Phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, xây dựng Nam Đàn phát triển giàu mạnh, văn minh

22/02/2013 15:28

(Baonghean) - Đồng chí Thái Văn Nông – Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

P.V: Thưa đồng chí! Nam Đàn được biết đến không chỉ đây là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn nổi tiếng là vùng địa linh nhân kiệt, mảnh đất có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời. Đồng chí có thể giới thiệu với độc giả Báo Nghệ An những nét lịch sử - văn hóa đặc sắc của huyện nhà?

Đồng chí Thái Văn Nông: Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Nam Đàn mang trong mình truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú, đẹp đẽ của dân tộc, vừa nổi bật rất rõ sắc thái riêng của vùng xứ Nghệ. Phía Bắc là dãy núi Đại Huệ, phía Nam là dãy Thiên Nhẫn, ở giữa có dòng sông Lam, tạo cho nơi đây cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Dãy Đại Huệ hình quả chuông úp, thế núi làn làn, các núi kế tiếp nhau trập trùng; có động Thăng Thiên, có chùa Đại Tuệ (do Hồ Quý Ly lập ra để thờ Phật bà Đại Tuệ), có chùa Hương Lâm và giếng Thạch Tỉnh; có khe Trúc, khe Mai, suối Ngọc Tuyền... Đại Huệ ngày nay, được bao phủ bởi diện tích rừng khá lớn, dưới chân núi có nhiều hồ đập lớn tạo nên cảnh quan thơ mộng như hồ Tràng Đen, hồ Thủng Pheo (xã Nam Hưng), đập Cửa Ông (xã Nam Nghĩa), đập Đá Hàn, Hủng Cốc, Rào Băng (xã Nam Thanh)... Có lẽ bởi sự kỳ vĩ, linh thiêng và tĩnh lặng của nơi này mà anh cả của Bác Hồ là Nguyễn Sinh Khiêm đã chọn nơi đây làm nơi an nghỉ của người mẹ Hoàng Thị Loan. Và ngày nay, khu mộ bà Loan đã trở thành một thắng cảnh đẹp và linh thiêng, hàng năm thu hút nhiều du khách đến viếng mộ và thăm quan. Cùng với Đại Huệ, dãy núi Thiên Nhẫn gồm 999 ngọn núi; có rú Trấm, rú Chiêng, vựa Mấu, khe Hoa, khe Bộc, khe Bố, suối Mai, hồ Thành, hồ Ba Khe, vực Nàng; có đền thờ Trần Khánh Dư, đền thờ Tống Tất Thắng, đặc biệt là có Thành Lục Niên - nơi ghi dấu tích về những năm tháng gian khổ chống quân Minh của Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Chính nơi đây, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã chọn dựng trại ở ẩn, giữ tiết tháo (hiện tại, mộ La Sơn Phu Tử được tôn tạo và trở thành điểm đến thường xuyên của du khách); nơi vua Quang Trung đặt Sùng Chính Viện... Ngoài Đại Huệ, Thiên Nhẫn, núi Đụn ở phía Tây huyện (còn gọi là Hùng Lĩnh Sơn) – nơi người anh hùng Mai Thúc Loan đã lập căn cứ cùng nghĩa quân chống lại quân xâm lược nhà Đường (Trung Hoa), giành độc lập cho nước nhà, được tôn làm vua. Hai bên núi Đụn, có khe suối chảy róc rách bốn mùa và núi Đụn ngày nay còn lưu giữ di tích Thành Hùng Sơn, đền thờ miếu mộ Mai Hắc Đế, mộ Mai Thúc Huy (con của vua Mai) và mộ một số tướng lĩnh của vua Mai.

Ở Nam Đàn còn có dòng sông Lam chảy qua huyện, gắn với dãy Thiên Nhẫn, Đại Huệ tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình, thơ mộng. Hai bên bờ sông Lam là những làng quê trù phú, xen lẫn vào đó là những ngôi đền, đình, miếu được xây dựng rất công phu, như đền Trằm (xã Nam Thượng), đền thờ và miếu mộ Vua Mai, đền Đức Ông (xã Vân Diên), Viên Quang Tự (xã Nam Thanh), đền Nhạn Tháp (xã Hồng Long), đền Thần Trụ, đền Giáp Cả (xã Xuân Lâm), đền Thánh Cả, chùa Bi, chùa Đạt (xã Kim Liên), đền Thống Chinh, đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn), đình Trung Cần (xã Nam Trung)...



Đua thuyền trong Lễ hội đền Vua Mai. Ảnh: Sỹ Minh.

Nam Đàn là vùng đất địa linh nhân kiệt. Ngược dòng lịch sử, chúng ta biết đến Mai Thúc Loan trong phong trào đấu tranh bảo vệ và xây dựng độc lập của dân tộc từ thế kỷ IX đến đầu thế kỷ XIX, ở Nam Đàn còn xuất hiện những người anh hùng, được nhân dân lập đền thờ ghi nhớ công ơn, như đền Độc Lôi (xã Nam Giang) thờ tướng quân họ Phạm – người có công đánh quân xâm lược Chămpa và Bồn Man; đền Thánh Cả (ở núi Chung – Kim Liên) thờ tướng công Nguyễn Đắc Đài; miếu Thống Chinh (ở núi Ngũ Nhạc – Khánh Sơn) thờ nghĩa quân công, Tiến sỹ Tống Tất Thắng; đền Hồ Cương thờ Nguyễn Cảnh Mô... Trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đất Nam Đàn tiếp tục sinh thành, nuôi dưỡng những nhà chí sỹ yêu nước, những nhà cách mạng lỗi lạc, như Thám hoa Nguyễn Đức Đạt; Tú tài Vương Thúc Mậu, Vương Thúc Oánh, Vương Thúc Quý; Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Hiệp quản Trần Xuân; nhà cách mạng tiền bối Lê Hồng Sơn; người sáng lập phong trào Đông Du - chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu. Đặc biệt, Nam Đàn là nơi sinh, nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây còn là nơi nổi tiếng về khoa bảng, từ năm 1075 đến 1919, đã đóng góp cho đất nước 38 vị đại khoa. Sau này, khi đất nước được độc lập, thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển đất nước, đất này có nhiều nhà hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật nổi tiếng...

P.V: Với những lợi thế về thiên nhiên và truyền thống như vậy, đồng chí có thể cho biết Nam Đàn đã, đang và sẽ phát huy những giá trị đó như thế nào?

Đồng chí Thái Văn Nông: Nam Đàn cùng với Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò tạo thành trung tâm và “tam giác” du lịch trọng điểm của Nghệ An. Những năm qua, huyện đã huy động thu hút đầu tư, tập trung xã hội hóa nguồn lực để đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; xây dựng con người có lối sống, ứng xử văn hóa – văn minh, nhất là tại các điểm du lịch Kim Liên, mộ Bà Hoàng Thị Loan, đền và mộ Mai Hắc Đế... Từ đó, thu hút ngày càng nhiều du khách, riêng Khu di tích Kim Liên, bình quân mỗi năm đón 1,5 đến 2 triệu lượt khách du lịch.

Với truyền thống kiên cường, quả cảm trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, người dân Nam Đàn hôm nay đang thể hiện mạnh mẽ truyền thống cần cù, chịu khó, ý chí vươn lên, sáng tạo, đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Năm vừa qua, mặc dù là một năm đầy gian nan, vất vả nhưng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Nam Đàn tiếp tục thể hiện niềm trăn trở, lo toan, dồn trí tuệ và tài năng sáng tạo để tìm ra bước đi mới trong điều kiện tình hình kinh tế chung gặp rất nhiều khó khăn. Rà lại các chỉ tiêu trong năm 2012, Nam Đàn có 10/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế tiếp tục có sự tăng trưởng, đạt 6,29% so với năm 2011. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn 35,22%; tăng công nghiệp xây dựng lên 44,81% và dịch vụ là 19,95%...



Dây chuyền thêu tại Công ty Hai Vina Kim Liên. Ảnh: S.M.

Đặc biệt, Nam Đàn là 1 trong 5 điểm chỉ đạo của Trung ương về xây dựng nông thôn mới, vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở đây cũng đã thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Huyện đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng nông thôn mới (NTM) cho 23/23 xã, sau đó các xã đều đã triển khai cắm mốc theo quy hoạch, hoàn thành dự thảo đề án NTM thông qua HĐND xã. Chỉ đạo việc chuyển đổi HTXDV nông nghiệp để hoạt động có hiệu quả. Đã giải thể 36/36 HTX cũ thành lập các HTX mới hoạt động theo đúng Luật HTX. Thực hiện chuyển đổi ruộng đất xong ở 3 xã điểm làm cơ sở để hoàn chỉnh công tác này trong năm 2013. Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng thu nhập cho người dân từ nguồn vốn chương trình NTM tại 23/23 xã. Cùng với các chương trình được lồng ghép, các tầng lớp nhân dân huyện nhà đã tích cực góp tiền và công sức xây dựng NTM.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục tạo được những chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, chất lượng mũi nhọn có chuyển biến khá. Năm học 2011 - 2012, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,1%; có 1.215 em đậu vào các trường đại học và cao đẳng; có 108 em đạt học sinh giỏi tỉnh; có 1 em đạt Huy chương Vàng Olympic Toán tuổi thơ toàn quốc; có 6 em đạt học sinh giỏi quốc gia. Có 37 trường đạt chuẩn quốc gia; 43 trường đạt các tiêu chí "trường học thân thiện, học sinh tích cực". Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được thực hiện tốt với 22/24 xã được công nhận chuẩn quốc gia về y tế. Thực hiện có kết quả đề án xây dựng huyện điểm văn hoá với 82% hộ được công nhận gia đình văn hóa; 55,6% xóm, khối và 74 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu đơn vị văn hóa. Các chính sách xã hội được thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,62%. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không có “điểm nóng” xảy ra...

P.V: Thời gian tới, huyện nhà sẽ làm gì để phát huy và phát triển mạnh mẽ hơn, thưa đồng chí?

Đồng chí Thái Văn Nông: Thời gian tới, nhân dân quê Bác tiếp tục phát huy những đức tính tốt đẹp mà tổ tiên, ông cha để lại, xây dựng phong cách con người trên quê hương Nam Đàn có trình độ, ứng xử có văn hóa, có ý chí vươn lên, khát vọng làm giàu, xây dựng quê hương hiện đại về khoa học kỹ thuật, giàu mạnh về kinh tế, văn minh và công bằng trong đời sống tinh thần và vật chất. Tiếp tục chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo gắn với mở rộng, phát triển các Lễ hội Làng Sen, Lễ hội đền Vua Mai..., nhằm phát huy và khai thác các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn, thực sự trở thành vùng trọng điểm du lịch của Nghệ An. Tập trung cao độ để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 - năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 – 2015). Các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân huyện nhà đang dấy lên các phong trào thi đua hành động cách mạng, phấn đấu quyết liệt với quyết tâm cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ năm 2013.

Từng bước xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, trì trệ; tranh thủ cơ chế chính sách kích cầu để đẩy nhanh việc ứng dụng mạnh mẽ, sâu rộng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, nhất là trong nông nghiệp, trong công nghệ thông tin, trong lĩnh vực y học. Thực hiện tốt hơn dân chủ cơ sở, phát huy mạnh nội lực, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khác đầu tư hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, tích cực giải quyết các vướng mắc, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực du lịch và dịch vụ.

Tăng cường các hoạt động xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, các chính sách xã hội; giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là về môi trường, phòng, chống tham nhũng lãng phí, thực hiện xoá đói - giảm nghèo, giải quyết việc làm… Tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền các cấp; thực hiện có hiệu quả hơn quy chế dân chủ cơ sở, nhất là vấn đề công khai dân chủ; tăng cường đối thoại với nhân dân; xây dựng cơ chế phối hợp để phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể, các tổ chức xã hội trong thực hiện chức năng giám sát, phản biện, động viên nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhân dân, đoàn viên, hội viên. Không ngừng củng cố khối đoàn kết thống nhất, đồng thuận trong nhân dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống chính trị xã hội. Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện uỷ về phát triển du lịch huyện Nam Đàn giai đoạn 2011-2015, có tính đến năm 2020.

P.V: Năm 2013 này, sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu, 1.290 năm ngày mất của Vua Mai và tổ chức Lễ hội đền Vua Mai. Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức sự kiện này?

Đồng chí Thái Văn Nông: Năm nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép Nghệ An tổ chức lễ kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu, 1.290 năm ngày mất của Mai Hắc Đế, gắn với Lễ hội đền Vua Mai năm 2013, với quy mô cấp tỉnh. Thông qua lễ kỷ niệm này, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân về truyền thống quật cường của các thế hệ Việt Nam để giành độc lập, thống nhất và hòa bình cho đất nước hôm nay; giới thiệu những nét đẹp văn hóa của con người Nghệ An nói chung và Nam Đàn nói riêng, đến với du khách thập phương và nhân dân trong cả nước; góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa riêng của đất Nghệ!

P.V: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!


Mai Hoa (thực hiện)

Mới nhất

x
Phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, xây dựng Nam Đàn phát triển giàu mạnh, văn minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO