổn định, lại không phải là mùa sinh trưởng của cá, ghẹ nên số lượng, chất lượng hải sản đánh bắt của ngư dân nhiều và ngon hơn. Cơ sở của anh thu mua gần 2 tấn hải sản/ngày. Riêng các đơn hàng hợp đồng trước với chủ tàu, được anh lựa chọn những loại tốt như mực mai, mực ống, các loại cá điệp, cá chìm, cá mú, tôm sú, tôm bột. Anh Thủy cho biết thêm: Mấy năm nay, các đầu mối tiêu thụ ở Trung Quốc khá mạnh và không hạn chế. Bên đó họ chuộng hải sản sơ chế của mình vì chất lượng đậm đà, tươi ngon, giá dễ chấp nhận.
Để giữ thị trường, anh thường xuyên đảm bảo số lượng và chất lượng cho khách. Giá bán thời điểm này, mực mai giá 800 ngàn đồng/kg, mực khô loại 1 giá 420 ngàn đồng/kg, mực khô loại 2, loại 3 giá 300 ngàn đồng/kg trở lên, cá chìm loại 1 giá 500 ngàn đồng/kg, tôm sú, tôm bột giá 200 - 300 ngàn đồng/kg. Mỗi năm, cơ sở của anh xuất 4 - 5 chuyến hàng, mỗi chuyến khoảng 3 - 5 tạ, giá bình quân 40 triệu đồng/tạ, trừ đi chi phí, cơ sở của anh thu được trên 200 trăm triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 - 8 lao động trong xóm, với mức lương 3 - 4 triệu đồng/người/ tháng.
Dịch vụ tiêu thụ cá đông lạnh ở Diễn Bích (Diễn Châu).
Ở Diễn Bích, các cơ sở chế biến hải sản còn đặt trước tiền cho ngư dân đánh bắt để đảm bảo sản lượng các đơn hàng. Hàng năm, cơ sở của anh Thủy cho các tàu ứng tiền trước khi ra khơi, mỗi tàu khoảng 30 - 50 triệu. Nhờ đó, cơ sở của anh luôn đảm bảo nguyên liệu chế biến. Nhiều chủ cơ sở thu mua, chế biển hải sản biển xuất khẩu khác như cơ sở của anh Hoàng Đức Dũng xóm Quyết Thành, chị Hoàng Thị Viền xóm Quyết Thắng, chị Nguyễn Thị Trung ở xóm Hải Đông... cũng đã góp cổ phần cùng ngư dân đóng mới tàu để đánh bắt trên biển. Cách làm này đang được xem là nét mới trong phát triển nghề khai thác biển của người dân Diễn Bích.
Đến nay, Diễn Bích có trên 199 phương tiện đánh bắt hải sản, 62 tàu thuyền công suất 90CV trở lên (tăng 7 tàu công suất lớn so với năm 2011). Toàn xã hiện có trên 1.000 lao động đánh bắt trực tiếp trên biển. Tổng sản lượng khai thác từ nghề cá đạt trên dưới 7 ngàn tấn/năm, mang lại giá trị hàng chục tỷ đồng. Các sản phẩm biển sau khai thác như cá tạp, tôm nõn, sứa, ghẹ nhỏ được chế biến tiêu thụ tại địa phương. Những sản phẩm có giá trị hơn được đưa vào các cơ sở thu mua, sơ chế khô hoặc đông lạnh xuất khẩu.
Ngoài ra, việc mở rộng thị trường, mạng lưới thu mua hải sản đông lạnh trong nước còn góp phần nâng cao sản lượng, doanh thu của các cơ sở. Hiện nay, toàn xã Diễn Bích có 17 cơ sở thu mua xuất khẩu hải sản, 5 cơ sở thu mua động lạnh với tổng khối lượng hải sản xuất khẩu trên 2 ngàn tấn/năm, doanh thu đạt trên 40 tỷ/năm. Bên cạnh đó, 16 cơ sở chế biến hải sản theo quy mô gia đình đã góp phần chế biến ra hàng ngàn lít nước mắm, ruốc các loại, mang về doanh thu hàng tỷ đồng/năm cho bà con.
Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích- Ông Thạch Đình Nghĩa, nhận định: Đến nay, tỷ trọng thu nhập từ nghề thu mua, chế biến và xuất khẩu hải sản chiếm 40 - 45% tổng doanh thu toàn xã (108 tỷ đồng/năm), thu nhập của người dân được đẩy lên từ 13 triệu đồng/người/năm (2011) nay lên 16 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, nhờ phát triển nghề thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản biển, xã đã tạo điều kiện giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn tại địa phương.
Trong điều kiện khó khăn, Diễn Bích đã tập trung đầu tư và chú trọng phát triển nghề chế biến, xuất khẩu hải sản biển một cách đúng hướng, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương. Từ đó vừa tạo việc làm, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân vừa góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn ven biển.
Bài, ảnh: Lương Mai