Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, xây dựng quê hương Nghệ An thành tỉnh khá
(Baonghean.vn) - Đã 98 tuổi đời, 75 tuổi Đảng song lão thành cách mạng Bùi Trọng Thành ở xã Nam Thanh (Nam Đàn) hãy còn rất minh mẫn. Cụ Thành vẫn nhớ như in những ngày tháng Tám lịch sử, quê hương đứng lên giành chính quyền; nặng khát khao được nhìn thấy Nghệ An trở thành “tỉnh khá”...
Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2023), phóng viên (P.V) Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện cùng lão thành cách mạng Bùi Trọng Thành.
P.V: Thưa cụ, được biết, trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Nam Thanh bây giờ (xã Thanh Thủy trước đây) là địa phương đầu tiên ở Nghệ An giành chính quyền về tay nhân dân. Cụ có thể kể rõ hơn về ngày tháng lịch sử ấy?
Cụ Bùi Trọng Thành: Xã Thanh Thủy xưa – Nam Thanh ngày nay là vùng quê có truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng. Trong các thời kỳ dựng nước, giữ nước, người dân Nam Thanh luôn kiên cường đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, kiên quyết bảo vệ thôn, xóm, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Nơi đây, ngày 16/5/1930, Chi bộ Đảng xã (Chi bộ Đảng Băng Trà) được thành lập, đồng chí Bùi Danh Toản (bố đẻ cụ Thành – P.V) được cử làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, nhân dân xã Nam Thanh đã anh dũng đấu tranh, cùng làm nên Cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, phong trào dân chủ 1936-1939, thành lập Ban Mặt trận Việt Minh xã và các tổ chức Hội Cứu quốc, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền vào năm 1945.
Trước thời điểm khởi nghĩa giành chính quyền, tôi đang làm giao thông liên lạc bí mật cho Tổng bộ Việt Minh. Đến thời điểm giành chính quyền, tôi là đội viên Đội Tự vệ đỏ. Tôi vẫn nhớ rõ: Ngày 14/8/1945, Mặt trận Việt Minh xã Thanh Thủy nhận được lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa liên tỉnh Nghệ Tĩnh với nội dung: “Bố trí ngay việc cướp chính quyền, lập Ủy ban nhân dân cách mạng ở làng, không câu nệ làng trước hay huyện trước".
Ngay sau đó, ngày 15/8/1945, Ban Chấp hành Mặt trận Việt Minh xã đã họp và nhận định: Thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã tới. Tuy việc quyết định tổ chức cướp chính quyền trong lúc Nghệ An và Hà Tĩnh chưa có nơi nào giành được chính quyền, cả nước mới có một số tỉnh ở Việt Bắc được giải phóng và một số ít xã, huyện ở miền Bắc, miền Trung khởi nghĩa thắng lợi là một việc làm khá nguy hiểm, nhưng điều này sẽ châm ngòi nổ lớn thúc đẩy phong trào chung...
Trên cơ sở phân tích một cách đúng đắn tình hình khách quan và chủ quan đó, Ban Chấp hành Mặt trận Việt Minh xã Thanh Thủy đã quyết định khởi nghĩa giành chính quyền. Về biện pháp cướp chính quyền, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ. Việc cướp chính quyền sẽ tập trung vào 2 mục đích: Buộc lý trưởng phải giao nộp con dấu và hương bản phải nộp tất cả các loại sổ sách của xã cho cách mạng.
6 giờ sáng 16/8/1945, Mặt trận tiếp tục họp và phân công khởi nghĩa cướp chính quyền. Đến 2 giờ chiều cùng ngày, dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh, lực lượng 7 thôn và các tổ chức Hội Cứu quốc đã nổi dậy giành chính quyền, bắt Lý trưởng Phạm Hữu Dong giao nộp con dấu. Đến 5 giờ 30 phút chiều thì cuộc nổi dậy cướp chính quyền đã thành công tốt đẹp…
Đến sáng 23/8/1945, dưới sự chỉ huy của Mặt trận Việt Minh, nhân dân các làng, xã trong huyện nhất tề đứng lên giương cao cờ đỏ sao vàng kéo đến thị trấn Sa Nam giành chính quyền ở huyện… Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Nam Thanh đã cử tôi chỉ huy 20 người trong Đội Tự vệ cứu quốc tham gia. Chúng tôi vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu “Đánh đổ phát xít xâm lược; đánh đổ chính phủ Việt gian; lập chính quyền nhân dân cách mạng. Việt Nam hoàn toàn độc lập. Việt Nam độc lập vạn vạn tuế. Cụ Hồ Chí Minh muôn năm”… Trước sức mạnh của hàng vạn quần chúng nhân dân được vũ trang bằng gậy tày, tay thước, Huyện trưởng Nam Đàn Nguyễn Đức Hàn phải đầu hàng, trao dấu ấn, sổ sách và súng đạn cho cách mạng.
P.V: Cụ nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở xã Nam Thanh nói riêng và Cách mạng Tháng Tám nói chung?
Cụ Bùi Trọng Thành: Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở xã Nam Thanh đã mở đầu cho phong trào khởi nghĩa giành chính quyền ở các làng, xã khác, uy hiếp trực tiếp đến sự sống còn của bộ máy chính quyền bù nhìn phát xít Nhật tại huyện Nam Đàn. Thắng lợi này có được nhờ sự đoàn kết, nhất trí và quyết tâm cách mạng cao của các tầng lớp nhân dân lao động ở Nam Thanh. Đây là thắng lợi của sự vận dụng đúng đắn các chủ trương của Đảng, kết hợp với thực tiễn tình hình của huyện, của xã. Thắng lợi của khởi nghĩa giành chính quyền là kết tinh thành quả cách mạng đã đạt được trong 15 năm kể từ ngày chi bộ mới thành lập, nó thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của cán bộ, đảng viên và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có giá trị lịch sử to lớn đối với dân tộc và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Từ thắng lợi này, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được khai sinh, nhân dân Việt Nam được trút bỏ ách nô lệ trở thành người làm chủ; dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mang lại cho chúng ta 3 bài học quý, đó là bài học về sự đoàn kết, bài học về việc chọn đúng thời cơ và bài học từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi. 3 bài học này chính là di sản tinh thần to lớn, nguồn động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị phát huy nội lực, tự lực, tự cường thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954); cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975); 2 cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc... và trong thời đại hôm nay, Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế.
P.V: Theo cụ, trong công cuộc phát triển, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung đã phát huy tốt tinh thần “Đứng đầu, dậy trước” của quê hương, cũng như tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945 hay chưa?
Cụ Bùi Trọng Thành: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tôi tham gia bộ đội; Năm 1958, trở về quê tham gia vào Hội đồng nhân dân xã, làm Thường trực UBND xã; từ năm 1961-1966 làm Chủ tịch UBND xã Nam Thanh; từ năm 1966-1971, làm Trưởng Công an huyện Nam Đàn; từ năm 1971 - 1978 làm cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; năm 1978 hưu trí và trở về địa phương làm cán bộ chi trả lương chính sách xã thêm 18 năm… Trong giai đoạn công tác này, tôi nhận thấy có giai đoạn chúng ta phát huy tốt và có giai đoạn thì chưa phát huy tốt.
Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, Nghệ An vừa là hậu phương, vừa là tuyến đầu đối mặt với kẻ thù. Hàng trăm ngàn người con ưu tú của quê hương đã lên đường chiến đấu, hiến dâng tuổi thanh xuân. Những người ở lại với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua nhà không tiếc”. Tất cả đã góp phần cùng cả nước làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Sau khi đất nước thống nhất cho đến năm 1991, trong bối cảnh cấm vận, cũng như tình hình chung cả đất nước, quê hương chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn. Ở Đại hội VII của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ra đời. Từ đây, nước ta dần đạt được những thành tựu to lớn và quê hương Nghệ An mới dần khởi sắc lên. Song Nam Đàn vẫn chưa là huyện kiểu mẫu, Nghệ An vẫn chưa là một tỉnh khá như Bác Hồ hằng mong muốn.
Những năm sau này, khi đã tuổi cao sức yếu, tôi không còn được đi xa, đi nhiều mà chỉ loanh quanh ở huyện, xã, xóm. Cái nhìn thấy được chỉ là ở xóm, ở xã; còn thông tin về huyện, về tỉnh thì nắm qua đọc báo, nghe đài. Từ những cái nghe được, nhìn thấy được, tôi nghĩ: Xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn nói riêng và tỉnh Nghệ An đang phát huy khá tốt truyền thống của quê hương và tinh thần Cách mạng Tháng Tám.
Ở xã Nam Thanh bây giờ, đường làng, ngõ xóm đều được rải nhựa, bê tông hóa rộng rãi, khang trang. Điện chiếu sáng, mương thoát nước đang được đầu tư đồng bộ. Cảnh quan môi trường của địa phương được đảm bảo xanh – sạch – đẹp. Bộ mặt nông thôn, kinh tế hạ tầng, đời sống nhân dân có bước tiến bộ vượt bậc so với trước đây. Còn huyện Nam Đàn thì hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ; diện mạo nông thôn khang trang; có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao; đời sống tinh thần của người dân nhiều bước được cải thiện. Huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hiện nay đang tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch...
Với tỉnh Nghệ An, kinh tế phát triển khá toàn diện, tăng trưởng khá nhanh. Hạ tầng giao thông và đô thị được đầu tư, nâng cấp. Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh được củng cố. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm. Chúng ta đang từng bước hướng tới là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao của khu vực Bắc Trung Bộ… Với những gì được nhìn thấy, được nghe thấy, tôi rất mừng vì lớp con cháu nay đã nối tiếp được truyền thống của cha ông xưa. Tôi có niềm tin lớn vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo của tỉnh, huyện, xã hiện nay.
P.V: Ở cái tuổi gần bách tuế này, cụ thấy điều gì là tâm đắc? Còn điều gì trăn trở và mong muốn?
Cụ Bùi Trọng Thành: Mỗi cái tuổi sẽ có một điều chiêm nghiệm riêng. Tôi chỉ nói về những suy nghĩ gần đây. Điều tâm đắc, trăn trở, mong muốn là vừa rồi tôi đọc báo thì biết được trong cuộc họp của Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 về Nghệ An gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chỉ đạo rằng “Phải bước thật mạnh, tiến thật xa, Nghệ An như thế mới là Nghệ An”. Tôi hy vọng rằng, “Nghệ An như thế mới là Nghệ An” sẽ thay thế cho câu hát xưa nay “Nghệ An Xô viết vẫn là Nghệ An”.
Và để có được một Nghệ An “bước thật mạnh, tiến thật xa” thì rõ ràng tỉnh phải thực hiện tốt Nghị quyết 39 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đồng thời, cũng mong muốn Trung ương tăng cường giúp đỡ để Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ như Bác Hồ hằng mong muốn… Riêng với xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn thì tôi nghĩ chúng ta cũng phải cần nỗ lực hơn nữa. Tôi nghe đài, đọc báo nhưng thấy tần suất xuất hiện của xã, huyện là chưa thật nhiều.
Ngoài ra, tôi cũng mong muốn chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo cho thế hệ trẻ, cán bộ trẻ. Truyền thống của dân tộc là “tre già, măng mọc”. Lớp trẻ chính là người gánh vác sự nghiệp của đất nước, thúc đẩy sự phát triển của dân tộc mai sau…
P.V: Xin cảm ơn cụ!