Phát huy trí tuệ và trách nhiệm của nhân dân trong sửa đổi Hiến pháp

14/01/2013 15:59

Ngày 2/1/2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Theo đó, đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức ở T.Ư và ở địa phương.

(Baonghean) - Ngày 2/1/2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Theo đó, đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức ở T.Ư và ở địa phương.

Mục đích là phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.

Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ Dự thảo gồm: Lời nói đầu, chế độ chính trị; quyền con người; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy Nhà nước, hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trước khi ban hành một văn bản pháp luật, các ban soạn thảo đều tổ chức lấy ý kiến của nhân dân (tham vấn nhân dân) với những phạm vi và mức độ khác nhau về dự thạo văn bản pháp luật. Tuy nhiên, trong một chế độ dân chủ - khi mà mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, khi mà tham gia quản lý nhà nước (trong đó có hoạt động lập pháp, lập hiến) là quyền cơ bản của công dân, thì nhân dân có quyền thể hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp về những vấn đề quan trọng của đất nước.

Nhân dân có thể có ý kiến (và thậm chí quyết định) trong mọi giai đoạn của quá trình lập hiến và lập pháp. Theo đó, nhân dân có thể phát hiện và đề xuất nhu cầu điều chỉnh pháp luật, nội dung điều chỉnh pháp luật, nội dung của các dự thảo và ở mức độ cao nhất, nhân dân quyết định thông qua văn bản pháp luật (trưng cầu dân ý).

Như vậy, tham vấn nhân dân là các quá trình và hoạt động tác động lên công chúng, nhằm:

- Thông tin cho công chúng về chính sách và quan điểm về một dự án pháp luật để công chúng nhận thức được ý chí và dự kiến của nhà làm luật trước khi văn bản pháp luật được ban hành.

- Tìm kiếm những thông tin phản hồi mang tính đồng thuận và xung đột mang tính phê phán trong chính sách pháp luật của một dự án pháp luật. Qua đó, nhà làm luật có cơ hội và điều kiện để khắc phục những yếu kém về thực tiễn và khách quan của dự án luật. Đây là cơ hội quý giá để đảm bảo nguyên tắc "đưa cuộc sống vào pháp luật". Đặc biệt, trong một chế độ dân chủ, sự minh bạch và đồng thuận xã hội, phát huy tính tích cực về chính trị của công chúng sẽ là tiền đề tối quan trọng cho sự ổn định và phát triển ở mọi quốc gia.

Như vậy, tham vấn nhân dân là một quy trình hai chiều giữa nhà làm luật (các đại biểu của nhân dân) và các cử tri của mình. Lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp là vấn đề hệ trọng, bởi lẽ:

Thứ nhất, Hiến pháp là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, thể hiện ở mức cao nhất tinh thần chủ quyền nhân dân theo nguyên tắc mọi quyền lực thuộc về (hay bắt nguồn từ) nhân dân, phản ánh bối cảnh khế ước xã hội của mọi tầng lớp nhân dân. Vì vậy, sự "kết tinh" ý chí thực của nhân dân trong Hiến pháp là yêu cầu tối thiểu của mọi hiến pháp.

Thứ hai, những người được giao nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp không có căn cứ và thẩm quyền để khẳng định là đã phát hiện và ghi nhận đúng và đầy đủ những nguyện vọng của nhân dân nếu không "hỏi thêm" nhân dân.

Thứ ba, Hiến pháp là "văn bản uy quyền" của nhân dân cho Nhà nước, trao cho Nhà nước hệ thống quyền lực cụ thể của nhân dân, ấn định việc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực và các nguyên tắc, phương pháp thực thi quyền lực nhà nước cũng như ghi nhận và xác lập trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo thực thi các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Theo nghĩa đó, bất luận là một bản Hiến pháp được thông qua bằng cách thức nào thì chính Hiến pháp mới là cơ sở pháp lý để thiết lập nên bộ máy nhà nước chứ không phải ngược lại: bộ máy nhà nước thiết lập nên Hiến pháp.

Thứ tư, ở Việt Nam, Hiến pháp 1992 đã ghi nhận vấn đề trưng cầu dân ý (Hiến pháp 1946 cũng ghi nhận vấn đề này trong khái niệm "phúc quyết"). Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề này chưa trở thành thông lệ của đời sống chính trị và pháp lý. Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này, vấn đề trưng cầu dân ý lại đang được bàn luận sôi nổi và được coi là một trong những "khoảng trống" trong quá trình thi hành Hiến pháp thời gian qua cần khắc phục. Hơn thế nữa, vấn đề thông qua Hiến pháp bằng con đường trưng cầu ý dân cũng được bàn luận mà có thể và cần thiết được ghi nhận trong tư tưởng lập hiến hiện nay. Ngoài ra, tham vấn nhân dân, để nhân dân nhận thức, góp ý và tạo đồng thuận về nội dung của Hiến pháp còn có ý nghĩa quan trọng trong việc:

- Xác lập tính chính đáng của Hiến pháp, của chính quyền, của bộ máy Nhà nước;

- Giáo dục dân chúng về Hiến pháp;

- "Khách quan hóa" Hiến pháp đối với chính quyền và qua đó đảm bảo giới hạn và kiểm soát quyền lực Nhà nước.

Trong bối cảnh đó, việc thực hiện tham vấn nhân dân về dự thảo Hiến pháp lần này, nếu được coi trọng và tổ chức chặt chẽ, chu đáo và nghiêm túc, có thể là bước quá độ hay kinh nghiệm quý báu cho việc thực hiện hình thức dân chủ cao này ở nước ta sau này. Trong đó, điều quan trọng là phải tìm cách đề cao giá trị tham khảo của ý kiến nhân dân đã được tổng hợp.


Nguyễn Trọng Hải (Đoàn Luật sư Nghệ An)

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Phát huy trí tuệ và trách nhiệm của nhân dân trong sửa đổi Hiến pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO