Phát huy thế mạnh từ nuôi trồng thủy sản
(Baonghean) - Nghệ An có lợi thế bờ biển trải dài với hơn 3.872 ha mặt nước mặn lợ, điều kiện khí hậu, thủy triều rất thuận lợi, thích ứng cho việc nuôi trồng thủy sản. Trải dài từ Thị xã Cửa Lò đến Thị xã Hoàng Mai, hơn 2.500 ha mặt nước mặn, lợ đã được cải tạo đưa vào khai thác nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao.
Với hệ thống cửa sông, cửa biển phân bố đều là điều kiện thuận lợi để các địa phương tập trung phát triển nghề nuôi tôm. Hơn 5 năm trở lại đây, Nghệ An đang nổi lên là một địa phương có sự phát triển nhanh, mạnh nghề nuôi tôm thẻ chân trắng.
Trước khi chuyển sang nuôi tôm thẻ thì người dân nuôi tôm sú nhưng do dịch bệnh triền miên, giá cả thấp nên hầu hết đều thua lỗ. Đến năm 2005, nhiều người mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và đạt kết quả khả quan. Cũng từ đây, người dân ồ ạt chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ hình thức nuôi quảng canh thì đến nay, hơn 95% diện tích đã được nuôi thâm canh, hình thành những vùng nuôi rộng lớn, được đầu tư hạ tầng điện, đường khá cơ bản. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn để nâng cấp đầm tôm bằng việc bê tông bờ đầm, đáy và hệ thống quạt khí. Có những xã diện tích nuôi tôm công nghiệp lên đến hàng trăm ha như Quỳnh Xuân, Quỳnh Bảng, Trịnh Môn (Quỳnh Lưu), Diễn Kim (Diễn Châu), Nghi Thái (Nghi Lộc) và người nông dân ở đây đang thực sự đổi đời nhờ con tôm.
Về Quỳnh Xuân hôm nay nhà cao tầng mọc lên san sát, nhìn những dãy phố mọc lên nhờ những đầm tôm ai cũng thán phục sự dám nghĩ, dám làm của bà con nông dân ven biển. Nếu như đầu những năm 2000, diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn tỉnh chỉ có vài chục ha, thì đến nay tổng diện tích nuôi tôm đã tăng lên 1.770 ha. Không chỉ tăng về diện tích mà sản lượng cũng tăng nhanh. Nếu như năm 2009, sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh chỉ mới đạt 3.520 tấn thì đến năm 2013 đạt 9.100 tấn, tăng 2,6 lần so với năm 2009, giá trị thu về hàng ngàn tỷ đồng.
Người dân xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) thu hoạch tôm. |
Nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng mà nhiều hộ đã phất lên, trở thành triệu phú nơi vùng quê. Đó là anh Hồ Đăng Dương, Nguyễn Đức Tài (xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu), anh Đậu Đức Huynh, Lê Đăng Duy (phường Mai Hùng, Thị xã Hoàng Mai)... những hộ này mỗi năm có thể thu về tiền tỷ nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Ngô Xuân Đại ở xã Diễn Trung (Diễn Châu) với mô hình nuôi theo quy trình VietGAP đầu tiên đạt được chứng nhận trên địa bàn tỉnh. Với 2,7 ha nuôi, nhờ một phần hỗ trợ của Nhà nước, ông mạnh dạn đầu tư thêm kinh phí để xây dựng nhà kho, nâng cấp ao nuôi và áp dụng đầy đủ quy trình theo hướng VietGAP. Nhờ đó mà năm 2013, ông thu hoạch được 45 tấn với năng suất 17 tấn/ha. Do được chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đầy đủ nên tôm của ông phát triển tốt, đạt kích cỡ 80 - 90 con/kg. Với giá 140 ngàn đồng/kg, thu hoạch xong ông thu lãi trên 4 tỷ đồng. Ông Đại chia sẻ: Nếu như trước đây nuôi theo kinh nghiệm thì tất cả là nhờ trời, có năm được, năm sau lại thua nên cứ xoay vòng mà hầu như không có lãi. Nhưng từ khi áp dụng quy trình nuôi theo mô hình VietGAP thì tất cả đã thay đổi, từ khâu chọn giống, xử lý nước đến cho ăn, phòng trừ dịch bệnh... Và kết quả cuối cùng là tôm lớn nhanh, không dịch bệnh và cho năng suất, sản lượng cao.
Với lợi thế gần cửa biển, sông Mai Giang (Hoàng Mai) có độ mặn vừa phải và có thảm thực vật phong phú, đa dạng rất thuận lợi cho phát triển và sinh trưởng hàu cửa sông. Câu chuyện nuôi hàu trên sông Hoàng Mai được bắt đầu không phải từ những chủ trương, dự án, mà từ những nông ngư dân năng động. Từ năm 2000, một số người dân bắt đầu thử nuôi hàu nhưng sau khi thu hoạch thì kết quả ngoài sức mong đợi. Thu nhập từ nuôi hàu ngày càng cao nên nhiều người dân bắt đầu học tập và tiến hành nuôi ổn định. Và đến nay, trên địa bàn 2 phường Mai Hùng và Quỳnh Dị đã có khoảng 300 hộ tham gia nuôi hàu. Cả một khúc sông được giăng kín bè nuôi hàu và không thể mở rộng thêm. Như gia đình anh Văn Đức Toàn, phường Mai Hùng (Thị xã Hoàng Mai) nuôi hàu cũng đã được 7 năm. Trung bình, mỗi năm anh nuôi khoảng 7.000 xâu, cho thu nhập khoảng 60-75 triệu đồng. Sự mạnh dạn, năng động của người dân ở đây minh chứng cho một điều, chỉ cần dám nghĩ, dám làm thì trong những điều kiện khó khăn nhất, con người sẽ mở được lối thoát cho bản thân và gia đình. Việc ngăn mặn, giữ ngọt ở con sông Hoàng Mai đã chưa thể làm được trong nhiều năm qua. Nhưng sự linh hoạt, sáng tạo của cư dân nông nghiệp, đã biến con sông bị nước mặn xâm lấn, thành vựa nuôi hàu lớn, trung bình mỗi năm cho sản lượng hàng chục tấn thịt hàu, thu lãi hàng chục tỷ đồng.
Trở ra vùng sông Cấm tại Thị xã Cửa Lò, hàng chục hộ dân đang dựa lưng vào núi, hướng mặt ra biển để ngày đêm mưu sinh bằng nghề nuôi cá lồng. Sau hơn 3 năm triển khai, từ một vài hộ nuôi thử nghiệm ban đầu cho hiệu quả kinh tế cao, đến nay tại khu vực cửa sông Cấm (thuộc các phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò và xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc) đã có khoảng 40 hộ tham gia, với hàng trăm lồng nuôi cá các loại. Mô hình này mở ra một hướng đi mới giúp người dân vươn lên thoát nghèo và chuyển đổi nghề đánh bắt sang nuôi trồng thủy, hải sản. Mỗi hộ đầu tư nuôi từ 1- 3 lồng, sau 8 - 9 tháng nuôi đối với cá hồng mỹ, trên 10 tháng đối với cá vược, giá bán hiện tại 120.000 đồng/kg cá vược, 60.000 đồng/kg cá hồng mỹ; sau khi trừ chi phí, bình quân thu về khoảng 60 - 70 triệu đồng/năm/hộ.
Hiệu quả kinh tế thu được từ mô hình đã cho thấy đây là hướng đi không chỉ đảm bảo thu nhập bền vững cho người dân ven biển mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản đang bị khai thác ngày càng cạn kiệt. Nhưng một vấn đề đặt ra là mô hình này lại đang triển khai trên khu vực cửa sông Cấm, gần Cảng Cửa Lò, do đó đã ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông đường thủy. Chính vì vậy mà hiện nay, Thị xã Cửa Lò và UBND phường Nghi Thủy đang tính phương án khảo sát, quy hoạch các khu vực nuôi hợp lý để vừa có thể mở rộng diện tích nuôi vừa đảm bảo an toàn giao thông đường thủy cho các phương tiện tàu thuyền.
Ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản đánh giá: Hoạt động nuôi trồng thủy sản mặn lợ trong thời gian qua đã có sự phát triển vượt trội cả về chất và lượng. Mỗi năm, sản lượng nuôi trồng mặn lợ đạt khoảng 9.000 tấn. Ngoài sự hỗ trợ một phần của Nhà nước thì sự mạnh dạn, năng động của người dân chính là yếu tố quyết định đến những kết quả trên.
Phạm Bằng